Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm, coi chừng “xử ép” bên mua bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm bị “làm khó”
Tại Phiên họp thứ 3 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội. Khá nhiều nội dung tại dự thảo Luật, theo góc nhìn của một số ý kiến đang “làm khó” cho bên mua bảo hiểm.
Cụ thể, Khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật quy định, khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, quy định như trên là không phù hợp với Bộ luật Dân sự, không đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự, khi giao dịch vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, thì doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại toàn bộ chi phí cho bên mua bảo hiểm mà không được trừ bất kỳ khoản chi phí nào, đồng thời bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, quy định như dự thảo Luật là mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, quy định như dự thảo Luật là mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự. Ảnh: Quốc hội |
Liên quan đến điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại Điều 16 dự thảo Luật, bà Nga phát hiện, so với quy định của luật hiện hành, thì dự thảo Luật đã bỏ một trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý. Mục đích của mua bảo hiểm là để bù đắp các tổn thất, khắc phục thiệt hại, rủi ro ngẫu nhiên. Trong khi đó, vi phạm pháp luật do vô ý cũng là một sự việc không mong muốn. Cá nhân tuy có thể thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Do đó, đề nghị làm rõ lý do của việc loại bỏ trường hợp này. Quy định như dự thảo có bảo vệ được quyền lợi của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng hay không, nhất là trong những trường hợp mua bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt câu hỏi, quy định như dự thảo có bảo vệ được quyền lợi của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng hay không? |
Về trách nhiệm cung cấp thông tin, Điểm b Khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật sửa đổi quy định hiện hành theo hướng: doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và không phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm không kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. So với luật hiện hành thì dự thảo luật bổ sung nội dung không phải bồi thường trả tiền bảo hiểm và không phải hoàn lại phí bảo hiểm, trong trường hợp kê khai không đầy đủ, chính xác mọi thông tin. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trên thực tế mức độ vi phạm về nghĩa vụ kê khai rất đa dạng, trong đó có nhiều trường hợp mặc dù khai không đầy đủ nhưng không ảnh hưởng đến đối tượng, nội dung hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm lạm dụng quy định để gây khó khăn, thậm chí từ chối chi trả cho khách hàng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Do đó, đề nghị cân nhắc, quy định như thế nào để đảm bảo chặt chẽ, tránh thiệt hại cho người mua bảo hiểm.
Cùng góc nhìn trên, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, dự thảo Luật mới tập trung chủ yếu về vấn đề kinh doanh, không coi nặng vấn đề bảo hiểm với tư cách là một phạm trù chia sẻ rủi ro với các chủ thể tham gia trong hoạt động. Do vậy, khía cạnh bảo vệ quyền của các bên tham gia, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong bảo hiểm cần phải làm sâu sắc hơn.
Phải cân bằng lợi ích
Góp ý cho dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, hợp đồng bảo hiểm mới nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên cung cấp bảo hiểm, cho doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng người thụ hưởng, người mua bảo hiểm chưa được chú trọng đúng mức. Quy định trong dự thảo Luật phải làm sao cân bằng lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ; phải bình đẳng, minh bạch, công khai với nhau.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự thảo Luật phải làm sao cân bằng lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Ảnh: Quốc hội |
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam là hai tổ chức bảo hộ cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, với người sử dụng bảo hiểm thì chưa có một tổ chức chuyên ngành nào để bảo vệ lợi ích cho họ. Do đó, trong hợp đồng bảo hiểm, ông Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo một mặt xem xét tính tương thích với hợp đồng dân sự, nhưng mặt khác phải tính toán đến đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên, cần rà soát kỹ lại nội dung này để đảm bảo quy định ban hành phải hợp lý, khả thi…/.
Bình luận