Cả nước có 816 cơ quan báo chí

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, diễn ra hôm nay, ngày 24/12.

Báo cáo công tác báo chí năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 tại Hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.

Sắp xếp báo chí cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm báo cáo tại Hội nghị

“Trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Mặc dù vậy, năm 2021, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội…”, ông Lâm cho biết.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động báo chí còn bộc lộ một số hạn chế. Năm 2021, cơ quan quản lý đã xử phạt 20 cơ quan báo chí, với tổng số tiền 780,9 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 1 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.

Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử, đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức hội ở trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí…

Thực hiện quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 (có 195 cơ quan báo) thì tới năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo… Khối phát thanh, truyền hình đã hoàn thành việc sắp xếp. Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện xong việc sắp xếp các kênh truyền hình khu vực của các trung tâm truyền hình khu vực của Đài, hình thành 2 kênh truyền hình quốc gia VTV8 (trên cơ sở sắp xếp kênh VTV Huế, VTV Đà Nẵng, VTV Phú Yên) và VTV9 (trên cơ sở sắp xếp kênh khu vực Đông Nam Bộ VTV9 và VTV Cần Thơ 1); thực hiện sắp xếp 3 đơn vị hoạt động truyền hình của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, Bộ Công thương và Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam…

Tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”

Liên quan đến nhiệm vụ, giảm pháp trọng tâm trong năm 2022, theo Ban Tuyên giáo Trung ương, đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với hội nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng, tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý thức, quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội; tiếp tục xem xét, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng...

Muốn báo chí tự chủ được, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ, ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu...

Đối với cơ quan chủ quản báo chí, cần quan tâm và thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; có quy chế, quy định cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, đặc biệt là đối với sai phạm của cơ quan báo chí...

Đối với cơ quan báo chí, cần tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh, tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo. Cơ quan báo chí phải tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là việc chấn chỉnh các sai phạm của cơ quan, phóng viên...

Sắp xếp báo chí cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thực hiện cơ chế, chính sách quản lý phải nghiêm, thực chất… Ảnh: VGP

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, theo chinhphu.vn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí thực hiện được một bước và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, không thể nóng vội...

“Năm 2022, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, chúng ta phải đánh giá việc thực hiện quy hoạch báo chí xem những gì phù hợp, chưa phù hợp nhằm giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, làm lệch lạc trong hoạt động thông tin báo chí.”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

“Qua theo dõi, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để chủ động hơn trong dự báo, cảnh báo và phối hợp. Đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin sớm nhất, chính xác cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm…”, Phó Thủ tướng chỉ đạo./.