MỘT VÀI NÉT VỀ CPTPP

CPTPP có nguồn gốc từ quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans - Pacific Partnership Agreement (TPP)). Cùng với sự gia nhập và rút lui của một số đối tác, tháng 11/2017, tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP với những nội dung cốt lõi. Và ngày 08/3/2018, 11 nước thành viên chính thức ký kết CPTPP tại TP. Santiago, Chile và CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/01/2019.

Tận dụng cơ hội từ CPTPP trong điều kiện bình thường mới
Năm 2019 đánh dấu bước tăng trưởng đáng kể của Việt Nam với các đối tác CPTPP

CPTPP gồm 7 điều và 1 phụ lục. Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục), nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi TPP. 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn này bao gồm: 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ; 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương là: Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng. Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong TPP vẫn được giữ nguyên trong CPTPP.

TÁC ĐỘNG CỦA CPTPP ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Những kết quả đạt được

Sau 2 năm thực thi CPTPP, mặc dù phạm vi điều chỉnh của Hiệp định tương đối rộng, nhưng ảnh hưởng nhiều và dễ nhận thấy nhất là tác động tới hoạt động thương mại hàng hóa, thu hút FDI và tận dụng ưu đãi thuế quan của các đối tác vào Việt Nam.

Năm 2019 đánh dấu bước tăng trưởng đáng kể của Việt Nam với các đối tác CPTPP, bước đầu cho thấy tác động tích cực của hiệp định đối với xuất khẩu của Việt Nam (Bảng 1). Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương với 8 nước đối tác, ngoại trừ Australia và Malaysia. Điều đáng chú ý là các thị trường Canada, Chile, Mexico, Peru có mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ, dao động từ 20%-36%, với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là thế mạnh của Việt Nam, như: linh kiện điện thoại, máy móc, thiết bị, thủy sản, dệt may. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam đều giảm so với năm 2018 ở hầu hết các đối tác, nhưng khu vực châu Mỹ và Mỹ La tinh vẫn là đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam, với mức tăng trưởng 36%, 11% và 43% cho 3 nước: Canada, Chile, Mexico.

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác CPTPP giai đoạn 2018-2020

Đơn vị: Triệu USD

Nước

2018 (gốc)

2019

2020

Giá trị

Giá trị

%

Giá trị

%

Australia

3.965,87

3.527,18

-11,06

3.380,65

-14,76

Brunei

18,46

66,66

261,11

17,06

-7,58

Canada

3.014,39

3.888,83

29,01

4.126,53

36,89

Chile

781,71

940,64

20,33

870,54

11,36

Japan

18.850,61

20.412,64

8,29

19.689,20

4,45

Malaysia

4.047,83

3.788,84

-6,40

3.537,64

-12,60

Mexico

2.239,87

2.826,60

26,19

3.208,81

43,26

New Zealand

504,01

542,43

7,62

485,68

-3,64

Peru

250,19

341,30

36,42

179,45

-28,27

Singapore

3.138,27

3.205,82

2,15

2.645,36

-15,71

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ dẫn tới giãn cách xã hội, sản xuất bị ngừng trệ, hoạt động xuất khẩu không mấy thuận lợi, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, nhiều cảng biển, hàng hóa bị tắc nghẽn, nhưng xuất khẩu Việt Nam sang 3 nước này vẫn tăng trưởng thể hiện điểm sáng của Hiệp định. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia giảm cả 2 năm liên tiếp do nhu cầu nhập khẩu dầu thô giảm.

Về kim ngạch nhập khẩu (Bảng 2), tuy tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam tăng trong 2 năm (2019-2020), nhưng Việt Nam vẫn duy trì cán cân thương mại song phương thặng dư với 4 nước: Canada, Chile, Mexico và Peru. Như vậy, CPTTP cho kết quả ban đầu tích cực cho việc tiếp cận, mở rộng thị trường và gia tăng hoạt động xuất - nhập khẩu với các nước đối tác châu Mỹ.

Bảng 2: Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các đối tác CPTPP giai đoạn 2018-2020

Đơn vị: Triệu USD

Nước

2018 (gốc)

2019

2020

Giá trị

Giá trị

%

Giá trị

%

Australia

3.747,22

4.456,12

18,92

3.999,15

6,72

Brunei

36,67

192,14

423,97

262,17

614,94

Canada

858,91

860,63

0,20

1.044,38

21,59

Chile

306,76

288,72

-5,88

319,03

4,00

Japan

19.040,86

19.525,52

2,55

21.123,74

10,94

Malaysia

7.450,36

7.333,97

-1,56

7.548,29

1,31

Mexico

1.118,89

641,76

-42,64

647,66

-42,12

New Zealand

530,9

532,97

0,39

668,92

26,00

Peru

83,6

81,41

-2,62

55,6

-33,49

Singapore

4.523,63

4.141,80

-8,44

4.200,66

-7,14

Nguồn: Tổng cục Hải quan

So với cam kết của WTO, CPTPP với những cam kết chặt chẽ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, như: (i) Các cam kết mở cửa đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất; (ii) Cam kết về thể chế, tiêu chuẩn, mức độ bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài, cơ chế giải quyết tranh chấp; (iii) Thu hút FDI trong sản xuất và xuất khẩu, kết nối với CPTPP. Những cam kết này được coi là nhân tố hỗ trợ thu hút FDI vào Việt Nam (Bảng 3).

Bảng 3: Tổng đầu tư FDI của đối tác CPTPP vào Việt Nam giai đoạn 2018-2020

Đơn vị: Triệu USD

Nước

2018

2019

2020

Australia

42,81

48,26

4,10

Canada

31,28

72,63

24,74

Chile

0,25

0,26

0,03

Japan

1.820,69

2834,95

923,75

Malaysia

23,63

189,09

265,98

Mexico

0,11

0,11

0,14

New Zealand

117,80

117,24

111,23

Singapore

2.100,94

3.521,57

2.674,58

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trên thực tế, sau 2 năm gia nhập CPTPP, vốn cấp mới FDI của các nước đối tác lại có xu hướng kém lạc quan. Có lẽ đây không phải là vấn đề đáng ngại trong bối cảnh đầu tư FDI toàn cầu giảm với xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng và dịch bệnh diễn biến phức tạp, đi kèm với những thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản.

Những hạn chế

VCCI (2021) cho rằng, các kết quả đạt được từ CPTPP đối với DN Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, các DN chưa chủ động trong việc tìm hiểu về các cơ hội và ưu đãi CPTPP mang lại. Cứ bốn DN, mới có một DN đã từng được hưởng lợi thuế quan từ CPTPP.

Dù đã đạt được một số những kết quả khả quan, song theo đánh giá của Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), thì nếu so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP mang lại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chỉ đạt 7,2%, thấp hơn so mức 8,4% của thế giới trong cùng thời kỳ. Ðáng chú ý với các ngành hàng có thế mạnh, như: dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… luôn được đánh giá có khả năng tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan khi CPTPP đi vào thực thi, nhưng trên thực tế lại không như vậy. Nguyên nhân do còn nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn "lơ mơ" về các cam kết của CPTPP, năng lực hấp thụ CPTPP của các DN còn thấp, năng lực cạnh tranh ở một số ngành còn chưa được cải thiện, liên kết giữa các DN trong ngành chưa cao. Theo một khảo sát của VCCI, 69% DN đã nghe nói hoặc biết "sơ sơ" về CPTPP, 25% DN có hiểu biết nhất định, chỉ 6% DN biết rõ về các cam kết CPTPP. Tuy nhiên, trung bình cứ 20 DN được hỏi thì mới chỉ có một DN biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Ðiều này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu, nhưng mới chỉ là những vấn đề chung chung, chưa chuyên sâu.

VCCI (2021) cho rằng, các kết quả đạt được từ CPTPP đối với DN Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, các DN chưa chủ động trong việc tìm hiểu về các cơ hội và ưu đãi CPTPP mang lại. Hiện cứ bốn DN, mới có một DN đã từng được hưởng lợi thuế quan từ CPTPP, đặc biệt tại các thị trường mới, như: Canada hay Mexico. Chính vì vậy, với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn tới cộng đồng DN trong thời gian tới. Các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống, nhất là ở các thị trường mới để kịp thời cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu. Ngoài ra khi tham gia CPTPP, các DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu cơ hội, cam kết CPTPP và hành động hiện thực hóa lợi ích là đòi hỏi quan trọng nhất. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN bắt đầu từ nâng cao chất lượng của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên, mà còn là chìa khóa để DN chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập.

TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ CPTTP CHO CÁC DN VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN BÌNH THƯỜNG MỚI

Trong khi dịch bệnh hoành hành toàn cầu và nền kinh tế các nước đang phát triển bị suy thoái, Việt Nam lại nổi lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 2,91% với sự đóng góp không nhỏ của hoạt động xuất khẩu, của khu vực FDI. Trong phần này, bài viết tập trung các giải pháp giúp DN Việt Nam tận dụng ưu đãi của Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP.

Thứ nhất, giải pháp tận dụng ưu đãi thuế quan

Cộng đồng DN trong nước cần hợp tác, liên kết, liên doanh với các đối tác để cùng kinh doanh tận dụng cơ hội từ CPTPP và các FTA.

Đối với thị trường mới trong CPTPP, như: Canada, Mexico, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan là 8,03% và 7,26% và Việt Nam chưa có FTA trực tiếp, nên các DN xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan là điều dễ hiểu. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng khi DN tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, nếu so sánh hai con số tận dụng ưu đãi thuế quan của hai thị trường, thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan với thị trường Mexico thấp hơn hẳn, chỉ có 7,29%. Mặc dù quy mô của hai thị trường gần như bằng nhau, song sự khác biệt về thu nhập, về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng là điều cần quan tâm. Mexico cũng là nước đang phát triển như Việt Nam, cũng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức độ gia công, cũng có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, như: da giày, dệt may, máy móc thiết bị. Vì vậy, Việt Nam nên có hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kênh tiếp cận thị trường, hỗ trợ thông tin về thị trường Mexico cho DN Việt Nam.

Thứ hai, giải pháp tận dụng ưu đãi từ các FTA khác

Các quốc gia trong CPTPP mà Việt Nam đã ký FTA trước đó (như: FTA với Australia và New Zealand; 2 FTA với Nhật Bản; 7 FTA với Singapore), hầu như sắp kết thúc lộ trình loại bỏ thuế, nên có mức thuế ưu đãi tốt hơn CPTPP và quy tắc xuất xứ đơn giản hơn cho DN Việt Nam, thì Việt Nam vẫn lựa chọn quy tắc xuất xứ ít phức tạp và ưu đãi thuế quan lớn nhất trong xuất khẩu, chứ không nhất thiết phải lựa chọn cam kết của CPTPP. Tuy vậy, trong dài hạn, DN cũng cần lưu ý cam kết của CPTPP. Ví dụ, CPTPP là FTA đa phương, khả năng sử dụng quy tắc xuất xứ dựa trên yếu tố cộng gộp nội khối cũng rộng rãi hơn cho DN.

Thứ ba, giải pháp tăng cường nhận thức từ phía DN

Không thể phủ nhận lợi ích của CPTPP cho nền kinh tế Việt Nam, với những cơ hội lớn về xuất khẩu hàng hóa, cơ hội mở rộng thị trường, cơ hội tham gia sâu và tạo giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều DN hiểu không đúng về cơ hội và quan trọng hơn là những thách thức, những rào cản mà DN cần phải vượt qua khi gia nhập thị trường mới. Điều này xuất phát từ thông tin DN, hiểu chưa chính xác, hiểu sơ qua, không có tư vấn pháp lý. Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy, các DN FDI ở Việt Nam tận dụng cơ hội về CPTPP tốt hơn DN nhỏ và vừa. Do đó, trong thời gian tới, bản thân DN cần nhận thức để tự thay đổi, chứ không thể chờ hỗ trợ từ Chính phủ không thể có, khi hoạt động trợ cấp bị cấm. Ngược lại, Chính phủ cũng chỉ phần nào hỗ trợ DN trong một số lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên chứ không thể trực tiếp hỗ trợ cho toàn bộ DN của nền kinh tế.

Thứ tư, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam

Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cũng thuộc vào nhận thức của DN. DN cần phải tự đánh giá mình còn kém so với đối thủ, từ đó mới có hành động cải cách. Theo CPTPP, các hướng điều chỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh của DN đáp ứng cam kết, gồm: đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý cho lãnh đạo DN, đào đạo nâng cao chuyên môn cho người lao động, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, chuyển đổi sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện công nghệ, đạt yêu cầu về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, cải thiện chất lượng sản phẩm…

Thứ năm, DN Việt Nam cần có các điều chỉnh kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP

Các điều chỉnh có thể được thực hiện dần dần, từng bước, bắt đầu từ những vấn đề tồn tại cản trở năng lực cạnh tranh lớn nhất của DN tới những vấn đề xa hơn; Không phải mọi giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh đều đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng chắc chắn cần một quyết tâm rõ ràng và cách thức thực hiện đúng; DN có thể tìm kiếm các hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, từ các tổ chức, như: VCCI, hiệp hội ngành nghề cho các kế hoạch điều chỉnh của mình.

Về ưu tiên điều chỉnh, theo VCCI, các DN dân doanh được khuyến cáo ưu tiên các điều chỉnh hướng tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tận dụng các cơ hội CPTPP và các FTA; Các DN nhà nước cần tập trung tăng cường khả năng linh hoạt, cơ động trong sắp xếp chuỗi cung ứng và tổ chức dây chuyền sản xuất, kinh doanh để có thể đáp ứng các quy tắc xuất xứ, qua đó chớp được các cơ hội thuế quan từ CPTPP nói riêng và các FTA nói chung.

Cộng đồng DN trong nước cần hợp tác, liên kết, liên doanh với các đối tác để cùng kinh doanh tận dụng cơ hội từ CPTPP và các FTA là kỳ vọng ở tầm xa của nhiều DN, đồng thời, hợp tác, liên kết với các DN khác trong các vấn đề khác ngoài kinh doanh, nhưng có tác động trực tiếp và hữu ích tới hiệu quả kinh doanh của DN cũng là điều cần chú ý.

Bên cạnh các hình thức hợp tác kinh doanh thường thấy và rất hữu ích trong việc triển khai các hợp đồng lớn hay đáp ứng yêu cầu của các đối tác lớn, hình thức hợp tác dưới dạng tham gia chuỗi sản xuất cũng rất đáng chú ý. Một số hoạt động có tác động trực tiếp hay gián tiếp tới triển vọng kinh doanh của DN trong bối cảnh hội nhập CPTPP và các FTA có thể được thực hiện một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nếu có sự kết nối, hợp tác giữa các DN. Ví dụ: các chiến dịch xúc tiến thương mại; công tác tìm kiếm và cập nhật thông tin thị trường; hoạt động vận động chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh… Với các hoạt động này, DN có thể tự làm một cách đơn lẻ, nhưng sẽ hoặc là rất tốn kém, hoặc là khó đạt hiệu quả không được như mong đợi (nhất là với các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa). Vì vậy, việc liên kết cùng hành động với các DN khác là giải pháp hiệu quả cần được quan tâm thực hiện./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2018-2020). Báo cáo xuất - nhập khẩu Việt Nam năm 2018, 2019, 2020

2. Tổng cục Hải quan (2018-2020). Báo cáo xuất - nhập khẩu Việt Nam năm 2018, 2019, 2020

3. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018-2020). Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2018, 2019, 2020

4. VCCI (2021). Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi hiệp định CPTPP từ góc nhìn DN”

5. CIEM (2020). Tài liệu công bố Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”, Hà Nội, ngày 19/2/2020

ThS. Đinh Thị Thanh Long

Học viện Ngân hàng

(Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 17, tháng 6/2021)