Tài nguyên nước của Việt Nam đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn
Theo nghiên cứu của WB, an ninh tài nguyên nước của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết một loạt những vấn đề quan trọng liên quan đến tình trạng căng thẳng về nước, suy giảm nhanh chất lượng nước và những rủi ro thiên tai liên quan đến nước. Vì vậy, Việt Nam cần thiết phải thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Mức độ tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng nước sẽ gây ra căng thẳng về nguồn tài nguyên nước vào mùa khô tại 11/16 lưu vực sông ở Việt Nam. Thêm vào đó, sự cạnh tranh về nhu cầu sử dụng nước ở nhiều ngành khác nhau ngày càng tăng trong bối cảnh chất lượng nước ngày một kém đi. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu làm cho các thách thức về nước càng trầm trọng hơn và càng đặt ra nhu cầu quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực tế Việt Nam là một nước nghèo về tài nguyên nước. Nước vào Việt Nam có tới hơn 60% là từ các lưu vực sông quốc tế và Việt Nam không kiểm soát được 63% lượng nước của mình. Lượng nước tập trung vào mùa mưa vào những vùng khác nhau, lúc thì thừa nước gây tai họa, thiên tai, khi thì hạn hán thiếu nước.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cùng với áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.
Thông tin thêm về thực trạng tài nguyên nước ở Việt Nam, ông Ousmane Dione Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, trên 90% lượng nước hiện đang được sử dụng để tưới tiêu và và nuôi trồng thủy sản trên khắp cả nước. Tuy nhiên, giá trị từ mỗi đơn vị (m3) nước được sử dụng, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, cao hơn gần 10 lần.
Bên cạnh đó, tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn. Sự phát triển nhanh chóng của đất nước kết hợp với các mối đe dọa do tác động của biến đổi khí hậu, đã tạo ra nhiều mối đe dọa, đặc biệt là lũ lụt, ô nhiễm ngày càng gia tăng và cạnh tranh giữa các ngành sử dụng nước trong mùa khô. Nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối de dọa này, nền kinh tế của Việt Nam có thể tổn thất khoảng khoảng 6% GDP mỗi năm vào năm 2035.
Nghiên cứu của WB cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang đứng trước một cuộc khủng hoảng cận kề với những đe dọa: quá bẩn, quá ít, quá nhiều. Quá bẩn – ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm nước đang nổi lên là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế, vì quá nhiều nước thải không được thu gom hoặc xử lý. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và nhiều nguồn nước thải công nghiệp không quả xử lý xả thải vào môi trường. Quá ít – đầu tư và sự tuân thủ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải. Đồng thời, khung pháp lý dã được thiết lập, bao gồm các quy định về quản lý nước thải, nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn là một thách thức. Và, quá nhiều - dòng chảy từ bên ngoài biên giới. Hầu hết các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc ở các nước lân cận. Do vậy, tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương do những hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.
Do đó, để cải thiện chất lượng nước, nghiên đã đề xuất các khuyến nghị cần hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên nước; thực hiện quản lý nước theo lưu vực sông thông qua quản trị tổng hợp; gia tăng giá trị sản xuất từ nước trong lĩnh vực nông nghiệp; đưa ra ưu tiên chính sách cao nhất đối với việc giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm. Bên cạnh đó, cải thiện quản lý rủi ro ứng phó với thiên tai và tăng cường sức chống chịu; thiết lập và mở rộng quy mô tài chính và các ưu đãi theo cơ chế thị trường; và tăng cường an ninh cho các khu vực dân cư.
“Nếu như không có những hành động quyết liệt, thì tài nguyên nước, một yếu tố động lực đã và đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam, sẽ trở thành một cản trở của sự phát triển. Nếu hành động sớm, thì sẽ đảm bảo được rằng tài nguyên nước vẫn sẽ tiếp tục là một yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn”, ông Ousmane Dione khẳng định./.
Bình luận