Quản lý thị trường đã xử lý hàng chục nghìn vụ buôn lậu, hàng giả
Bộ Công Thương vừa mới có văn bản trả lời chất vấn trước Quốc hội, trong đó báo cáo cụ thể về công tác quản lý thị trường, trọng tâm là vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực với thành viên là các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương) và Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg, ngày 06/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiều chương trình, kế hoạch chuyên đề để tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn ở các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Theo đó, Bộ đã tập trung kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả.
Trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm
Bộ Công Thương cũng chú trọng kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, như: thuốc lá, rượu, gia súc gia cầm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng; kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại,...;
Ngoài ra, Bộ cũng đã tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các địa phương: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, An Giang,… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại đã được phê duyệt. Tổ chức tổng kết, sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, như: Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan thanh tra chuyên ngành để tạo thành sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhờ những nỗ lực nói trên, trong năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm (tăng 1.061 vụ, tăng 1 % so với năm 2015); với tổng số thu nộp ngân sách 548,9 tỷ đồng (tăng 89,1 tỷ đồng, tăng 19,4 % so với năm 2015); giá trị hàng tịch thu 380,9 tỷ đồng (tăng 14,9 tỷ đồng, tăng 4,3 % so với năm 2015).
Riêng 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý trên 46.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách trên 251 tỷ đồng. Trong đó, kết quả xử lý vi phạm đối với một số mặt hàng trọng điểm, như sau:
-Về an toàn thực phẩm: xử lý 6.613 vụ; xử phạt 12,7 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 18,2 tỷ đồng.
- Về mặt hàng phân bón: kiểm tra 1.439 doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón, xử lý 591 vụ vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính gần 3,2 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy gần 47 nghìn kg phân bón vô cơ, 920 bao, 720 chai, 153 gói phân bón vô cơ các loại.
- Về buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu: kiểm tra trên 4.196 lượt, xử lý 2.388 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 10.8 tỷ đồng, tịch thu hơn 1 triệu bao thuốc lá các loại, thu giữ 10 ô tô, 187 xe máy, 5 phương tiện khác và chuyển cơ quan công an 21 vụ.
- Về mặt hàng xăng dầu: kiểm tra 1.674 vụ, phát hiện, xử lý xử lý 757 vụ vi phạm. Tịch thu 45 cột đo xăng dầu (cột đôi), 14 bộ chi tiết đo, 26 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo. Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 14 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 09 cửa hàng. Tịch thu 11.500 lít xăng A92, 8.050 kg dầu FO nhập lậu, tạm giữ 7.950 lít dầu Diesel. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,95 tỷ đồng.
- Về mặt hàng khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG): kiểm tra 1.622 vụ; phát hiện, xử lý 600 vụ vi phạm; Thu giữ 6.494 bình LPG 12kg, 9.320 chai LPG mini, 87 dụng cụ san chiết, 11,7 kg tem nhãn, màng co chụp niêm phong các loại. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 3,11 tỷ đồng.
- Về mặt hàng hoá chất: kiểm tra 3.511 vụ; phát hiện, xử lý 1.335 vụ vi phạm; xử phạt: 4,84 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu trên 4 tỷ đồng.
- Về mặt hàng rượu: kiểm tra 2.126 vụ; phát hiện, xử lý 924 vụ vi phạm; xử phạt trên 1,964 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm trên 1,592 tỷ đồng; tạm giữ, tịch thu 57.002 lít rượu, 2.765 chai rượu các loại, 02 can, 17 bình rượu, 02 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9 kg men rượu, 1.559 vỏ chai rượu, 28.500 nhãn rượu, 230 nắp chai.
- Về mặt hàng mũ bảo hiểm: xử lý 207 vụ vi phạm, xử phạt 424,8 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm 455,7 triệu đồng.
- Về lĩnh vực chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: phát hiện, xử lý trên 2.700 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 22 tỷ đồng./.
Bình luận