Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2024 của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 ổn định. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước.

Lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.

Tháng 8/2024, CPI ổn định so với tháng trước
Tháng 8/2024, CPI ổn định so với tháng trước

Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%

Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức vào ngày 3/7/2024, dự báo diễn biến nửa cuối năm 2024, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, CPI đạt đỉnh cỡ tháng 7, 8/2024, sau đó giảm dần.

Trung bình cả năm 2024, theo ông Độ, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).

Còn PGS, TS. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, đưa ra 2 kịch bản dự báo.

Kịch bản 1: CPI bình quân ở khoảng 3,95% (+0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.

Kịch bản 2: CPI bình quân ở khoảng 3,95% (-0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.

Để kiềm chế lạm phát nửa cuối năm, đảm bảo thực hiện mục tiêu CPI bình quân từ mức 4%-4,5% trong năm 2024, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng. Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát.

Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Các bộ, ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm 2024 (thời điểm chuẩn bị Tết âm lịch 2025), hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát./.