Phát triển năng lượng mặt trời cần lưu ý hệ lụy
Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Kinh doanh Năng lượng xanh - Công ty CP Tập đoàn PC1 cho biết, để phát triển năng lượng mặt trời, về tổng thể, cần sự khích lệ của Chính phủ |
Nỗi lo về chất thải sinh ra từ tấm pin mặt trời hỏng
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Kinh doanh Năng lượng xanh - Công ty CP Tập đoàn PC1 cho biết, để phát triển năng lượng mặt trời, về tổng thể, cần sự khích lệ của Chính phủ.
Năm 2020, quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời đã tạo cú hích lớn cho lĩnh vực này, giúp nâng cao nhận thức xã hội về năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, theo ông, cái gì phát triển nhanh quá cũng để lại hệ luỵ. Việc phát triển quá nóng của điện mặt trời đã gây áp lực lên hệ thống truyền tải. Hiện nay, EVN tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà vào lưới điện trong thời gian chờ Chính phủ ban hành cơ chế và có hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương.
GS, TS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, người từng tham gia Hội đồng thẩm định đánh giá đề tài Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ câu hỏi: Sau 30 năm tuổi thọ của tấm pin mặt trời thì điều gì sẽ xảy ra?
“Điều đáng lo ngại nhất là chất thải sinh ra từ tấm pin mặt trời hỏng. Có các trường hợp là công ty bán pin mặt trời cam đoan nếu hỏng thì người dùng có thể bán lại và họ sẽ thu mua hết nhưng có khi chưa đến 3 năm những tấm pin hỏng thì công ty đó đã giải thể. Do đó, có thể cảnh báo rằng việc tái chế lại các tấm pin mặt trời là rất cần lưu ý bên cạnh việc phát triển năng lượng mặt trời”, bà Chi nhấn mạnh.
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch CTCP Shinec (Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền) cho biết, Nam Cầu Kiền sẽ tự đầu tư hệ thống điện mái nhà, tự sử dụng và không đưa lên lưới điện quốc gia |
Mô hình mạng lưới nhỏ của điện mặt trời là tối ưu
Trong quy hoạch điện VIII, Chính phủ vẫn khuyến khích tự sản xuất, sử dụng. Thực tế, vai trò của năng lượng tái tạo ngày càng quan trọng, đặc biệt là sau cam kết COP26. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn mà Việt Nam thu hút quan tâm đầu tư từ nước ngoài.
Tiềm năng là vậy nhưng việc phát triển như thế nào thì yêu cầu các đơn vị tham gia phải tìm hướng đi thông minh hơn.
Theo ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, trong các dự án sẽ được cấp tín dụng xanh thì dự án năng lượng mặt trời là dự án đầu tiên. Nhưng, tiêu chí xác định dự án căn cứ trên cường độ, tính khả thi của xử lý chất thải rắn và cuối cùng là phù hợp quy hoạch bảo vệ môi trường.
“Cái này chúng ta cần đặc biệt lưu ý, nếu không sẽ thành nhập khẩu từ nước ngoài và là cơ hội để nước ngoài xuất khẩu phát thải vào Việt Nam. Chúng ta cần biết lựa chọn loại tấm pin và tối ưu nhất là lựa chọn tấm pin mặt trời sản xuất ở Việt Nam”, ông Toản nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, mô hình mạng lưới nhỏ sẽ tối ưu hơn, như các khu công nghiệp có mạng lưới điện riêng sẽ chủ động được nguồn năng lượng, tự phân bổ thừa – thiếu giữa các đơn vị.
Là nhà tổng thầu cơ điện, cùng với kinh nghiệm vận hành nhà máy điện cũng như năng lực về tư vấn trong ngành, ông Hùng cho biết PC1 đang xây dựng mô hình phát triển năng lượng dựa trên cơ sở số hoá, giúp chủ đầu tư, doanh nghiệp chạy ra những kịch bản tối ưu về xây dựng nguồn năng lượng tối ưu. Đây cũng là thế mạnh để PC1 tham gia hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch CTCP Shinec (Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền) cho biết, khu công nghiệp này có diện tích hơn 263 ha, hiện có hơn 70 doanh nghiệp đầu tư.
“Tại Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã xây dựng 3 mô hình hệ thống cộng sinh công nghiệp. Các nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italy, Singapore, Việt Nam… đều liên kết với nhau rất hài hoà vì giá trị gia tăng cho lợi ích từng doanh nghiệp. Chúng tôi đang muốn xây dựng thêm hệ thống năng lượng tái tạo, phủ hết điện mái nhà để sử dụng trong Khu công nghiệp”, ông Điệp cho biết thêm.
Tuy nhiên, việc phát triển điện mái nhà hiện còn nhiều vướng mắc, nên doanh nghiệp rất mong được cơ quan chức năng xem xét để tiến tới mục tiêu zero carbon. Theo đó, Nam Cầu Kiền sẽ tự đầu tư hệ thống điện mái nhà, tự sử dụng và không đưa lên lưới điện quốc gia.
Trước quan ngại về vấn đề xử lý kính năng lượng, ông Điệp là không đáng lo vì chúng có rất nhiều mạch kim có thể thu hồi được.
Dẫn ví dụ ở Nhật đã có rất nhiều nhà máy xử lý tốt loại này, ông Điệp chỉ rõ, đó chính là “đỉnh cao của kinh tế tuần hoàn khi tận dụng tất cả tài nguyên”./.
Bình luận