Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN tư nhân và nước ngoài tham gia thị trường bình đẳng
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đã có hơn 30 năm đổi mới và khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước được hình thành và ngày càng phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, khóa XII năm 2017, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết rất quan trọng, xác định vị thế của khu vực kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế của Việt Nam. Với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong việc kiến tạo, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bình đẳng.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành các nghị quyết, chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp đặc biệt là phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng cho biết, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế một cách bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình và được Chính phủ thông qua Đề án phát triển khu vực kinh tế tư nhân bền vững năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030.
Đề án đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cả về chất lượng và số lượng, từ đó tạo nền tảng vững chắc cũng như tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Tính đến nay, số lượng các đơn vị sản xuất kinh doanh của tư nhân đã lên đến gần 6 triệu đơn vị, trong số đó có trên 750 nghìn doanh nghiệp ở các cấp, các quy mô. Cùng với xu hướng phát triển về khoa học và công nghệ các doanh nghiệp chuyển dịch sang hướng theo mô hình kinh doanh sáng tạo, hiệu quả và bền vững. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành ở nhiều quy mô, tạo dựng nên sự cạnh tranh rất mạnh mẽ từ trong nước cũng như ở nước ngoài trong khu vực và trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực, như: công nghệ thông tin, công nghệ cao, sản xuất ô tô, xe máy…
Các tập đoàn kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP của cả nước, tạo ra khoản thu ngân sách nhà nước trên 30%. Hằng năm, đầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đặc biệt là sử dụng trên 80% lực lượng lao động của Việt Nam. Điều đó thể hiện khu vực tư nhân đã và đang ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Bà Trịnh Thị Hương, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm, khu vực kinh tế tư nhân được coi là 1 động lực quan trọng trong nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách hiệu quả để khuyến khích phát triển khu vực kinh tế này. Do đó, gần 10 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, năm 2011 có 77.548 doanh nghiệp, thì đến năm 2018 tăng lên 131.275 doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 149.342 doanh nghiệp (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới là 114.456 doanh nghiệp tăng 4,4%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 34.868 doanh nghiệp tăng 24,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 15 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của đổi mới khoa học, công nghệ thì làn sóng khởi nghiệp sáng tạo cũng phát triển mạnh mẽ trong khu vực kinh tế tư nhân. Nếu xét theo cơ cấu doanh nghiệp theo khu vực kinh tế, thì hiện nay doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm đến 96,67% và chủ yếu đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Hương, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, mặc dù các doanh nghiệp tư nhân tăng về số lượng nhưng quy mô nhỏ bé với 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, hơn 60% là doanh nghiệp siêu nhỏ; trình độ công nghệ yếu, quản trị hạn chế. Đồng thời, tính liên kết tham gia chuỗi giá trị yếu và thiếu sự dẫn dắt của doanh nghiệp lớn; năng suất, năng lực cạnh tranh còn thấp.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, những hạn chế này vừa đến từ bản chất của hệ thống các doanh nghiêp Việt Nam còn nhỏ lẻ manh mún và vừa đến từ sự chủ quan, đặc biệt là về hệ thống cơ chế chính sách của nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu để các doanh nghiệp theo đuổi các mục tiêu sản xuất, kinh doanh của mình.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hình thành các chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam và nước ngoài được tham gia thị trường cạnh tranh một cách bình đẳng.
Trong quá trình xây dựng các chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành luôn đánh giá cao sự tham gia của cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển của Việt Nam đặc biệt là sự tham gia của USAID tại Việt Nam trong những năm vừa qua.
Tại buổi tọa đàm các đại biểu còn thảo luận về thực trạng, nhu cầu và đề xuất các nội dung, hình thức hỗ trợ theo các hợp phẩm của Dự án./.
Bình luận