CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ Ở SINGAPORE

Singapore là quốc gia phát triển nằm trong khu vực Đông Nam Á. Với dân số hơn 5.960.000 người, nền kinh tế của Singapore có mức tăng trưởng cao với thu nhập bình quân đầu người hàng năm gần 59.797 USD (World Bank, 2020; National Population and Talent Division, 2020). Tuy nhiên, đất nước này đang phải đối mặt với thách thức lớn khi có đến 90% lượng lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng năm, mỗi người dân Singapore tiêu thụ khoảng 367 kg thực phẩm, trong đó bao gồm 46% trái cây và rau, 25% ngũ cốc và 29% thịt, trứng và hải sản (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Lượng thực phẩm tiêu dùng hàng năm của mỗi người dân Singapore

Đơn vị: kg

Phát triển nông nghiệp đô thị ở một số quốc gia trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam

Nguồn: Deloitte and A*STAR SIMTech (2019)

Đất nước này đang đặt mục tiêu sẽ tự sản xuất được 30% lượng lương thực vào năm 2030 (Anne Pinto-Rodrigues, 2021). Và để thực hiện được điều này, Chính phủ Singapore đang triển khai áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại để phát triển nông nghiệp đô thị.

Vào những năm 1970, cứ 10 người Singapore thì có một người làm nông nghiệp (Anne Pinto Rodrigues, 2021). Nhiều vườn cây ăn quả, trồng rau sạch, trang trại nuôi gia súc, gia cầm nằm rải rác trên quốc đảo này. Tuy nhiên, những năm sau đó, hầu hết những nghề này đã biến mất do có sự đô thị hóa nhanh chóng. Quá trình cạnh tranh do nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng dẫn đến đất dành cho sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp lại và hiện nay chỉ còn chiếm khoảng 1% diện tích của đất nước này, tập trung chủ yếu ở phía Bắc 3 (Clarisa Diaz, 2021). Nguồn cung cấp thực phẩm của Singapore ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Khoảng một thập kỷ trước đây, Chính phủ Singapore đã thấy lo ngại về việc quốc gia này phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu và đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị này nhằm đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.

Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng mà các nước phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập khẩu đang phải đối mặt. Vấn đề này cũng đặc biệt quan trọng đối với Singapore, khi quốc gia này nhập khẩu số lượng lớn lương thực từ hơn 170 quốc gia. Từ vài năm nay, Chính phủ Singapore đã chuẩn bị tinh thần để ứng phó với một cuộc khủng hoảng như vậy. Năm 2014, Chính phủ đã công bố Quỹ năng suất nông nghiệp trị giá 63 triệu đô la Singapore (khoảng 47 triệu USD) để hỗ trợ các trang trại tăng sản lượng bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến. Cho đến nay, đã có hơn 100 trang trại tại các địa phương được hưởng lợi từ Quỹ này. Cơ quan lương thực Singapore (SFA) cũng đã đưa ra chương trình “30x30” vào năm 2019, với mục tiêu sản xuất 30% nhu cầu thực phẩm tại đất nước này vào năm 2030 (Anne Pinto Rodrigues, 2021).

Nhiều hộ gia đình Singapore đã nhận được các khoản tài trợ của Chính phủ để mở rộng sản xuất thực phẩm, nuôi trồng thủy sản. Năm 2019, Singapore có 220 trang trại sản xuất nông nghiệp, trong đó có 122 trang trại nuôi cá trên biển và trên đất liền và phần lớn các trang trại cá ngoài khơi nằm ở eo biển Johor ở phía Bắc của hòn đảo này. Nuôi trồng thủy sản dọc trên cạn cũng đang được xem là một giải pháp thay thế để tăng sản lượng cá. Bên cạnh đó, Singapore cũng liên kết với Brunei để xây dựng các trang trại nuôi cá thẳng đứng áp dụng công nghệ cao, đó là các trang trại được thiết kế nhiều tầng, có thể tiết kiệm được diện tích mặt bằng nhưng mang lại hiệu quả cao (Jose Ma. Luis Montesclaros và cộng sự, 2018).

Với điều kiện đất đai hạn hẹp, chỉ với 1% đất dành cho sản xuất nông nghiệp, Chính phủ Singapore khuyến khích người dân sử dụng công nghệ để đạt được mức sản lượng cao trong sản xuất. Và công nghệ đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lượng thực của quốc gia này. Trong sản xuất rau ăn lá, người dân Singapore đã có những cách sáng tạo để bố trí trang trại trồng rau ở các khu vực khác nhau trong thành phố. Các trang trại đô thị được phát triển rất mạnh và sản xuất nông nghiệp được triển khai ở khắp nơi, tận dụng khoảng không trên các mái nhà, trên các sân thượng và ở những không gian chưa được tận dụng như dưới các gầm cầu để trồng trọt. Những trang trại trồng rau này được nhận khoản tài trợ từ Chính phủ trong chương trình “30x30” lên đến 30 triệu đô la Singapore (khoảng 22 triệu USD (Anne Pinto Rodrigues, 2021). Ở Singapore, phần lớn các khu chung cư là nhà ở công cộng và chính phủ cho phép sử dụng các mái nhà để làm không gian cho sản xuất nông nghiệp vì lợi ích cộng đồng.

Nóc nhà của các bãi đậu xe nhiều tầng trong các khu nhà ở công cộng cũng đã được Chính phủ cho phép người dân sử dụng để trồng rau. Năm 2020, đã có 238 trang trại được Chính phủ cấp phép sản xuất (Clarisa Diaz, 2021). Các trang trại này đã cho thấy cách thức đổi mới sản xuất có thể mang lại năng suất cao trong điều kiện hạn hẹp về đất đai. Chính phủ Singapore nhận thấy, nếu các phương pháp canh tác này được áp dụng trên quy mô lớn hơn, Singapore có thể khắc phục được những hạn chế về nguồn lực và tăng cường khả năng cung cấp thực phẩm ở các loại rau ăn lá và cá. Cho đến nay, các trang trại sản xuất nông nghiệp của Singapore đã đáp ứng được 14% nhu cầu về rau ăn lá, 26% nhu cầu về trứng và 10% nhu cầu về cá. Sự kết hợp của công nghệ, kỹ thuật, thiết kế và canh tác đã tạo tiền đề cho sự chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp ở Singapore (Biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Số lượng các trang trại đã được cấp giấy phép ở Singapore năm 2020

Phát triển nông nghiệp đô thị ở một số quốc gia trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam

Nguồn: Singapore Food Agency, 2020

Một phương thức khác mà người dân Singapore áp dụng để sản xuất nông nghiệp, đó là xây dựng các khu nhà kính để trồng rau từ việc tận dụng các không gian cũ mà hiện nay không còn sử dụng. Nhà kính được thiết kế phù hợp, có thể tự điều chỉnh để không khí lưu thông tốt hơn và mang lại năng suất từ 60-80 kg thực phẩm trên mỗi mét vuông. Sản phẩm rau thu hoạch tại các nhà kính này thường phục vụ cho thị trường tiêu thụ ngay tại các địa phương.

Mô hình nông nghiệp đô thị ở Singapore đã thực sự mang lại hiệu quả nhờ có sự kết hợp giữa công nghệ sản xuất tiên tiến, sự đa dạng các phương pháp canh tác và các chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ.

ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ Ở MALAYSIA

Cũng như Singapore, Malaysia là quốc gia cũng đã phát triển nông nghiệp đô thị từ nhiều năm. Chương trình nông nghiệp đô thị tại Malaysia được triển khai thực hiện từ năm 2014. Tại thời điểm đó ở đất nước này có đến 58% người dân sống ở khu vực thành thị và ước tính sẽ tăng lên 60% vào năm 2025 do có sự gia tăng nhanh về dân số và tốc độ đô thị hóa (Mohd Rashid Rabu và cộng sự, 2015). Sở dĩ có hiện tượng này là do đất đai khan hiếm, người dân từ nông thôn di cư ra thành thị ngày càng tăng lên, và điều này dẫn đến sự cạnh tranh trong tiếp cận các nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm của người dân. Mặc dù Malaysia giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng nước này lại phụ thuộc nhiều vào các loại thực phẩm nhập khẩu có giá trị cao, đặc biệt là trái cây và rau được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau, trong đó nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc là chủ yếu. Việc nhập khẩu ngày càng nhiều đã cho thấy đất nước này đang phải đối mặt với vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân. Xu hướng đó đã làm cho hoạt động canh tác tại khu vực đô thị trở nên quan trọng và phù hợp với nhu cầu của người dân thành thị.

Phát triển nông nghiệp đô thị tại Malaysia được thực hiện thông qua việc thành lập các cộng đồng nông dân đô thị. Người dân đô thị tận dụng các khoảng trống xung quanh nhà để trồng trọt. Vào thời điểm năm 2021, Malaysia có 11.000 cộng đồng nông dân đô thị và Chính phủ đặt mục tiêu tạo ra 20.000 cộng đồng nông dân đô thị vào năm 2030 (Rozhan Abu Dardak, 2021). Khi triển khai phát triển nông nghiệp đô thị, Chính phủ Malaysia nhận thấy cách canh tác ở khu vực đô thị sẽ cần phải thay đổi, không thể giống với phương thức canh tác truyền thống ở khu vực nông thôn. Sản xuất nông nghiệp ở khu vực đô thị sẽ phải đối mặt với các vấn đề, như: ô nhiễm môi trường, sử dụng phân bón, hóa chất… là những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường sống của người dân ở khu vực thành thị, vốn đã chật hẹp. Do vậy, canh tác nông nghiệp ở khu vực đô thị cần có những kỹ thuật phù hợp để giải quyết được các vấn đề này.

Các phương pháp được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đô thị ở Malaysia được áp dụng là khí canh (trồng cây trong không khí mà không cần sử dụng đất), thủy canh (trồng cây mà không cần đất) và Aquaponics (một phương pháp canh tác không dùng thuốc trừ sâu kết hợp nuôi trồng thủy sản và nước nuôi trồng thủy sản giàu chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây trồng thủy canh). Những phương pháp được này được người dân đô thị ở Malaysia áp dụng trong sản xuất nông nghiệp thể hiện rõ tiến bộ về kỹ thuật trong sản xuất lương thực và phù hợp với môi trường đô thị. Bên cạnh đó, các phương pháp trồng cây trên sân thượng và canh tác thẳng đứng cũng được áp dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp đô thị. Kỹ thuật canh tác thẳng đứng được coi là hiệu quả hơn so với các phương pháp canh tác thông thường do cây được trồng theo phương thẳng đứng, mang lại năng suất cao và tiết kiệm diện tích trồng trọt. Người dân Malaysia còn học tập các phương pháp sản xuất nông nghiệp đô thị của Singapore như thiết lập hệ thống canh tác Aquaponics trên mái các bãi đỗ xe và mở các trang trại đô thị trong các tòa nhà không sử dụng.

Các phương pháp sản xuất này đã được Bộ Nông nghiệp Malaysia phổ biến kiến thức rộng rãi đến người dân qua các kênh truyền hình. Người dân thành thị rất thích các công nghệ này vì đây là những kỹ thuật sản xuất hiện đại, mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia còn triển khai một số chính sách hỗ trợ để phát triển nông nghiệp đô thị, điển hình là Chính sách nông lương quốc gia giai đoạn 2011-2020. Chính sách này được đưa ra để giải quyết vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện suy thoái đất đai, biến đổi khí hậu và nhấn mạnh vào việc sử dụng các công nghệ hiện đại phù hợp với không gian hạn chế như các khu đô thị. Nhờ việc triển khai các công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp đô thị mà hiện tại sản lượng nông nghiệp tại Malaysia đã tăng lên và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với trái cây, rau và các sản phẩm thịt lần lượt là 78,4%, 44,6% và 22,9% (Amanda Yeo, 2021).

Chương trình nông nghiệp đô thị tại Malaysia được phát triển với mục đích nhằm giảm chi phí về lương thực, thực phẩm hàng ngày của người dân. Chương trình này hướng tới sự tham gia của cộng đồng và cung cấp thực phẩm cho những người có thu nhập thấp để giúp họ giảm chi tiêu của hộ gia đình. Nghiên cứu về tác động của công nghệ canh tác đô thị tới cộng đồng đô thị ở Malaysia cho thấy, chi phí cho lương thực, thực phẩm của những người dân trước khi tham gia chương trình nông nghiệp đô thị là 145 RM/tháng. Tuy nhiên sau khi tham gia chương trình, khoản chi tiêu này của người dân đã giảm xuống còn 66 RM/tháng hay 793 RM/năm (Rasmuna MM và các cộng sự, 2020). Chương trình nông nghiệp đô thị đã giảm được ít nhất là 45,56% chi phí tiêu dùng các loại rau và trái cây cho người dân Malaysia (Rozhan Abu Dardak, 2021) Điều này cho thấy rất rõ những lợi thế mà nông nghiệp đô thị mang lại, đặc biệt là đối với những người nghèo ở thành thị. Bên canh đó, việc trồng rau và trái cây tại đô thị cũng đã góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường sống của người dân. Người dân có thể tận hưởng không gian xanh tự nhiên do các khu vực đất trống ở thành thị đã được tối ưu hóa để trồng cây.

Malaysia là nước nhập khẩu thực phẩm ròng, chịu nhiều tác động do giá lương thực thực phẩm tăng cao và nguồn cung thực phẩm trên thị trường quốc tế luôn biến động. Do vậy, nông nghiệp đô thị là giải pháp tốt nhất để cung cấp thực phẩm cho người dân tại khu vực đô thị. Nông nghiệp đô thị đóng góp tích cực và đáng kể vào an ninh lương thực của các quốc gia và có thể giúp các hộ gia đình thoát khỏi tình trạng khủng hoảng lương thực. Hơn nữa, nó tạo cơ hội cho mỗi hộ gia đình tự sản xuất lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Chi tiêu cho thực phẩm của các hộ gia đình cũng vì thế mà có thể giảm bớt và dành các khoản đã tiết kiệm được từ chi tiêu cho thực phẩm để đáp ứng các nhu cầu khác của họ. Vì vậy, Chính phủ Malaysia luôn xác định cần phải có bước đột phá mới để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững hơn trong tương lai. Và điều này phải có sự kết hợp giữa khu vực tư nhân và Nhà nước để đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp ở đô thị.

MỘT SỐ GỢI Ý CHO VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ

Phát triển nông nghiệp đô thị ở một số quốc gia trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có nhiều diện tích đất nông nghiệp hơn Singapore hay Malaysia, nhưng với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ và trong tương lai, đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng giảm đi

Ở Việt Nam, trong những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và đang đặt ra vấn đề phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, môi trường ở khu vực đô thị. Việc ứng dụng và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm mà còn góp phần tăng thêm không gian xanh cho người dân ở khu vực đô thị. Các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển ở Việt Nam theo hai hướng là mô hình nông nghiệp chính quy (được tổ chức sản xuất tập trung tại các không gian rộng như các trang trại, các vùng sản xuất chuyên canh ở ngoại thành) và mô hình nông nghiệp phi chính quy (do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống để tự trồng trọt, chăn nuôi). Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này còn chưa cao, nhất là mô hình nông nghiệp phi chính quy. Với điều kiện quỹ đất hẹp thì để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành, tiết kiệm chi phí cho người dân ở đô thị khi được sử dụng những sản phẩm cho chính họ sản xuất ra.

Từ những nghiên cứu về phát triển nông nghiệp đô thị ở Singapore và Malaysia có thể thấy rằng, các quốc gia này đã áp dụng rất thành công các công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp tại đô thị, mang lại năng suất cao trong điều kiện hạn hẹp về đất đai, đảm bảo được một phần nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân và giảm bớt nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy hiện tại, Việt Nam là quốc gia có nhiều diện tích đất nông nghiệp hơn Singapore hay Malaysia, nhưng với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ và trong tương lai, đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng giảm đi. Do đó, những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị mà các quốc gia này đã đạt được là gợi ý quan trọng cho việc xây dựng chiến lược và mô hình phát triển nông nghiệp đô thị tại Việt Nam, đó là:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển ở các khu đô thị và tốc độ đô thị hóa, xu hướng di cư của người dân ra các khu vực thành thị.

Thứ hai, có các chính sách, các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Thứ ba, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp đô thị và hơn nữa, việc sử dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân đô thị cũng là kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã thực hiện thành công./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Amanda Yeo (2021). Turning Empty Spaces Into Urban Farms In Malaysia

  2. Anne Pinto-Rodrigues (2021). Singapore Shows What Serious Urban Farming Looks Like

  3. Clarisa Diaz (2021). Three ways Singapore is designing urban farms to create food security

  4. Deloitte and A*STAR SIMTech (2019). Environmental impact of food in Singapore

  5. Jose Ma, Luis Montesclaros, Stella Liu, and Paul P.S. Teng (2018). Scaling up commercial urban agriculture to meet food demand in Singapore: An aseessment of the viability of leafy vegetable production using plant factories with artificial lighting in a 2017 land tender (first tranche)

  6. Mohd Rashid Rabu, Rasmuna Mazwan Muhammad (2015). The Potential of Urban Farming Technology in Malaysia: Policy Intervention

  7. Rasmuna MM et al (2020). Impact of urban farming technology on urban community in Malaysia

  8. Rozhan Abu Dardak (2021). Urban Agriculture as an Alternative Food Source

  9. Singapore Food Agency (2020). Data 2020

  10. World Bank (2020). GDP per capita (current US$) – Singapore, retrieved from https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD?locations=SG

11. National Population and Talent Division (2020). Overview, retrieved from https://www.population.gov.sg/our-population/population-trends/overview

Hoàng Triều Hoa

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)