Thanh Hóa phát triển kinh tế bền vững: nhìn từ góc độ chính sách logistics
Từ khóa: logistics, Thanh Hóa, tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững
Summary
Thanh Hoa has many potentials and advantages in logistics development - a breakthrough in economic growth for the province to become a "development engine" in the North Central and Central Coast regions. The article stands from the perspective of the logistics development policy of Thanh Hoa province to analyze the economic development conditions and compare with the practical economic growth of the province, pointing out the bottlenecks and thereby proposing some solutions to contribute to realizing the sustainable development goal of Thanh Hoa province in the North Central and Central Coast regions by 2030, with a vision to 2045.
Keywords: logistics, Thanh Hoa, economic growth, sustainable development
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thanh Hóa, với vị trí chiến lược khi nằm ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và phía Nam đất nước, có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện. Giai đoạn này chứng kiến kinh tế tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh đạt 12,1%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước. Tính riêng năm 2022, vận tải hàng hóa trên địa bàn Tỉnh đạt 55,324 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó, qua cảng Nghi Sơn đạt 43,35 triệu tấn. 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 36 triệu tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 1.617,7 triệu tấn/km, tăng 19,7% so với cùng kỳ [1].
Ở bước phát triển mới, Thanh Hóa đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Để đạt được mục tiêu đề ra, Tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Theo đó, quan điểm phát triển của Tỉnh là chú trọng phát triển theo chiều sâu và phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Trong giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị tăng cao làm nền tảng; phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa có thể coi là kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc phát triển dịch vụ logistics - động lực phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh. Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, cũng như đảm bảo chất lượng và hiệu quả sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển bền vững. Việc phát triển nhanh, ổn định và có tầm nhìn dài hạn, nhất là phát triển hệ thống logistics tỉnh Thanh Hóa không chỉ nâng cao năng lực và chất lượng hệ thống logistics, mà còn góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đánh giá mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa từ góc độ chính sách logistics là rất cần thiết, góp phần đưa ra những giải pháp phù hợp phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và tăng trưởng kinh tế bền vững của Tỉnh nói chung.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG TỪ GÓC ĐỘ NGÀNH LOGISTICS Ở TỈNH THANH HÓA
Các điều kiện để Thanh Hóa phát triển kinh tế bền vững
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), trải dài trên 1.000 km bờ biển và với tổng diện tích 95.871,9 km2, chiếm 28,9% diện tích tự nhiên cả nước, dân số gần 20 triệu người, chiếm 21,3% dân số của cả nước... Cơ cấu kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp có xu hướng giảm. Trong đó, vị trí địa lý của tỉnh Thanh Hóa nằm ở điểm cuối của Bắc Bộ, đầu Trung Bộ, thuộc vùng Tây Bắc nối dài và có vị trí mở, cửa ngõ vào Nam ra Bắc, đồng thời, còn là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế. Do đó, Thanh Hóa hội tụ các điều kiện, tiền đề cho việc hình thành và phát triển các trung tâm trung chuyển hàng hóa của cả nước và quốc tế. Hiện tại, Thanh Hóa còn nhiều dư địa, điều kiện cho tăng trưởng và phát triển bền vững, tương xứng với vị trí chiến lược kinh tế, quân sự quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, được biểu hiện ra ở những mặt sau:
- Thanh Hóa có vị trị đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với cả khu vực miền Trung. Nằm ở Vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Thanh Hóa có bờ biển dài hơn 102 km/1.000 km và sở hữu một hệ thống cảng biển quan trọng đối với phát triển kinh tế, phát triển logistics, như: các cảng Nghi Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Khánh Hòa, Cà Ná, Bình Thuận… Đây chính là những tiền đề quan trọng cho phát triển hệ thống logistics nói chung và đầu tư xây dựng các bất động sản logistics bảo đảm cho tăng trưởng bền vững và đồng thời cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.
- Nằm ở trung điểm đất nước, Thanh Hóa có vị trí địa lý thuận lợi trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không với hệ thống giao thông đường bộ kết nối với cả nước. Thanh Hóa hội tụ các điều kiện, tiền đề cho việc hình thành và phát triển các trung tâm trung chuyển hàng hóa của cả nước và quốc tế.
- Cùng với toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Thanh hóa có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong hoạt động logistics, như: du lịch, dịch vụ xuất nhập khẩu, hậu cần nghề cá, dầu khí, vận tải, phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và sau cảng, sữa chữa tàu biển…
- Lợi thế của một tỉnh ven biển, có bờ biển dài 102 km và vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, Thanh Hóa có tới 9 bãi biển, trong đó có các bãi biển nổi tiếng, như: bãi biển Sầm Sơn, bãi biển Hải Tiến, bãi biển Hải Hòa... Án ngữ ngoài khơi là các đảo và quần đảo Hòn Nẹ, Hòn Mê, đảo Biện Sơn tạo thành nét độc đáo. Đó không chỉ là tiềm năng phát triển du lịch nghỉ mát tắm biển, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch thể thao giải trí với các loại hình, như: lặn biển, câu cá, lướt ván, du thuyền… mà còn cho phép Thanh Hóa phát triển du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch sinh thái kết hợp khám phá đời sống địa phương, du lịch cộng đồng… Tuy nhiên, những lợi thế này chỉ có thể phát huy và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, khi và chỉ khi Thanh Hóa có thể kết nối với những bãi tắm đẹp khác, như: Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Mỹ Khê… của vùng Duyên hải miền Trung và xây dựng được một hệ thống logstics du lịch, hệ thống logistics biển đảo phát triển tương xứng với tiềm năng - điểm tựa hậu cần vững chắc cho tăng trưởng bền vững các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa, cũng như của vùng Duyên hải miền Trung.
- Việc hình thành các chuỗi đô thị ven biển (Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Đồng Hới, Chân Mây - Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang…) và cùng với sự phát triển các khu kinh tế ven biển trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ tạo điều kiện cho việc thiết lập và mở rộng liên kết kinh tế giữa các địa phương với Thanh Hóa. Nhưng, điều này chỉ thành được hiện thực hóa khi mà vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và tỉnh Thanh Hóa quy hoạch, xây dựng được một mạng lưới bất động sản logistics hoàn chỉnh ở trên các hành lang kinh tế, các địa bàn có khả năng kết nối quy mô Vùng cao.
Những thành tựu trong phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa
Những năm qua, Thanh Hóa đã và đang khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế, cũng như huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Trong nhiều năn liên tiếp, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước (sau các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ), cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ; Thu ngân sách của tỉnh đạt 51.000 tỷ đồng, cao gấp 3,9 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010, đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước; Thành lập mới trên 3.600 doanh nghiệp, vượt 20% so với kế hoạch, đứng thứ 6 cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD.
Điểm nổi bật trong phát triển của Thanh Hóa đó chính là sự khởi sắc về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Theo số liệu thống kê năm 2022, đã đánh dấu sự tăng trưởng tốt của ngành công nghiệp, tăng 17,88% so với năm 2021. Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, một số lĩnh vực phát triển mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 vượt 18,8% kế hoạch và tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,5 lần); Tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021. Các dịch vụ về vận tải, bưu chính - viễn thông, ngân hàng... tiếp tục có bước phát triển nhanh, mạng lưới ngày một mở rộng, loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.
Năm 2022, giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD, bằng 96,8% kế hoạch và tăng 1,6%; Giá trị nhập khẩu ước đạt 9.272,8 triệu USD, tăng 30,1%. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 16.199 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách 28,3 triệu người, tăng 32,7% về hành khách vận chuyển. Vận chuyển hàng hóa đạt 60,8 triệu tấn, luân chuyển hàng hóa đạt 2.731,1 triệu tấn.km, tăng 11,4% về hàng hóa vận chuyển và tăng 8,6% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ [1].
Xem xét ở góc độ logistics, Thanh Hóa trong những năm qua, đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là cảng biển và các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Khu kinh tế Nghi Sơn có Cảng nước sâu Nghi Sơn lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Cảng container quốc tế Nghi Sơn có tiềm năng phát triển để thu hút các chủ hàng của Tỉnh và trong Vùng sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn. Như vậy, nếu vận hành tốt các điều kiện của hạ tầng logistics hiện có, Thanh Hóa có thể tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các hãng vận tải biển lớn, các doanh nghiệp logistics trong và nước ngoài có năng lực hoạt động xuất, nhập khẩu tại khu kinh tế Nghi Sơn.
Cảng Nghi Sơn - Thanh Hóa |
Những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế ở Thanh Hóa
Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng bức tranh kinh tế của Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển; công nghệ sản xuất công nghiệp chậm đổi mới, chủ yếu vẫn là sản xuất sơ chế và gia công, giá trị gia tăng thấp, ngoại trừ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, chưa chú trọng chế biến sâu, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu; dịch vụ du lịch, kinh tế biển phát triển nhưng vẫn chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương; môi trường kinh doanh tuy có cải thiện, nhưng lại thiếu môi trường logistics để thu hút đầu tư và gia tăng giá trị sản phẩm cho địa phương...; hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng logistics chưa được quan tâm phát triển đúng mức...
Hiện nay cả nước có tới 425 khu công nghiệp với gần 114 ngàn ha, trong đó Thanh Hóa có 08 khu công nghiệp với 5.160,94 ha, nhưng lại không có một khu công nghiệp logistics hay trung tâm logistics nào tại các trung tâm kinh tế và trên các hành lang kinh tế. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lý do những hạn chế vì thiếu hạn tầng logistics không những làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm mà còn khiến gia tăng sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Đây chính là ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến phát triển kinh tế bền vững của Tỉnh, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất. Rõ ràng, sự kém phát triển của hệ thống logistics của tỉnh Thanh Hóa đang tác động đến giá trị gia tăng của sản phẩm trong khâu phân phối, lưu thông hàng hóa, kìm hãm phát triển kinh tế du lịch và tăng trưởng tiêu dùng nội địa, cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, xuất nhập khẩu của Tỉnh và thu nhập doanh nghiệp... Như vậy, ở góc nhìn logistics, những hạn chế trong phát triển hạ tầng logistics đã và đang khiến mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa thiếu hiệu quả, chưa đảm bảo được tính kết nối, lan tỏa và bền vững.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để các chính sách phát triển ngành logistics trở thành động lực tăng trưởng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Thanh Hóa cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hình thành tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhằm bảo đảm đồng bộ các yếu tố cho phát triển kinh tế bền vững. Không nên coi logistics chỉ là dịch vụ vận tải hay dịch vụ giao nhận đơn thuần mà cần được hiểu rộng hơn theo hướng logistics là mắt xích trong mô hình tăng trưởng, chuỗi giá trị của sản xuất, “bàn tay hữu hình” điều tiết thị trường, một ngành dịch vụ hạ tầng bảo đảm cho phát triển kinh tế bền vững. Tỉnh cần sử dụng các phương tiện truyền thông để tăng cường quảng bá rộng rãi về vai trò, tầm quan trọng của logistics, doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Thứ hai, cần rà soát để sửa đổi và bổ sung kịp thời các chính sách của Tỉnh về phát triển các ngành dịch vụ hạ tầng, như: giao thông, thương mại, thông tin truyền thông, tài chính, đặc biệt là đối với ngành logistics - nhân tố hậu cần trực tiếp cho sản xuất - thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển kinh tế bền vững của Thanh Hóa. Đẩy nhanh thực hiện phương án phát triển các trung tâm logistics và hệ thống cảng cạn trêm địa bàn Tỉnh tích hợp với phát triển các hạ tầng kinh tế khác, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.
Thứ ba, cần xây dựng và đưa vào vận hành các bất động sản logistics, ưu tiên xây dựng các trung tâm logistics trên các hành lang kinh tế, Quốc lộ 1A, xem xét kết nối đường sắt quốc gia với cảng Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Thanh hóa và cả vùng Duyên hải miền Trung, các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với Lào… để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động tiếp tục sản xuất trong khâu lưu thông, phát triển vai trò “động lực phát triển” vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đồng thời, xây dựng các khu công nghiệp logistics, cụm logistics trên địa bàn Thanh Hóa để kết nối các địa phương trong Tỉnh, trong Vùng nhằm thực hiện hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về logistics, góp phần vào gia tăng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương.
Thứ tư, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng cho hệ thống logistics biển, hệ thống logistics du lịch, đặc biệt đầu tư vào các hạ tầng logistics kết nối hệ thống hạ tầng giao thông gồm: đường biển, đường sắt, đường bộ, hàng không... Hệ thống này phải được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại và phải được kết nối thông qua các trung tâm logistics, kết nối với các cảng biển, các khu kinh tế biển… Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn tuyến đường vận tải ven biển, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường sắt nối với cảng biển, làm tiền đề vững chắc cho bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và phát triển kinh tế biển đảo, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics cho tỉnh Thanh Hóa và các địa phương vùng Duyên hải miền Trung để đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển. Các cơ sở đào tạo hướng nghiệp của tỉnh Thanh hóa cần đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về logistics, thành lập khoa logistics, chuyên ngành đào tạo logistics./.
GS,TS. Đặng Đình Đào, TS. Nguyễn Phương Lan, ThS. NCS Mai Tùng Mẫn
Trường Đại học Thủy Lợi
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19, tháng 7/2023)
1. Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2022.
2. Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2023.
3. Đặng Đình Đào (2019), Dịch vụ Logistics ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, Nxb Lao động - Xã hội.
4 . Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2021, Nxb Thống kê.
5. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1012/QĐ-TTg, ngày 3/7/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
6. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 2072/QĐ-TTg, ngày 22/2/2017 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Bình luận