Khi kháng sinh là “nỗi sợ rất gần”

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh được nói đến nhiều trong thời gian gần đây như là mối họa rất gần đối với toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong 7 nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc mà Bộ Y tế đưa ra, nguyên nhân sử dụng kháng sinh được cho là phổ biến nhất và là nguyên nhân chủ yếu gây kháng thuốc.

Về vấn đề này, Tại Hội thảo về Chống kháng thuốc do Bộ Y tế cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ngày 26/10/2015 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, việc sử dụng kháng sinh quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn đều gây ra tình trạng kháng thuốc, tạo điều kiện cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan.

Theo báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện đa khoa trực thuộc các tỉnh, thành, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cho thấy, có từ 30%-70% vi khẩn gram âm đã kháng với kháng sinh cephalosporins thế hệ 3, thế hệ 4; gần 40%-60% kháng với kháng sinh aminoglycosid và fluoroquinono. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với kháng sinh imipenem.

Trong khi đó, một số kháng sinh mới đưa vào thị trường Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, như: imipenem, cilastatin, carbapenem… cũng đã giảm nhạy cảm đối với các trực khẩn gram âm không sinh men. Tỷ lệ đề kháng với kháng sinh imipenem, cilastatin của vi khuẩn Pseudomonas spp tăng dần qua các năm, từ 12,5% vào năm 2003 lên đến 18,4% vào năm 2006.

Nguyên nhân: Không chỉ từ phía người dân

Một trong những nguyên nhân được nói đến nhiều nhất giải thích cho việc kháng sinh không được sử dụng thích hợp đó là ý thức, nhận thức về sử dụng thuốc của người dân Việt Nam kém. Tình trạng mua lan tràn thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ khiến cho việc điều trị bằng kháng sinh của người dân sẽ trở thành mối hiểm nguy kháng thuốc trong tương lai không xa.

Tuy nhiên, thực tế, nguyên nhân không chỉ dừng lại ở phía người dân, mà còn từ chính những đơn thuốc được kê từ các bác sĩ trong bệnh viện.

Tại Hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống kháng thuốc năm 2015 và xây dựng kế hoạch năm 2016 của Bộ Y tế tổ chức ngày 23/12/2015, Bộ Y tế đã đưa thống kê chỉ ra có tới 76% số bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% số người bệnh bị kháng thuốc. Trong khi các quốc gia phát triển còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám – chữa bệnh của người dân.

Tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc với lượng kháng sinh không phù hợp cũng là vấn đề cần giải quyết, ngăn chặn

Về vấn đề này, bác sĩ Võ Thành Đông, trưởng cơ quan đại diện Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay phần lớn các bệnh viện, các trạm y tế điều trị bệnh là điều trị bao vây, khi nghĩ đến bệnh là cứ sử dụng kháng sinh.

Ông Đông cũng chỉ ra một nguyên nhân bất cập lớn khiến các bệnh viện sử dụng kháng sinh một cách “vô tội vạ’, đó chính là các nhà sản xuất, kinh doanh kháng sinh khi đưa kháng sinh vào bệnh viện hay các nhà thuốc bán lẻ đều trích hoa hồng, điều này khiến các bệnh viện, nhà thuốc tập trung bán kháng sinh. Đối với bệnh viện cứ thấy có bệnh là “đánh” kháng sinh, không cần biết có nên dùng hay không, thậm chí dùng cùng lúc cả 2, 3 loại kháng sinh (Nguyễn Thạnh, 2015).

Không thể phủ nhận hiệu quả điều trị của thuốc biệt dược, tuy nhiên, nếu như các bác sỹ quá lạm dụng hay luôn bị một bàn tay vô hình của từ “phần trăm hoa hồng” chi phối thì những người bệnh vốn đã đáng thương khi lâm vào cảnh bệnh tật lại thêm kiệt quệ về tài chính vì đang phải gánh thêm một số tiền không hề nhỏ, mà còn phải đối diện với nguy cơ kháng thuốc trong một tương lai không xa.

Bộ Y tế quyết liệt hành động trong năm 2016

Để giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc, cũng khắc phục tốt nhất nguyên nhân sử dụng kháng sinh không phù hợp từ phía bệnh viện, Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện. Đây là tài liệu được áp dụng tại tất cả các bệnh viện trong bối cảnh hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu thành lập Nhóm quản lý sử dụng kháng sinh và xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong nhóm, thành phần chính là tiểu ban giám sát sử dụng kháng sinh và theo dõi sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp của Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện.

Bên cạnh đó, Nhóm quản lý sử dụng kháng sinh còn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch định kỳ hàng năm và triển khai thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện; kiểm tra, giám sát và tiến hành các biện pháp can thiệp và đánh giá, báo cáo kết quả sử dụng kháng sinh và mức độ kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh tại đơn vị theo mẫu quy định.

Bộ Y tế cũng quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện, trưởng khoa các khoa lâm sàng, trưởng khoa dược, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, trưởng khoa vi sinh, trưởng phòng, bộ phận công nghệ thông tin và các khoa, phòng liên quan đối với công tác quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, hiện Bộ Y tế cũng đang xây dựng Dự thảo Luật dược sửa đổi. Một trong những điểm mới đặc biệt trong Dự thảo Luật dược sửa đổi chính là bổ sung 1 chương về dược lâm sàng, trong đó quy định nội dung hoạt động dược lâm sàng, quyền, nghĩa vụ của dược sỹ làm công tác dược lâm sàng, điều kiện bảo đảm để triển khai hoạt động dược lâm sàng và tổ chức triển khai hoạt động dược lâm sàng.
Trong số 7 hoạt động dược lâm sàng, nội dung tư vấn trong quá trình xây dựng danh mục thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn và giám sát việc kê đơn và sử dụng thuốc để bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý là những nội dung cơ bản… Đặc biệt, trong dự án Luật Dược sửa đổi có quy định, dược sỹ có quyền nhắc nhở, yêu cầu các bác sỹ xem xét lại đơn thuốc. Đây là quy định nhằm kiểm soát việc kê đơn của các bác sỹ.

Với những điều hành quyết liệt từ Bộ Y tế, người dân kỳ vọng việc khám chữa bệnh trong thời gian tới sẽ đạt được tiêu chí: chữa khỏi bệnh, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc và giảm chi phí khám, chữa bệnh./.

Nguồn tham khảo:

1. Nguyễn Thạnh (2015). Mua kháng sinh quá dễ, truy cập từ http://nld.com.vn/suc-khoe/mua-khang-sinh-qua-de-20151105214658768.htm

2. TTXVN (2016). Quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/quan-ly-chat-che-viec-su-dung-khang-sinh-trong-benh-vien/375282.vnp