Sự cần thiết triển khai cơ chế thu thập và lưu trữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp tại Việt Nam
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG). Việc gia nhập APG khẳng định cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới trong việc xây dựng một thể chế tài chính lành mạnh và đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt nói riêng, qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhận được các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Bên cạnh những lợi ích thành viên nêu trên, Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ thành viên của APG, bao gồm cam kết thực hiện các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) (40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính – FATF ban hành), trong đó có yêu cầu về việc thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi (CSHHL) của doanh nghiệp.
Cần triển khai cơ chế thu thập và lưu trữ thông tin CSHHL của doanh nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế |
Đăng ký doanh nghiệp là thủ tục “khai sinh”, bước đầu tiên để một doanh nghiệp gia nhập thị trường, vì vậy, việc thu thập, quản lý thông tin về CSHHL ngay từ bước này đóng vai trò hết sức quan trọng. Trước tình hình mới có nhiều biến động phức tạp và khó lường như hiện nay, thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT) nói chung và các quy định về CSHHL trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, phù hợp với bối cảnh của nước ta dựa trên kinh nghiệm sẵn có của các quốc gia trên thế giới.
Tình hình thực hiện công tác PCRT của Việt Nam
Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Báo cáo đánh giá đa phương về công tác PCRT của Việt Nam là Báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng thể chế và thực tiễn thực thi công tác PCRT tại Việt Nam, qua đó, xác định các thiếu hụt, đề xuất các khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện về công tác PCRT, trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế, pháp luật. Với việc là thành viên của APG, Việt Nam phải tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG theo Phương pháp luận đánh giá của FATF. Kể từ khi trở thành thành viên đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 lần đánh giá đa phương của APG (năm 2008 và năm 2019).
Tại Báo cáo đánh giá đa phương về công tác PCRT của Việt Nam năm 2019 (được thông qua tại Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 3/2022), APG nhận định: Về khuôn khổ pháp lý, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/40 Khuyến nghị của FATF; về hiệu quả thực thi: hiện có 7/11 Mục tiêu trực tiếp (IO) bị đánh giá hiệu quả “Thấp”, trong đó có thiếu hụt về CSHHL.
Với kết quả đánh giá đa phương này, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường sau đánh giá đa phương của APG và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF. Sau một năm, kể từ khi bị áp dụng quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF (từ tháng 3/2022 - 3/2023), Việt Nam đã làm việc thường xuyên với APG/FATF để khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương. Tuy nhiên, do vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý của APG/FATF, Việt Nam đã chính thức bị đưa vào Danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL (gọi tắt là Danh sách Xám) - Danh sách công khai toàn cầu của FATF.
Khi một quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể, theo nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quốc gia bị rơi vào Danh sách Xám sẽ bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài vào quốc gia đó (khoảng 7,6% trên tổng GDP cả nước). Bên cạnh đó, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Các chi phí này ước tính có thể lên tới hàng triệu USD tùy thuộc quy mô nền kinh tế.
Căn cứ yêu cầu tại 40 khuyến nghị của FATF, Đoàn đánh giá của APG sau khi đánh giá cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm khắc phục các thiếu hụt trong cơ chế PCRT/TTKB/PBVKHDHL. Trên cơ sở đó, để khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương, tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 941/QĐ-TTg, ngày 5/8/2022 về Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) về PCRT, TTKB và TTPBVKHDHL giai đoạn 2021-2025, trong đó bao gồm Danh mục 41 hành động quốc gia về PCRT, TTKB, TTPBVKHDHL giai đoạn 2021-2025 và Phụ lục 83 hành động thực hiện Kế hoạch đến tháng 3/2023.
Theo Kế hoạch này, bên cạnh việc ban hành Luật PCRT (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn chi tiết, còn cần phải triển khai thực hiện một loạt các hành động khác liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, cần sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật có liên quan tại Bộ luật hình sự; luật tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Tương trợ tư pháp; Luật Doanh nghiệp; Luật Chứng khoán…, các văn bản hướng dẫn các Luật nêu trên và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan, cũng như triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy cơ chế thực thi hoạt động có hiệu quả tại các ngành, các lĩnh vực khác nhau.
Các nội dung về CSHHL theo khuyến nghị của FATF
Theo Bảng chú giải chung cho các Khuyến nghị của FATF trong Báo cáo Các chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và chống phổ biến vũ khí, CSHHL được định nghĩa như sau: “CSHHL đề cập tới (các) cá nhân là người sở hữu hoặc kiểm soát cuối cùng (Dẫn chiếu đến “Sở hữu hoặc kiểm soát cuối cùng” và “kiểm soát thực sự cuối cùng” nói đến các trường hợp trong đó quyền sở hữu/kiểm soát được thực hiện thông qua một chuỗi quyền sở hữu hoặc bằng các phương tiện kiểm soát khác so với kiểm soát trực tiếp) đối với một khách hàng và/hoặc là cá nhân mà thay mặt cho người đó, giao dịch đang thực hiện. Khái niệm này cũng bao gồm cả những người thực hiện quyền kiểm soát thực sự cuối cùng đối với một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý”.
Cũng theo Tài liệu này thì “Các cơ quan có thẩm quyền phải có thể thu thập hoặc có quyền truy cập kịp thời các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL và kiểm soát của các doanh nghiệp và pháp nhân khác (thông tin về CSHHL ) được thành lập ở quốc gia đó, cũng như các doanh nghiệp và pháp nhân có rủi ro RT/TTKB có liên kết với quốc gia của họ (nếu chúng không được thành lập trong nước). Trong đó, yêu cầu về thông tin CSHHL bao gồm:
Các quốc gia phải yêu cầu các doanh nghiệp thu thập và nắm giữ thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL của doanh nghiệp mình; hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền ở mức tối đa có thể để xác định CSHHL, bao gồm cả việc cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về thông tin CSHHL của doanh nghiệp.
Các quốc gia phải yêu cầu thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL của pháp nhân do cơ quan có thẩm quyền nắm giữ (ví dụ: cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan đăng ký CSHHL). Lưu ý những thông tin này không chỉ được nắm giữ bởi một cơ quan duy nhất.
Tất cả các cá nhân, cơ quan chức năng và các tổ chức được đề cập ở trên, và bản thân doanh nghiệp (hoặc người quản lý, những người có liên quan đến việc sự hoạt động và tồn tại của doanh nghiệp), phải duy trì thông tin và hồ sơ trong ít nhất 5 (năm) năm sau ngày khi doanh nghiệp bị giải thể hoặc không còn tồn tại.
Các quốc gia cần có cơ chế đảm bảo rằng thông tin cơ bản và thông tin có lợi về CSHHL, bao gồm thông tin được cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh và bất kỳ thông tin sẵn có nào được đề cập trong Khuyến nghị 24.7 là đầy đủ, chính xác và cập nhật. Thông tin đầy đủ là thông tin đủ để xác định (các) thể nhân là (các) CSHHL, và các phương tiện và cơ chế thông qua đó họ thực hiện quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát có lợi. Thông tin chính xác là thông tin đã được xác minh để xác nhận tính chính xác bằng cách xác minh danh tính và tình trạng của CSHHL bằng cách sử dụng các tài liệu, dữ liệu hoặc thông tin đáng tin cậy, có nguồn gốc/ được thu thập một cách độc lập. Mức độ của các biện pháp xác minh có thể thay đổi tùy theo mức độ rủi ro cụ thể. Các quốc gia nên xem xét các biện pháp bổ sung khi cần thiết để hỗ trợ tính chính xác của thông tin về quyền sở hữu có lợi. Thông tin cập nhật là thông tin hiện tại và cập nhật nhất có thể, đồng thời được cập nhật trong một khoảng thời gian hợp lý (ví dụ: trong vòng một tháng) sau bất kỳ thay đổi nào.
Sự cần thiết phải đáp ứng các yêu cầu của FATF về cơ chế CSHHL của doanh nghiệp
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong bối cảnh mới có nhiều biến động phức tạp và khó lường như hiện nay, thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về công tác PCRT nói chung và các quy định về CSHHL trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết. Mục tiêu nhằm đáp ứng các yêu cầu hội nhập toàn diện với kinh tế thế giới trong việc xây dựng một thể chế tài chính lành mạnh và đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm PCRT/TTKB/PBVKHDHL, qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhận được các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia
Trước hết, việc xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin về CSHHL của doanh nghiệp giúp đáp ứng các tiêu chuẩn của FATF cũng như khắc phục những thiếu hụt đã được APG chỉ ra trong quá trình đánh giá đa phương về cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam.
Từ nghiên cứu của một số chuyên gia và tình hình thực tiễn trong hoạt động PCRT cho thấy, thách thức mà các quốc gia thường phải đối mặt là: (i) Chưa đủ các biện pháp để đảm bảo thông tin về CSHHL được cập nhật kịp thời và chính xác; (ii) Chưa đủ cơ chế để đảm bảo các cơ quan có thẩm quyền có thể tiếp cận kịp thời các thông tin về CSHHL; thiếu các biện pháp trừng phạt hiệu quả, tương xứng và có tính thuyết phục đối với các doanh nghiệp không cung cấp thông tin CSHHL một cách chính xác và cập nhật... Trong đó, việc nhận diện và đánh giá CSHHL là một trong các yếu tố quan trọng nhằm xác định các thể nhân thực sự nắm quyền sở hữu và sử dụng vốn hoặc tài sản của pháp nhân, cũng như các thể nhân thực sự nắm quyền chi phối (cho dù họ có đảm nhiệm vị trí chính thức trong pháp nhân đó hay không) thay vì chỉ là những vấn đề thể nhân hay pháp nhân hợp pháp (trên giấy tờ) được chi phối. Theo đó, nhận diện và đánh giá CSHHL là rất quan trọng vì các tội phạm có thể sử dụng các doanh nghiệp có cấu trúc phức tạp và các bên liên quan để che giấu danh tính thực sự hoặc sự liên quan của họ.
Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho biết, theo kết quả đánh giá đa phương của APG, thì kể từ sau đợt đánh giá đa phương năm 2009, Việt Nam có nhận thức ngày càng cao về rủi ro rửa tiền và TTKB. Trong năm 2019, Việt Nam đã hoàn thành báo cáo Đánh giá rủi ro quốc gia (NRA) đầu tiên, và sau đó đã bổ sung các đánh giá rủi ro về các tổ chức phi lợi nhuận (NPO), pháp nhân và đánh giá rủi ro về TTPBVKHDHL. Các báo cáo đánh giá này đã cho thấy sự phối kết hợp tốt giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và nhìn chung đã cải thiện được sự nhận thức về rủi ro. Mặc dù đã có cải thiện về khuôn khổ pháp lý, nhưng một số thiếu hụt đáng kể vẫn cần phải được xử lý để đảm bảo tính hiệu quả cho cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam trong việc chống lại các mối đe dọa và các thiếu hụt nghiêm trọng trong hoạt động rửa tiền.
APG đánh giá Việt Nam có khuôn khổ pháp lý phù hợp để minh bạch thông tin cơ bản liên quan đến pháp nhân thương mại, nhưng còn thiếu sót trong việc thu thập và cung cấp thông tin về CSHHL. Theo đó, vẫn còn thiếu hụt quy định để đảm bảo có được thông tin về quyền sở hữu có lợi của một doanh nghiệp và đảm bảo có sẵn tại một địa điểm cụ thể; hoặc có thể được xác định một cách kịp thời bởi cơ quan có thẩm quyền (theo nội dung tại Khuyến nghị 24.6 của FATF); không có quy định cụ thể nào yêu cầu thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi do thu thập phải “chính xác” và cập nhật (theo nội dung tại Khuyến nghị 24.7 của FATF; Không có yêu cầu về việc lưu trữ hồ sơ (theo nội dung tại Khuyến nghị 24.9 của FATF); quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp cận kịp thời với tất cả thông tin cơ bản và công khai về quyền sở hữu hưởng lợi (theo nội dung tại Khuyến nghị 24.10 của FATF); không có chế tài cụ thể trong trường hợp không tuân thủ các nghĩa vụ thông tin CSHHL liên quan đến tính minh bạch của pháp nhân (theo nội dung tại Khuyến nghị 24.13 của FATF).
Với việc nằm trong Danh sách Xám của FATF, Việt Nam sẽ phải thực hiện KHHĐQG mà Chính phủ đã cam kết thực hiện do FATF chỉ định gồm 17 hành động với các mốc thời hạn cụ thể cần thực hiện. Đây là những nội dung lớn, phức tạp, đòi hỏi phải sửa đổi khung khổ pháp lý và chứng minh được hiệu quả thực hiện với thời gian ngắn (trong vòng 2 năm). Trong 17 hành động do FATF chỉ định có nội dung về “Xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL của pháp nhân (và thỏa thuận pháp lý nếu phù hợp) và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm”.
Hiện nay, khung pháp lý về PCRT của Việt Nam đã có những khái niệm về CSHHL và quy định về minh bạch thông tin của pháp nhân. Cụ thể: khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định: CSHHL được định nghĩa là “cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế một hoặc một số tài sản, có quyền chi phối khách hàng thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản cho cá nhân này; là cá nhân có quyền chi phối một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý”. Bên cạnh đó, Điều 21 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 cũng quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp phép thành lập, hoạt động cho pháp nhân phải cập nhật, lưu trữ thông tin cơ bản của pháp nhân bao gồm tên và loại hình pháp nhân, quyết định thành lập, giấy phép liên quan đến hoạt động, tình trạng pháp lý, địa chỉ trụ sở chính, cơ cấu tổ chức quản lý; danh sách người quản lý của pháp nhân, điều lệ; CSHHL của pháp nhân (nếu có). Các thông tin này phải được lưu trữ ít nhất 5 năm sau ngày pháp nhân chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về cơ chế, quy trình thu thập và lưu trữ thông tin dữ liệu về CSHHL của doanh nghiệp.
Do đó, việc xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin về CSHHL của doanh nghiệp sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn của FATF cũng như khắc phục những thiếu hụt đã được APG chỉ ra trong quá trình đánh giá đa phương về cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam, đồng thời đáp ứng đòi hỏi về hoàn thiện khung khổ pháp lý về PCRT ở nước ta trong giai đoạn mới là hoàn toàn cần thiết.
Cải thiện môi trường kinh doanh theo bộ chỉ số mới của Ngân hàng Thế giới
Bên cạnh việc thực hiện các quy định về PCRT, việc đăng ký thông tin về CSHHL khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh là một nội dung quan trọng được Ngân hàng Thế giới đưa vào nội dung đánh giá về chỉ tiêu Gia nhập thị trường của Dự án BEE (“Business Enabling Environment” - tạm dịch là Môi trường kinh doanh thuận lợi). Đây là một cách tiếp cận mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới trong việc đánh giá môi trường đầu tư và kinh doanh thế giới nhằm thay thế Báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business - DB đã ngừng đánh giá kể từ ngày 16/9/2021).
Nội dung đánh giá chủ yếu của chỉ tiêu này là về các quy định: (i) Gửi thông tin cần thiết, bao gồm xác minh đối với CSHHL; (ii) Khi phát sinh các thay đổi (ví dụ: thay đổi tên doanh nghiệp, thông tin cổ đông, thông tin về quyền sở hữu có lợi), cũng bắt buộc khung khổ pháp lý phải xác định các quy tắc và thời hạn để thực hiện các cập nhật cần thiết về thông tin đăng ký kinh doanh. Đây là nội dung dựa trên các tiêu chuẩn của Lực lượng đặc nhiệm Tài chính (FATF), đảm bảo tính minh bạch và giúp ngăn chặn việc lợi dụng các doanh nghiệp để rửa tiền hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác.
Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về PCRT nói chung và các quy định về CSHHL trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết./.
FATF là tổ chức liên chính phủ ban hành ra các chuẩn mực thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hành động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 2004, FATF lần đầu ban hành bộ tiêu chuẩn 40+9 Khuyến nghị bao gồm 40 Khuyến nghị về phòng, chống rửa tiền và 9 Khuyến nghị đặc biệt về phòng, chống tài trợ khủng bố; đến tháng 02/2012 FATF sửa đổi, bổ sung 40+9 Khuyến nghị thành bộ 40 Khuyến nghị mới về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt. 40 Khuyến nghị hiện đang được áp dụng là bộ chuẩn mực quốc tế chung về PCRT/TTKB/VKHD. Hiện nay, hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang cam kết thực hiện theo các khuyến nghị của FATF, trong đó có Việt Nam. (Nguồn trích dẫn: website: https://www.fatf-gafi.org/about/).
Bình luận