Tạo lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ là bất hợp lý

Sửa Nghị định về phát hành trái phiếu riêng lẻ: Lộ diện những bất hợp lý mới
Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Bluechip IB

Trước hết phải khẳng định rằng, việc sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP là Bộ Tài chính nhận thấy các rủi ro của thị trường quá lớn. Rủi ro ở đây là rủi ro dành cho nhà đầu tư cá nhân. Có rất nhiều bài báo đã cảnh báo các rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân khi tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhưng các bài báo này vẫn chưa chỉ ra chi tiết các loại rủi ro nào. Đồng tình với quan điểm rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn, tác giả tập trung nêu ra những rủi ro và đưa ra những góp ý đối với dự thảo này.

Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân đang mắc trong một “mớ bòng bong” sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp được bán tới nhà đầu tư cá nhân chủ yếu trên thị trường thứ cấp, mặc dù Nghị định 153 có quy định hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với các loại trái phiếu phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư cá nhân được mời chào với mức lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, một số loại trái phiếu còn do công ty mẹ mua của công ty con và bán thứ cấp trên thị trường với lời quảng cáo là được công ty mẹ bảo lãnh thanh toán.

Theo đó, về mặt rủi ro có thể kể đến các loại sau:

Một là, pháp luật Việt Nam quy định ngoại trừ ngân hàng thương mại được ngân hàng nhà nước cấp phép cho hoạt động bảo lãnh thanh toán, không một đơn vị nào được cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán tại Việt Nam kể cả các công ty chứng khoán, nên việc một công ty đưa ra cam kết bảo lãnh thanh toán cho một bên khác tiềm ẩn rủi ro bị pháp luật tuyên vô hiệu hợp đồng khi xảy ra tranh chấp, mất khả năng thanh toán, người mua trái phiếu cuối cùng là người chịu hoàn toàn rủi ro.

Hai là, nhà đầu tư cá nhân không đủ hiểu biết, kiến thức về việc phân tích trái phiếu từ việc đọc các điều khoản, điều kiện phát hành trái phiếu, điều kiện xử lý, thay đổi tài sản đảm bảo, các điều khoản về sự kiện vi phạm. Điều tưởng chừng đơn giản nhất là tính giá trái phiếu có khi nhà đầu tư cá nhân cũng không thể tính được. Điều này dẫn tới lầm tưởng là mua trái phiếu doanh nghiệp dù theo mức lãi suất được chào bán sẽ không bị lỗ, trong khi thực tế nhà đầu tư vẫn có thể bị lỗ khi càm tới ngày đáo hạn hoặc khi cần bán giữa chừng. Trái phiếu kỳ hạn càng dài, rùi ro lỗ càng cao khi mức lãi suất thị trường biến động tăng. Ngay cả các môi giới của các công ty bán trái phiếu có khi cũng không hiểu hết điều này, không có khả năng tính giá trái phiếu, nên khi chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu nói những điều mà đầy hàm ý rủi ro cho nhà đầu tư. Những thông tin này nếu đưa ra cho các nhà đầu tư tổ chức chắc chắn sẽ không bao giờ nhận được phản hồi tích cực.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định sửa đổi quy định việc tạo lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ là điều bất hợp lý. Thực tế, thị trường nào cũng tồn tại thị trường phi tập trung. Việc tạo ra thị trường chính thức cho trái phiếu riêng lẻ vô hình chung tiếp tay cho việc chào bán trái phiếu riêng lẻ phát triển, trong khi cái đáng lẽ cần kích thích phát triển trên thị trường tập trung phát hành ra công chúng. Hồ sơ phát hành riêng lẻ đã không qua cơ quan nào kiểm duyệt, phê chuẩn, nay nhà quản lý lại đứng ra tạo điều kiện giao dịch cho trái phiếu riêng lẻ sẽ càng làm gia tăng rủi ro.

Theo quan điểm của người viết, việc quản lý thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ rất đơn giản. Chỉ cần cấm chào bán trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân cả trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Nhà đầu tư cá nhân quan tâm tới trái phiếu sẽ đầu tư thông qua các quỹ trái phiếu, quỹ cân bằng, quỹ của công ty bảo hiểm nhân thọ. Việc đầu tư qua các quỹ này vừa kích thích thị trường tài chính phát triển lành mạnh, vừa kích thích ngành quỹ phát triển hạn chế rủi ro chung cho toàn thị trường.

Sửa Nghị định về phát hành trái phiếu riêng lẻ: Lộ diện những bất hợp lý mới
Tại Việt Nam, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ngày một lớn, hiện tương đương 15,1% GDP

Dự thảo Nghị định mới đóng sập cửa LBO của doanh nghiệp Việt

Sửa Nghị định về phát hành trái phiếu riêng lẻ: Lộ diện những bất hợp lý mới
Quy định tại dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sẽ cản bước doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình tái cơ cấu cho nền kinh tế

LBO (Leveraged Buy-out) là thuật ngữ trong tài chính doanh nghiệp, có nghĩa là đi mua doanh nghiệp khác bằng vốn vay. Điều bất cập là tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP có nội dung sau: “Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn”.

Nội dung trên là bất hợp lý vì:

Thứ nhất, phải khẳng định quyền cho doanh nghiệp khác vay là quyền hợp hiến của mỗi doanh nghiệp, miễn là họ không vượt quá trần lãi suất quy định để trở thành cho vay nặng lãi. Một doanh nghiệp có uy tín cao hơn, tài sản đảm bảo tốt hơn, kết quả kinh doanh tốt, quản lý tài chính hiệu quả thì tại sao họ lại không có quyền đi huy động vốn để mua lại các công ty yếu kém, các dự án đang nằm bất động để tái cơ cáu lại cho nền kinh tế hiệu quả hơn? Nếu Nghị định quy định trên coi như đóng sập cánh cửa LBO đối với các nhà đầu tư nội, trong khi Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước lại không thế kiểm soát được với các nhà đầu tư nước ngoài họ vào đây mua lại doanh nghiệp hoặc cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam bằng nguồn vốn nào?

Trong khi Việt Nam chưa kiểm soát được nguồn vốn vay của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường nước ngoài đem vào đầu tư tài chính tại thị trường Việt Nam thì quy định tại dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sẽ cản bước doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình tái cơ cấu cho nền kinh tế. Vô hình chung sẽ mở đường rước nhà đầu tư nước ngoài vào tái cơ cấu thị trường trong nước, nhường sân chơi cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ nền kinh tế trong nước sẽ ngày càng bị chi phối bởi yếu tố dòng vốn nước ngoài.

Thứ hai, vì nhu cầu đầu tư, doanh nghiệp bắt buộc phải huy động vốn là bình thường nhưng việc sử dụng vốn đó không phải huy động về giải ngân được ngay 100%, nên việc doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh nguồn vốn đó trong ngắn hạn thế nào, để tối đa hóa lợi ích, nhưng họ bị chặn không được cho doanh nghiệp khác vay. Đây là điều phi lý. Đối với việc này, thị trường Việt Nam đã từng chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện Carry - Trade trong một khoảng thời gian dài khi mà chênh lệch lãi suất trên thị trường tiền tệ xuyên biên giới giữa Việt Nam và quốc tế quá cao, nhà đầu tư nước ngoài đem USD vào Việt Nam bán spot gửi tiết kiệm, mua trái phiếu và mua một hợp đồng swap ngoại tệ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá họ thắng đậm. Điều này đã từng làm Ngân hàng Nhà nước rất đau đầu mà cũng không thể đưa ra biện pháp hành chính nào ngăn cản. Đơn giản đó là nguyên tắc thị trường. Khi có sự chênh lệch thì dòng vốn lập tức có sự chuyển dịch.

Một bất cập khác đó là Thông tư 16/2021 của Ngân hàng Nhà nước có quy định cấm các ngân hàng mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành để tái cơ cấu hoặc để mua cổ phần doanh nghiệp khác. Đây cũng là một bước lùi trong lịch sử. Thay vì cấm như vậy chỉ cần:

+ Cấm ngân hàng thương mại mua trái phiếu của tổ chức sở hữu 5% trở lên vốn điều lệ của ngân hàng hoặc ngân hàng thương mại đó sở hữu từ 5% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành;

+ Cấm ngân hàng mua trái phiếu do các công ty liên kết, công ty thành viên của ngân hàng đó tư vấn phát hành;

+ Cấm các công ty thành viên, công ty liên kết mua trái phiếu của ngân hàng đó phát hành.

Như vậy thị trường sẽ tự lành mạnh./.