Thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu

Thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện

Cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để làm được như vậy, Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có nguồn lực lao động.

Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả, giai đoạn vừa qua, thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực.

Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.

Nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện đã tăng nhiều so với trước.

Lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ mới đạt 24,5% năm 2020

Tuy nhiên, nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động.

Thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Cải thiện và phát triển thị trường lao động, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu

Trong giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn biến gay gắt của biến đổi khí hậu tiếp tục đặt ra yêu cầu về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nhằm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho phát triển đất nước.

Trong giai đoạn tới phát triển thị trường lao động cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động, về chính sách tiền lương cho người lao động và về phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động để thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới, đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

Được sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về:

(i) Các chính sách và diễn biến thực tiễn thị trường lao động trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam;

(ii) Tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước tác động đến phát triển thị trường lao động của Việt Nam giai đoạn 2021-2030;

(iii) Các định hướng và một số giải pháp chính sách phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam” nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách và nguồn lực cần thiết để tập trung cải thiện và phát triển thị trường lao động qua đó thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế./.