Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng tất yếu hướng tới phát triển bền vững
Một góc KCN, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, KCN đang tập trung các dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư FDI |
Phát triển KCN tạo “ lực kéo” để thúc đẩy thu hút đầu tư FDI
Việt Nam đang tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị hạ tầng công nghiệp là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư FDI. Trong đó, việc triển khai các KCN sinh thái đang được đánh giá là một mô hình tất yếu, không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và tác động lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Một góc KCN WHA trong KKT Đông Nam Nghệ An, KCN thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ |
Trong hơn 35 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI, các KCN, khu kinh tế (KKT) đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước; tạo nhiều việc làm cho người lao động, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Một góc KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN tập trung các nhà đầu tư FDI |
Song song với những đóng góp trực tiếp của các KCN, việc hình thành và phát triển các KCN đã có tác động lan tỏa sâu rộng đến các khu vực khác của nền kinh tế; trong đó có việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại… Cùng với đó, việc phát triển KCN đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế chính sách, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN, KKT…
Các nhà đầu tư của Bờ Biển Ngà thăm quan KCN DEEP C để tìm kiếm môi trường đầu tư |
Bằng chứng cho thấy, tại Việt Nam, các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại luôn được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm hiểu và thu hút đầu tư mạnh mẽ với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, điển hình như chuỗi các KCN Thăng Long (Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc), KCN DEEP C (Hải Phòng), KCN VSIP (Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bình Định, Cần Thơ)…
Một góc KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng- KCN đang thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến KCN sinh thái |
Xu hướng tất yếu cần thiết chuyển đổi KCN sinh thái
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc phát triển các KCN thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, quy hoạch phát triển KCN chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi, quy hoạch phát triển KCN chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư. Do đó, chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư chưa đạt như kỳ vọng về sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên về đất đai (tài sản quan trọng của quốc gia) cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đảm bảo phát triển bền vững, cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội.
Tại các KCN truyền thống hiện nay, cộng đồng các KCN trong cùng địa phương còn thiếu tính liên kết, cùng hợp tác nhằm tăng sức cạnh tranh cũng như kết nối với các KCN tại những địa phương lân cận. Doanh nghiệp trong cùng KCN cũng chưa tận dụng hết các lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có.
Cổng ngoài KCN DEEP C Hải Phòng, một trong 05 KCN đang thực hiện chuyển đổi KCN sinh thái giai đoạn 2 |
Việc thực hiện KCN sinh thái đòi hỏi nhiều chi phí hơn so với các KCN truyền thống, do quy định xây dựng KCN sinh thái phải đáp ứng đủ các nhóm tiêu chí đối với từng đối tượng như: (1) Đối với nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tuân thủ quy định của pháp luật về: đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận KCN sinh thái. Bảo đảm đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật bao gồm: dịch vụ hạ tầng thiết yếu (điện; nước; thông tin, phòng cháy, chữa cháy; xử lý nước thải; các dịch vụ hạ tầng thiết yếu khác) và các dịch vụ có liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giám sát đầu vào và đầu ra về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu trong khu công nghiệp; lập báo cáo định kỳ hàng năm về các kết quả đạt được trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và giám sát phát thải của KCN, báo cáo Ban Quản lý các KCN, KKT. Hằng năm, công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh gửi Ban Quản lý KCN, KKT và đăng trên website của doanh nghiệp. (2) Đối với các doanh nghiệp trong KCN: Thực hiện ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp và các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp trong KCN áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp. Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường. (3) Đối với các KCN Tỷ lệ tối thiểu tổng diện tích cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong KCN đạt 25% trong quy hoạch xây dựng KCN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Có giải pháp đảm bảo nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN. |
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, do đó tất yếu đòi hỏi phải đổi mới toàn diện để tránh tụt hậu, trở thành quốc gia phát triển với nền sản xuất hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa về thể chế, chính sách và các quy định hiện hành; điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN, KKT để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 28/05/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT. Theo đó, nhiều nội dung sửa đổi về trình tự, thủ tục quy hoạch, đầu tư, thành lập KCN, KKT, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với KCN, KKT và bổ sung các mô hình KCN, KKT mới. Nghị định còn định hướng xây dựng KKT, KCN theo hướng tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các KCN ở nước ta hiện nay.
KCN sinh thái là một cộng đồng các doanh nghiệp đóng trên cùng một địa bàn và cùng tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường thông qua các hoạt động cộng tác về quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên. Điều này cũng có nghĩa là cộng sinh công nghiệp, hay nói cách khác các doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc trao đổi và chia sẻ nguyên liệu, năng lượng, nước và các sản phẩm phụ; từ đó tăng cường phát triển bền vững và bao trùm. Đây là giải pháp hiệu quả để xây dựng KCN bền vững, loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Mô hình KCN sinh thái là việc tạo ra các KCN hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN và doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng, tăng tính cạnh tranh và khả năng chống chịu rủi ro. Tại KCN sinh thái, các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ sử dụng chung hạ tầng và dịch vụ, tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua việc hợp tác để tối ưu hóa các yếu tố và quá trình sản xuất.
Mô hình KCN sinh thái xuất phát từ khái niệm sinh thái công nghiệp. Theo đó, phát triển quá trình sản xuất theo hướng tuần hoàn thay thế cho mô hình tuyến tính. Trong KCN, đầu ra hoặc chất thải, sản phẩm phụ của doanh nghiệp này là đầu vào cho doanh nghiệp khác với mô hình sản xuất khác. Mô hình KCN sinh thái cũng tích hợp tất cả các vấn đề xã hội và kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch tổng thể KCN, theo đó, tạo điều kiện cho các ngành nghề trong KCN kết hợp và tương hỗ lẫn nhau, tạo thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp.
KCN sinh thái mang lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho các doanh nghiệp trong KCN, vượt ra ngoài khuôn khổ kinh doanh truyền thống, hướng tới những lợi ích lớn hơn thông qua cải tạo chất lượng nước, không khí, môi trường sống của dân cư xung quanh KCN.
Hiện nay các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Do đó, phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái sẽ là lợi thế lớn của Việt Nam để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển bền vững, mang lại lợi ích to lớn cho các KCN và cộng đồng dân cư xung quanh KCN trên cả 03 khía cạnh: kinh tế - xã hội - môi trường.
Phát triển KCN theo mô hình sinh thái hiện nay không còn là giải pháp được Chính phủ khuyến nghị, mà đã và đang trở thành một yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn đạt hiệu quả cao hơn trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư FDI.
Đặc biệt, ưu đãi đối với KCN sinh thái cũng được chú trọng như: miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư; được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ, Ngân hàng phát triển, các quỹ của nhà tài trợ quốc tế…; được cung cấp thông tin về công nghệ, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái; tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư.
Để thúc đẩy phát triển KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện KCN sinh thái, để tiếp tục lan tỏa sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều KCN theo từng mức độ phát triển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát KCN sinh thái; xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện KCN sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về KCN sinh thái để tạo được hiệu ứng tích cực nhằm nâng cao nhận nhận thức và hiệu quả chuyển đổi KCN sinh thái.
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án KCN sinh thái thăm quan hệ thống xử lý nước thải KCN AMATA, tỉnh Đồng Nai |
Những kết quả bước đầu và “bài toán” để triển khai hiệu quả KCN sinh thái
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà tài trợ và dự án KCN sinh thái chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội thảo tổng kết dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” , diễn ra ngày 12/6/2019 tại Hà Nội |
Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) để thực hiện Dự án KCN sinh thái do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ; trong đó giai đoạn 1 dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” thu hút được 72 doanh nghiệp từ 4 KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ áp dụng các công nghệ, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do Dự án tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai đã giúp tiết kiệm được hơn 22.000 Mwh điện; hơn 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm. Qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ ký kết Văn kiện Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 20/11/2020 |
Hiện nay dự án KCN sinh thái đang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả giai đoạn 2 dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, với các KCN thí điểm được lựa chọn là KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng).
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà tài trợ cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo KCN sinh thái tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 11/2022 |
Đội ngũ chuyên gia của Dự án vẫn đang tích cực triển khai hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều KCN theo từng mức độ phát triển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát KCN sinh thái; xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện KCN sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về KCN sinh thái theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn của Chính phủ.
Cán bộ kỹ thuật của KCN DEEP C giới thiệu với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các nhà tài trợ mô hình năng lượng tái tạo trong KCN DEEP C |
Trên thực tế triển khai, quá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái cần nguồn vốn đầu tư, trong khi đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong KCN còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi do thủ tục khắt khe, lãi suất đang có xu hướng tăng cao, thời hạn vay ngắn. Hơn nữa, Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái; các rào cản về kỹ thuật, năng lực quản lý cũng khiến các doanh nghiệp còn bỡ ngỡ khi thực hiện chuyển đổi.
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà tài trợ và dự án KCN sinh thái thăm quan doanh nghiệp đang thực hiện hoạt động chuyển đổi sinh thái tại KCN Amata |
Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các hướng dẫn, cũng như quy chuẩn cần thiết hỗ trợ chuyển đổi và xây dựng mới các KCN sinh thái. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và đồng hành cùng các địa phương trên cả nước trong việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái và xây dựng KCN sinh thái mới, gắn kết KCN sinh thái với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các địa phương; phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh 2021-2030 tầm nhìn 2050, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên Hợp quốc, cam kết thực hiện mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP 26)./.
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà tài trợ và dự án KCN sinh thái chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư KCN Amata |
Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bùi Hồng Phương, Ban Quản lý Dự án Khu công nghiệp sinh thái UNIDO
Bình luận