Sẽ không phân biệt loại hình đào tạo trong giáo dục đại học
Tại Khoản 2, Điều 6 quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học quy định, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện thực hiện các hình thức đào tạo.
Trong khi đó, theo Luật Giáo dục Đại học hiện hành, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được chia theo hai hình thức là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Tại Điều 38, quy định về văn bằng giáo dục đại học, dự thảo mới bổ sung quy định: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất các nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục kèm theo.
Trong Luật Giáo dục đại học hiện hành chỉ quy định: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu văn bằng giáo dục đại học. Còn theo quy định tại Thông tư số 19 năm 2015, hình thức đào tạo (chính quy, thường xuyên) là một trong những nội dung được ghi trên văn bằng của các cơ sở giáo dục đại học.
Thông tin cụ thể với báo giới về vấn đề này vào chiều 24/11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc phân biệt hình thức đào tạo thành đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau.
Do đó, tại dự thảo mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm đề cập đến hình thức đào tạo, đối tượng đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin, dự thảo luật quy định 2 hình thức đào tạo: tập trung và không tập trung. Dự kiến hình thức không tập trung sẽ bao gồm đào tạo bán thời gian và từ xa. Trong tờ trình thuyết minh dự luật mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến gửi Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định là chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo.
Bà Phụng giải lý giải, thực tế, gọi là đào tạo không tập trung với hàm ý là chỉ khác nhau về phương thức đào tạo, còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá và chuẩn đầu ra phải được xây dựng giống như hình thức tập trung. Vì vậy, xác định là sẽ không có 2 loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng thường xuyên. Bằng cấp cũng không phân biệt, nghĩa là sẽ không ghi loại hình đào tạo trên bằng nữa.
Sắp tới sẽ không còn ghi hình thức đào tạo chính quy hay tại chức trong bằng cấp
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, chính sách chất lượng và quản lý chất lượng trước hết là của các trường. Khi các trường đào tạo và cấp bằng, thì cũng phải đảm bảo chất lượng bằng cấp. Xã hội giám sát, còn nhà nước sẽ quản lý chủ yếu bằng kiểm định. Sắp tới, kiểm định chương trình đào tạo sẽ được đẩy mạnh.
Đặc biệt, hiện tại, hầu hết các quốc gia phát triển không phân biệt văn bằng mà chỉ quan tâm việc làm thế nào có các biện pháp quản lý chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành thông tư quy định về đào tạo từ xa, trong đó quy định rõ điều kiện, quy trình đào tạo để được triển khai hình thức đào tạo này, nhằm quản lý chặt chẽ và chất lượng hơn. Do vậy, khi đã quy định một loại văn bằng thì chắc chắn các trường không thể cấp một cách thoải mái cho người học hay cho hình thức đào tạo không đảm bảo chất lượng, bà Phụng nhận định.
Bà Phụng thông tin thêm, điều 38 luật Giáo dục đại học hiện hành quy định chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo cả “gói” cho mỗi trường, trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị. Tuy nhiê, trong quy chế tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào ban hành xác định rõ công thức, cách tính chỉ tiêu tối đa, trên cơ sở đó từng trường xác định chỉ tiêu cho mình. Việc xác định chỉ tiêu đó, như Thông tư 32, là theo từng nhóm ngành. Còn dự luật quy định, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành đào tạo. Theo đó, dự luật này là văn bản đầu tiên đề cập việc xác định chỉ tiêu theo ngành.
Bà Phụng cho hay, khi đưa ra quy định này, những người tham gia soạn thảo dự luật hy vọng sẽ tránh được tình trạng các cơ sở giáo dục đại học xác định khối chỉ tiêu tổng thể trong khi chỉ tiêu các ngành trong đó không đồng đều, dồn chỉ tiêu cho những ngành có nhiều người dự tuyển mà cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên có thể chưa đảm bảo.
Các trường đại học tự chủ hiện đã được tự mở ngành. Dự kiến đưa vào luật, những trường có hội đồng trường thì được quyết định mở ngành. Cùng với đó, mô tuyển sinh sẽ phụ thuộc vào khả năng đầu tư của trường. Đầu tư đến đâu thì tuyển sinh đến đó nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh tình trạng tuyển sinh chỉ phụ thuộc vào nhu cầu người học chứ không phải theo năng lực đáp ứng của cơ sở.
Theo bà Phụng, việc tuyển sinh theo ngành đòi hỏi một sự tính toán rất phức tạp đối với các trường, từ hoạch định chính sách cho đến việc đầu tư, rồi việc xác định chỉ tiêu trong từng năm học. Vì thế, đây là một nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mong nhận được ý kiến từ xã hội, đặc biệt là từ các trường./.
Bình luận