Tăng giám sát của nhà nước trong quản lý vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh
Đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường
“Việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp…”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, sửa đổi toàn diện Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh (ảnh: Quốc hội) |
Việc sửa đổi Luật, theo ông Hiếu còn nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).
Về các chính sách, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) với 4 chính sách: Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; Cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.
Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ, nắm bắt đầy đủ các vướng mắc
Báo cáo ý kiến nghiên cứu về đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu cho biết, về sự cần thiết ban hành Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Về phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, trong đó, bổ sung nội dung “cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp" vào Điều 1 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đề nghị trong quá trình chuẩn bị dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp; bổ sung quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Về các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, về cơ bản, 4 nhóm chính sách đã bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ về từng nội dung cụ thể trong các nhóm chính sách, thể hiện nhất quán các nội dung chính sách được đề xuất trong các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm sự đồng bộ giữa nội dung chính sách với các văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới (ảnh: Quốc hội) |
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu đồng tình bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, nhiều đại biểu đồng tình với phương án trình dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ hợp thứ 6.
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm tra, đề nghị Bộ Tài chính rà soát nghiên cứu kỹ lưỡng, khẩn trương tổng kết thực tiễn, nắm bắt đầy đủ các vấn đề, vướng mắc, phân tích nguyên nhân để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo sự đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật.../.
Bình luận