Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong tháng 11/2020, cả nước có 13.092 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 284.722 tỷ đồng, tăng 7,3% về số doanh nghiệp và tăng 72,0% về vốn đăng ký so với tháng 10/2020, tăng 6,7% về số doanh nghiệp và tăng 103,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 là 119.668 người, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 65,3% so với tháng 10/2020.

Số liệu cũng cho thấy, doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (4.382 doanh nghiệp); công nghiệp chế biến, chế tạo (1.613 doanh nghiệp); xây dựng (1.600 doanh nghiệp)…

Bảng: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11/2020 phân theo ngành, lĩnh vực

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Trong tháng 11/2020, cả nước ghi nhận 5.315 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với tháng 10/2020, tăng 39,5% so với tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở nước ta) và tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2020 đã chịu ảnh hưởng từ những tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, song các thông tin, nhận định tích cực đã mang lại niềm tin về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, thể hiện qua số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2020. Cụ thể như sau:

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm nay có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Mặc dù vậy, đà giảm đã được hãm lại trong những tháng gần đây. Cụ thể, cả nước có 124.252 doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đầu năm 2020, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 (doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2020 giảm 5,1%; 8 tháng giảm 2%; 9 tháng giảm 3,2%; 10 tháng giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019).

Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng tăng lên. Cùng với đó, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng đầu năm 2020 là 4.965.808 tỷ đồng (tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2019).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đầu năm 2020 là 969.983 lao động, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Phân theo lĩnh vực hoạt động, 11 tháng đầu năm nay, cả nước có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, chủ yếu vẫn là các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 là: nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 34,4%); hoạt động dịch vụ khác (giảm 31,8%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 22,2%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 17,6%); kinh doanh bất động sản (giảm 16,7%) và giáo dục và đào tạo (giảm 9,8%).

Phân theo địa bàn, khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 51.487 doanh nghiệp (chiếm 41,4% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng với 36.667 doanh nghiệp (chiếm 29,5% cả nước). Tây Nguyên là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước với 4.517 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 3,6% cả nước).

Cũng trong 11 tháng đầu năm nay, cả nước còn có 40.820 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2020 tăng trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (14.682 doanh nghiệp); xây dựng (6.003 doanh nghiệp); công nghiệp chế biến, chế tạo (4.991 doanh nghiệp); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.678 doanh nghiệp); dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.383 doanh nghiệp); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.197 doanh nghiệp)...

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, những lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

Ngoài ra, trong 11 tháng đầu năm 2020, cả nước còn có 93.490 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 44.440 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019; 33.607 doanh nghiệp chờ giải thể, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019; 15.443 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019./.