Báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ những điều tốt đẹp
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Ban Chủ tọa điều hành Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023. Ảnh: TTXVN |
Năm 2023, tiếp tục khẳng định vai trò, sự nỗ lực bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ người làm báo
Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2023 nêu rõ trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của đất nước, trong đó có những thách thức chưa từng có tiền lệ, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.
Thông tin về hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; thông tin về các sự kiện đối ngoại trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể.
Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền.
Tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao.
Việc tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.
Trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí ngày càng phát huy kết quả tích cực, có nhiều chuyển biến rõ nét trong năm 2023, trong đó, chú trọng lấy tính thuyết phục làm thước đo hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin.
Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất, tạo khí thế, động lực mới. Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt, đồng thời với đó là chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng…
Bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin, đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu.
Còn có cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay.
Một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình "quyền lực" để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước đạt được trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Những kết quả, thành tích đã tiếp tục khẳng định vai trò, sự nỗ lực bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam.
Còn Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, năm 2023 sắp đi qua với nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài lẫn bên trong, tuy nhiên trên rất nhiều phương tiện truyền thông, báo chí trong và ngoài nước, Việt Nam đã để lại nhiều "dấu ấn quan trọng, khó quên". Những thành tích đạt được cũng rất đáng khích lệ, dù chưa được như mong muốn, nhưng cũng đủ làm ấm lòng tất cả mọi người để có thể bước tiếp những chặng đường đầy gian nan trong năm 2024.
Trong lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng cảm nhận có sự tốt hơn năm trước rất nhiều; việc thực hiện nhiệm vụ chính trị "nhanh hơn", "kịp thời hơn", "sâu sắc hơn"; khả năng cạnh tranh của báo chí cũng có tiến bộ đáng kể; phương pháp quản lý mỗi ngày một chủ động hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Phó Thủ tướng cho biết, ông cũng bất ngờ bởi vì có những hội nghị ông dự, chỉ khoảng chừng 15 phút sau là có thông tin trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, và các phương tiện truyền thông lớn khác. Đặc biệt, có những bài viết, những phóng sự rất xúc động, chạm đến trái tim nhiều người.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như vẫn còn đâu đó những kiểu giật tít và những bài báo thực sự không có trách nhiệm; vai trò của cơ quan chủ quản rất mờ nhạt, thậm chí buông lỏng; chuyển đổi số còn rất chậm, thể hiện ở số lượng cơ quan báo chí được đánh giá ở mức kém lên đến 63%; công tác phối hợp cung cấp thông tin còn hạn chế; các quy định về tài chính chưa thúc đẩy các cơ quan báo chí phát triển.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, những kết quả, thành tích đã tiếp tục khẳng định vai trò, sự nỗ lực bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam. |
Năm 2024, xử lý tốt thách thức để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí; các cấp hội nhà báo, đặc biệt các cơ quan báo chí, người làm báo, cần nỗ lực hơn nữa phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Đồng thời tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, trong chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; phát huy hiệu quả và hoạt động thực chất hơn của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo để tạo sức răn đe, xử lý nghiêm minh đối với các hội viên vi phạm.
Năm 2024 cần xác định mục tiêu cao là xử lý dứt điểm, căn cơ tình trạng vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, xứng đáng với niềm tin của công chúng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, mô hình mới; tăng cường các tuyến bài, chương trình góp phần cung cấp cho độc giả, khán giả những tri thức quý báu của nhân loại; không ngừng bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn, các cơ quan báo chí, các nhà báo đồng hành tốt hơn nữa, kịp thời hơn để chia sẻ những khó khăn của số đông mọi người trong xã hội; có trách nhiệm hơn trong việc định hướng dư luận vì gắn liền với đó là niềm tin, sức mạnh tinh thần. |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhận định, năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều diễn biến khó đoán định, trong đó biến đổi khí hậu nhanh và bất ngờ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, điển hình là sự ra đời của ChatGPT, công nghệ AI… đang ảnh hưởng rất lớn đến người làm báo nói riêng, và tổng thể xã hội nói chung.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo đồng hành tốt hơn nữa, kịp thời hơn để chia sẻ những khó khăn của số đông mọi người trong xã hội; có trách nhiệm hơn trong việc định hướng dư luận vì gắn liền với đó là niềm tin, sức mạnh tinh thần.
Các cơ quan báo chí tiếp tục phải sắp xếp cơ quan, đơn vị để đạt được mục tiêu của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí vào năm 2025; từng cơ quan báo chí cố gắng sắp xếp, tổ chức cho mạnh hơn, gọn hơn, chuyên nghiệp hơn để sản phẩm của mình hấp dẫn hơn, Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng cho rằng các cơ quan báo chí không có cách nào khác ngoài tăng cường khả năng cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, như TikTok, Facebok… bởi nếu không tăng sức cạnh tranh, không nâng sức hấp dẫn thì doanh thu quảng cáo sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, đời sống người làm báo và nhiều vấn đề khác.
Về chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho biết ông cảm thấy bất ngờ khi có tới 63% cơ quan báo chí xếp loại yếu, nhấn mạnh kết quả đó không nằm ở phần cứng mà nằm ở ý chí của người đứng đầu.
Đối với nhà báo, Phó Thủ tướng mong muốn đầu tiên phải là người tử tế bởi nếu không sản phẩm của các nhà báo chắc chắn cũng không thể tử tế được; đồng thời phải luôn học hỏi theo nghĩa rộng, từ những lớp tập huấn, chương trình công tác, và đặc biệt là học từ đồng nghiệp trong và ngoài nước để bản lĩnh hơn, trách nhiệm hơn, và tích cực hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ quản phải trách nhiệm hơn, sâu sắc hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát nhiều hơn, chứ không chỉ là cái danh, không chỉ là công tác cán bộ; nơi nào có mâu thuẫn sâu sắc giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí thì cơ quan báo chí nơi đó khó có thể vững vàng vượt qua thử thách trong quá trình cạnh tranh.
Về tài chính cho báo chí, Phó Thủ tướng chia sẻ nguyên tắc cần có sự hài hoà giữa ngân sách Nhà nước và nguồn lực do chính các cơ quan báo chí tự lo liệu được, trong đó ngân sách nhà nước tập trung hỗ trợ một phần cho nơi nào còn khó khăn, chủ yếu là cho hoạt động đổi mới và đào tạo.
Nêu ví dụ, Đài truyền hình Vĩnh Long từng đóng góp 1.200 tỷ đồng cho ngân sách của địa phương, chiếm gần 25% tổng thu ngân sách cả địa phương, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, bởi cùng một mặt bằng cơ chế, vẫn có những đơn vị vượt lên làm được những điều tưởng như là không thể.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, từng cơ quan báo chí cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích sự cạnh tranh tích cực trong từng nhà báo, từng bộ phận với nhau, Phó Thủ tướng gợi mở và cho biết nhiều đơn vị làm rất tốt điều này, mang lại kết quả đáng khích lệ.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý báo chí, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến công tác tài chính khi chủ trì soạn thảo Luật Báo chí sửa đổi, các nghị định, thông tư, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính, cơ chế đặt hàng, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí./.
Bình luận