Summary

Over the years, foreign direct investment (FDI) into Vietnam has gained many great achievements and made important strides. However, FDI inflows into the environmental industry are still limited. FDI projects in the environmental industry are small in both size and proportion of total investment capital, while this is a specific industry that needs capital financing to exploit its full potential and meet social needs. The article summarizes the current scale of FDI inflows into the environmental industry in Vietnam in recent years and its trends , thereby proposing some solutions to increase the scale of FDI inflows into this industry in the near future.

Keywords: foreign direct investment, FDI, environmental industry, capital scale

GIỚI THIỆU

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã bộc lộ những bất cập và tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái của Việt Nam, đặc biệt là chịu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Một trong các giải pháp then chốt được Chính phủ xác định và ưu tiên là phát triển ngành CNMT song song với các ngành công nghiệp khác (tại Quyết định số 192/QĐ-TTg, ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Nhằm khai thác đầy đủ tiềm năng thị trường, đáp ứng nhu cầu xã hội đối với xử lý ô nhiễm, quan trọng hơn là hướng đến phát triển bền vững với cam kết lịch sử về phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã quyết tâm đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), thì việc tăng cường quy mô vốn FDI vào ngành CNMT là cấp thiết.

KHÁI QUÁT VỀ NGÀNH CNMT

Ngành CNMT tại Việt Nam đang khá non trẻ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 giải thích khái niệm CNMT là “ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về bảo vệ môi trường”. Căn cứ vào hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ), ngành CNMT có mã ngành E - Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Đây là mã ngành có nội dung về các hoạt động kinh tế bao gồm: các hoạt động cung cấp dịch vụ, công nghệ, thiết bị phục vụ mục đích bảo vệ môi trường.

Căn cứ phân loại của nhóm ngành E trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, ngành CNMT tại Việt Nam bao gồm 4 lĩnh vực là: (i) Khai thác, xử lý và cung cấp nước (E36); (ii) Thoát nước và xử lý nước thải (E37); (iii) Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu (E38); (iv) Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác (E39).

THỰC TRẠNG QUY MÔ VỐN FDI VÀO NGÀNH CNMT TẠI VIỆT NAM

Về quy mô và tăng trưởng vốn

Số liệu ở Hình 1 cho thấy, quy mô tổng vốn FDI vào ngành CNMT duy trì ổn định và tăng nhẹ từ năm 2012 đến nay. Năm 2012, ngành CNMT Việt Nam ghi nhận tổng vốn đăng ký lũy kế là 1.234 triệu USD, sau đó tăng lên đạt mức cao nhất là 3.042,5 triệu USD vào năm 2022 (gấp 2,4 lần).

Hình 1: Tổng số dự án và tổng vốn FDI đăng ký vào ngành CNMT tại Việt Nam

(lũy kế các dự án còn hiệu lực đến tháng 12/2022)

Tăng cường quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các dự án FDI đầu tư vào ngành CNMT tại Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ (chiếm gần 80%). Kể từ năm 2014 trở lại đây, quy mô vốn các dự án FDI của ngành CNMT đã có sự thay đổi. Các dự án có quy mô vốn rất nhỏ (dưới 1 triệu USD) giảm mạnh (năm thấp nhất còn 14,3%), các dự án quy mô nhỏ (từ 1 đến 50 triệu USD) giảm tương đối (dao động tại mức 57%), đặc biệt có sự xuất hiện ổn định hơn của các dự án có quy mô vốn lớn (từ 50 đến 100 triệu USD và từ 100 triệu USD trở lên). Tuy nhiên, trong các năm 2021-2022, thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, ngành CNMT của Việt Nam chỉ thu hút được các dự án FDI quy mô dưới 50 triệu USD (Hình 2).

Hình 2: Cơ cấu quy mô vốn của các dự án FDI ngành CNMT tại Việt Nam hàng năm

Đơn vị: %

Tăng cường quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Về cơ cấu vốn FDI

Theo lĩnh vực

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong số 83 dự án luỹ kế đến hết năm 2022, đa phần các dự án hoạt động tập trung trong một lĩnh vực, chỉ có 16 dự án hoạt động ở hai lĩnh vực trở lên và đa số là các dự án có quy mô vốn dưới 10 triệu USD/dự án. Xét theo từng lĩnh vực, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu (E38) được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất, với 46 dự án FDI. Lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải (E37) được triển khai qua 27 dự án. Lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước (E36) và lĩnh vực xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác (E39) lần lượt có 20 và 9 dự án. Nhìn chung, đầu tư FDI vào các lĩnh vực của ngành CNMT có cơ cấu chưa đồng đều và chưa có nhiều dự án quy mô hoạt động từ hai lĩnh vực trở lên.

Theo đối tác

Tính đến hết năm 2022, ngành CNMT của Việt Nam ghi nhận 21 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đầu tư, bao gồm các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Trong đó, Mỹ là đối tác đầu tư vào ngành CNMT tại Việt Nam nhiều nhất, với hơn 606,2 triệu USD vốn đăng ký, chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký (Bảng).

Bảng: 10 quốc gia/vùng lãnh thổ có tổng vốn đăng ký FDI vào ngành CNMT của Việt Nam

lớn nhất lũy kế đến tháng 12/2022

Tăng cường quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tuy nhiên, xét về số dự án, thì Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với 19 dự án. Cơ cấu trên phản ánh phần nào khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam vào ngành CNMT từ các quốc gia đối tác chưa đồng đều, triệt để, đặc biệt là vốn FDI chất lượng cao từ các quốc gia nắm giữ công nghệ môi trường tiên tiến và đi đầu trong các chính sách môi trường như: Trung Quốc hay Anh. Việc kết nối, giới thiệu tiềm năng của ngành CNMT Việt Nam ra thế giới chưa được thực hiện bài bản, đồng bộ và có tầm nhìn chiến lược, dẫn đến một số quốc gia đối tác mặc dù có tổng vốn đăng ký lớn, nhưng xét về số lượng các nhà đầu tư được thu hút và đưa ra quyết định rót vốn chưa nhiều, khiến cho số dự án đăng ký còn ít và không thường xuyên.

Theo địa phương

Nhìn chung, tình hình FDI vào ngành CNMT tại ba miền Bắc, Trung, Nam đều có sự thay đổi rõ nét từ năm 2014. Khu vực miền Bắc và miền Nam thu hút FDI vào ngành CNMT có phần sôi động hơn so với miền Trung. Tính đến hết năm 2022, miền Bắc thu hút được hơn 1,7 tỷ USD vốn đăng ký; miền Nam ghi nhận hơn 1,05 tỷ USD, lần lượt gấp 8,5 lần và 5 lần khu vực miền Trung. Xét về số lượng, miền Bắc có 41 dự án FDI ngành CNMT, miền Nam có 31 dự án, trong khi chỉ có 11 dự án triển khai tại miền Trung (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023).

ĐÁNH GIÁ VỀ VỐN FDI VÀO NGÀNH CNMT Ở VIỆT NAM

Thành tựu

Căn cứ vào những phân tích nêu trên, FDI vào ngành CNMT của Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định như sau:

Xuất hiện các dự án CNMT có quy mô vốn lớn

Tiêu biểu là Dự án Công viên Yên Sở với 322 triệu USD (năm 2007); Dự án Khu công nghệ môi trường xanh của Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam – Long An với 450 triệu USD (năm 2015); Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn với hơn 319 triệu USD (năm 2017)… (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2008-2018). Kết quả này là nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng cải thiện, khung pháp luật về đầu tư ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp các nhà đầu tư mạnh dạn hơn khi tham gia vào thị trường dịch vụ môi trường tại Việt Nam, cũng như xuất hiện những làn sóng đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản đồng loạt rót vốn. Điều này cho thấy, nỗ lực từ phía Chính phủ trong thay đổi cơ chế, mở cửa và có các chính sách ưu đãi để ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Các dự án FDI CNMT được phân bổ trên cả nước

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả ba khu vực Bắc – Trung – Nam đều có dự án FDI trong ngành CNMT. Khu vực miền Bắc ghi nhận số dự án FDI nhiều nhất và phân bổ tại 9 tỉnh, thành phố là: Thanh Hoá, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng và Phú Thọ. Các dự án ở miền Nam cũng phân bổ tại 9 tỉnh, thành phố, gồm: Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An, Bến Tre và Đồng Nai. Miền Trung ghi nhận con số khiêm tốn hơn với các dự án phân bổ tại 7 địa phương gồm: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Đắk Lắk. Mặc dù chưa đồng đều, nhưng đây là tín hiệu tích cực, bước đầu cho thấy, hoạt động thu hút FDI vào ngành CNMT tại Việt Nam đã được triển khai trong cả nước.

FDI vào ngành CNMT đã bao quát được nội dung sử dụng tài nguyên bền vững

Không chỉ tập trung vào khâu xử lý ô nhiễm cuối đường ống, FDI vào ngành CNMT ở Việt Nam đã có các dự án phục vụ sử dụng tài nguyên bền vững, như: thu gom, tái chế phế liệu sạch an toàn; xây dựng nhà máy xử lý rác thải thu hồi nhiệt năng và sinh hơi phát điện, xỉ lò được tái chế sử dụng làm vật liệu xây dựng; sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nông nghiệp, chất thải rắn (không độc hại) dẫn đến sản xuất các nhiên liệu thay thế (sản phẩm Biomass); sản xuất, cung cấp hơi nước công nghiệp; phân tích và kiểm định phế liệu từ các ngành công nghiệp có sử dụng các loại kim loại quý…

Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, FDI vào ngành CNMT của Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế như sau:

Các dự án về công nghệ môi trường chiếm tỷ trọng thấp

Các dự án FDI CNMT tại Việt Nam đa phần có quy mô vốn nhỏ và vừa, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu; rất ít các dự án FDI chuyên về nghiên cứu, phát triển các công nghệ môi trường để nâng cao năng lực và trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp CNMT. Ngành CNMT trong nước đang thiếu dòng vốn FDI chất lượng cao để có thể hình thành và gây dựng những doanh nghiệp CNMT đủ mạnh, giúp giải quyết các vấn đề môi trường lớn, quan trọng của đất nước, như: xử lý sự cố tràn dầu; giám định và ước tính tổn thất về tài nguyên và môi trường; thẩm định công nghệ môi trường…

Quy mô và tăng trưởng FDI vào phát triển ngành CNMT còn thấp

Năm 2022, Việt Nam ghi nhận 57,3 triệu USD vốn FDI đăng ký (cả cấp mới và điều chỉnh) vào lĩnh vực CNMT, chỉ chiếm 0,2% so với tổng vốn FDI đăng ký (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023). Nếu so với các ngành công nghiệp khác, như: công nghiệp chế biến, chế tạo, hoặc công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa, thì vốn FDI thu hút được của ngành CNMT còn rất khiêm tốn. Xét về quy mô vốn, các dự án FDI CNMT hầu hết chỉ có quy mô nhỏ và vừa. Có một số ít dự án có số vốn lớn (hơn 300 triệu USD), nhưng khi triển khai trên thực tế gặp nhiều bất cập, ví dụ như về vấn đề chênh lệch giữa báo cáo của nhà đầu tư và kiểm toán nhà nước, hay việc thiếu thông tin giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư nước ngoài, đã khiến tiến độ đầu tư bị gián đoạn.

Chưa thu hút nhiều FDI vào lĩnh vực sử dụng bền vững tài nguyên

Nhìn vào danh mục FDI vào ngành CNMT tại Việt Nam, có thể nhận thấy việc thu hút FDI mới nhấn mạnh vào khía cạnh hiệu quả kinh tế đạt được, chứ chưa xem xét đến tính chất khan hiếm của nguồn tài nguyên thiên nhiên – lĩnh vực sử dụng bền vững tài nguyên thuộc ngành CNMT. Các dự án FDI trong lĩnh vực tái chế hay sử dụng bền vững tài nguyên mặc dù đã có, song chiếm tỷ trọng không nhiều.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để cải thiện quy mô vốn FDI vào ngành CNMT ở Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung chính sách

Đồng bộ hệ thống chính sách, luật, quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường để nâng cao năng lực thực thi, cưỡng chế, kiểm tra và giám sát tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, từ đó các doanh nghiệp sẽ chủ động tìm kiếm các giải pháp công nghệ cao, sản phẩm và dịch vụ môi trường chất lượng tốt nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ của ngành CNMT nói chung.

Cần đặt ra các quy định ưu đãi mức cao hơn nữa cho các dự án đầu tư vào nghiên cứu, chế tạo máy móc, thiết bị môi trường có sử dụng công nghệ cao. Chẳng hạn, các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ môi trường tiên tiến hoặc có sản phẩm ứng dụng công nghệ môi trường là kết quả nghiên cứu có thể được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu trong khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, các chính sách quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư của chính quyền địa phương cần có quy trình chi tiết và chặt chẽ hơn nữa. Các quy định liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư, như: thu hồi và đền bù thu hồi đất, thay đổi mục đích sử dụng đất, cần được xác định quy trình rõ ràng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hiệu quả.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực môi trường, cả lao động vận hành thiết bị lẫn lao động quản lý, kỹ sư môi trường là yêu cầu cấp thiết, đồng thời cần cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương thức quản lý cho lực lượng lao động, đặc biệt là khi xu hướng phát triển ngành CNMT đang trở thành ngành sử dụng nhiều máy móc, khoa học kỹ thuật thay vì sử dụng nhiều nhân công.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp, xây dựng dự án, vận hành nhà máy, dây chuyền sản xuất… Những yếu tố nền tảng, như: hệ thống vận tải, giao thương cầu cảng, kho bãi, cấp thoát nước, internet tốc độ cao… cần được đảm bảo, để sẵn sàng cho các dự án quy mô lớn có liên kết giữa các khu vực, tỉnh, quận, huyện.

Thứ ba, xây dựng thị trường hàng hóa môi trường

Cần tạo lập thị trường cho sản phẩm hàng hóa của ngành CNMT, bởi thị trường sẽ tạo động lực phát triển ngành. Cần có danh mục mã sản phẩm của ngành CNMT Việt Nam để nhận dạng được sản phẩm, thiết bị, làm căn cứ để quy định các chính sách thuế xuất - nhập khẩu, ưu đãi đầu tư đối với các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa là sản phẩm và thiết bị của ngành này.

Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với các thiết bị, sản phẩm CNMT, làm căn cứ đánh giá, so sánh trong các hoạt động thẩm định, lựa chọn, cũng như định giá thiết bị, sản phẩm của các dự án đầu tư phát triển CNMT. Khi giá của các sản phẩm, dịch vụ CNMT được xây dựng trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch, sẽ tạo động lực thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động dịch vụ môi trường, khiến các hợp đồng nhượng quyền vận hành, khai thác công trình xử lý chất thải trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, thúc đẩy công nghệ môi trường

Cần hình thành các quỹ mạo hiểm hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ môi trường; hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu sử dụng kết quả nghiên cứu công nghệ để kêu gọi vốn thành lập công ty kinh doanh về môi trường.../.

Nguyễn Phương Linh, Chu Thanh Giang - Trường Đại học Ngoại thương

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, Chuyên đề: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Nxb Dân trí.

2. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2005-2023), Tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ năm 2004 đến 2022.

3. Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.

4. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám Thống kê năm 2022, Nxb Thống kê.