Rút ngắn thời gian đăng ký đầu tư và đăng ký DN cho nhà đầu tư nước ngoài
Đối tượng áp dụng của Thông tư này, bao gồm: nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Đầu tư thực hiện đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của pháp luật Việt Nam; các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.
Thực hiện cơ chế liên thông sẽ giúp các nhà đầu tư rút ngắn thời gian |
3 trường hợp thực hiện cơ chế liên thông này, bao gồm: (1) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư; (2) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư; (3) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung đăng ký đầu tư.
Để đảm bảo cơ chế liên thông được thực hiện và xác định rõ trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký đầu tư cũng như doanh nghiệp, Thông tư đã quy định một số nguyên tắc cơ bản áp dụng trong cơ chế liên thông như sau:
Thứ nhất, nhà đầu tư có quyền lựa chọn đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông theo quy định tại Thông tư này hoặc thực hiện từng thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ hai, nhà đầu tư tự kê khai hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Số lượng bộ hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ ba, cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh phối hợp, trao đổi thông tin và chỉ yêu cầu nhà đầu tư nộp một bản trong trường hợp hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có sự trùng lặp giấy tờ.
Trong trường hợp này, Cơ quan đăng ký đầu tư lưu giữ bản do nhà đầu tư nộp và có trách nhiệm gửi bản sao giấy tờ nêu trên cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Bản sao do Cơ quan đăng ký đầu tư cung cấp được xem là bản sao hợp lệ theo quy định tại Khoản 10, Điều 3, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.
Thứ tư, cơ quan đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của hồ sơ, tài liệu trong quá trình bàn giao hồ sơ và có trách nhiệm phối hợp xác nhận việc giao nhận hồ sơ, tài liệu trong cơ chế liên thông.
Thứ năm, cơ quan đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp, chia sẻ thông tin và chịu trách nhiệm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Cơ quan đăng ký đầu tư ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đối với mỗi lần doanh nghiệp nộp hồ sơ trong một Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.
Thứ sáu, việc chống tên trùng và tên gây nhầm lẫn đối với tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập được xác lập kể từ thời điểm Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư về việc hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.
Thứ bảy, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP được xác định kể từ thời điểm Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Về trình tự thực hiện cơ chế liên thông, Thông tư đã quy định chi tiết về trình tự thực hiện với từng trường hợp liên thông. Theo đó, đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, cơ chế liên thông được thực hiện qua hình thức liên thông điện tử thông qua việc sử dụng Hệ thống thông tin xử lý liên thông. Trình tự, thủ tục chi tiết được quy định tại Điều 6 Thông tư và được khái quát theo sơ đồ dưới đây:
Sơ đồ mô tả trình tự thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế |
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư
Bước 2: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ
Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và gửi thông tin sang Cơ quan đăng ký kinh doanh
Bước 4: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tới Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư
Bước 5: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư trả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư
Trình tự, thủ tục thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cũng như trường hợp điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký đầu tư và nội dung đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư.
Ngoài ra, để đảm bảo cho cơ chế liên thông được thực hiện ngay cả trong các trường hợp bất khả kháng, Thông tư cũng có quy định về việc thực hiện cơ chế liên thông theo quy trình dự phòng. Trong trường hợp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo cụ thể về thời gian áp dụng.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/06/2017 sẽ tạo cơ sở pháp lý và cơ sở hạ tầng cho cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh trong phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực hiện các thủ tục tại cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh./.
Bình luận