Thất nghiệp tăng, doanh nghiệp thiếu lao động: Giải pháp nào trở lại cân bằng?
Khi đặt con số tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm quý III và 9 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29/9/2021 và bản công bố mới đây thì thấy có sự khác biệt. Vì sao vậy, thưa ông?
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê |
Ngày 29/9/2021, Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2021, trong đó có một số chỉ tiêu chỉ tiêu ước tính của thị trường lao động, như số người có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm lần lượt là là 3,72% và 4,39%.
Tại thời điểm công bố các chỉ tiêu thống kê về thị trường lao động, một số địa bàn chọn mẫu của các tỉnh tâm dịch Vùng Đông Nam bộ và hơn nửa số địa bàn của TP. Hồ Chí Minh điều tra viên chưa thu thập được thông tin, do chưa tiếp cận được hộ vì các quy định của Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn hiệu lực. Lúc đó, Tổng cục Thống kê đã phải sử dụng các kỹ thuật để ước tính các chỉ tiêu.
Đến ngày 1/10, TP. Hồ Chí Minh được nới lỏng giãn cách, Tổng cục Thống kê đã chỉ đạo điều tra bổ sung các địa bàn còn thiếu. Sau khi sơ bộ tính toán lại, một số chỉ tiêu thống kê về tình hình lao động việc làm của toàn quốc nói chung và đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh có thay đổi. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi sơ bộ sau khi tính lại là 3,98%, cao hơn con số đã công bố 0,26 điểm phần trăm. Một số chỉ tiêu khác cũng có thay đổi tương tự. Tuy nhiên về xu hướng và động thái của toàn bộ thị trường thì không thay đổi.
Hàng vạn lao động đã rời TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương vì đại dịch bùng phát nhưng bây giờ, khi đại dịch được kiểm soát, người lao động tiếp tục “hồi hương”. Xin ông cho biết, những lao động này sẽ được tính vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc, ra khỏi lực lượng lao động hay tính vào khu vực nào?
Theo số liệu báo cáo nhanh của Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/9/2021, cả nước có khoảng 1,3 triệu người trở về từ các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng của đại dịch lần thứ 4 tại Việt Nam. Trong số này có 36% là nữ và 72% từ 15 tuổi trở lên. Trong số 1,3 triệu người di cư quay về có khoảng 324 nghìn người trở về từ thủ đô Hà Nội; 292 nghìn người về từ TP. Hồ Chí Minh, khoảng 233 nghìn người về từ các tỉnh phía Nam khác TP. Hồ Chí Minh và khoảng 450 nghìn người về từ các tỉnh, thành phố khác.
Trong số những người 15 tuổi trở lên có 34% là đang làm việc (320,7 nghìn người); (359,6 nghìn người chiếm 38%) thất nghiệp, mất việc, không được làm việc do phải cách ly, giãn cách ; khoảng 16,2% không có nhu cầu làm việc vì nhiều lý do.
Về cơ bản, những con số này đã được phản ánh phần nào trong số liệu lao động việc làm quý III năm 2021. Sang quý IV năm 2021, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục thực hiện điều tra lao động việc làm để thu thập thông tin thống kê về thị trường lao động trong quý IV và cả năm. Các thông tin về tình trạng việc làm của người lao động trở về địa phương sẽ được thu thập và được tính toán vào bức tranh chung của nền kinh tế.
Sau thời gian giãn cách, tình trạng tài chính của tuyệt đại đa số công nhân là cạn kiệt. Nay, khi doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, đáng ra người lao động phải ở lại làm việc để có thu nhập, nhưng vì sao có quá nhiều người vẫn quyết định vượt hàng ngàn km để trở về quê?
Đại dịch khiến hàng triệu người chọn cách về quê, dù không có việc làm nhưng tạm thời vẫn có gia đình và những người thân, họ hàng đùm bọc |
Lý do nhiều người lao động vẫn quyết định vượt hàng ngàn km về quê có thể vì biến thể Covid-19 quá nhanh, quá nguy hiểm. Thực tế này khiến các chủ trương, chính sách đưa ra có phần lúng túng và bị động. Chính sách tại các địa phương không nhất quán, mỗi địa phương có một quy định khiến doanh nghiệp và người lao động cũng bị động. Bản thân các doanh nghiệp cũng bị động và chưa có kế hoạch cụ thể về thực hiện sản xuất kinh doanh.
Tất cả diễn biến trên đều ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động, dẫn đến tâm lý lo sợ, bất an trong đại đa số đối tượng này.
Cần phải biết rằng, lao động trong nền kinh tế bao gồm cả lao động tự do, lao động tự làm. Khi các chính sách nới lỏng giãn cách chưa được cụ thể và chưa rõ ràng thì việc làm của họ vẫn chưa thể trở lại bình thường. Sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ sẽ quyết định về quê vì đối với nhiều người, quê nhà vẫn là điểm tựa an toàn. Dòng người lao động tự do về quê lan tỏa và ảnh hưởng đến cả những lao động chính thức trong các doanh nghiệp và khu công nghiệp. Họ chấp nhận không có việc làm, nhưng tạm thời vẫn có gia đình và những người thân, họ hàng đùm bọc nhau.
Với thực tế quý III/2021 rất nhiều dân lao động về quê, ông bình luận thế nào về khả năng thiếu hụt lao động, nhất là tại những tỉnh phía Nam trong thời gian tới?
Đại dịch Covid diễn biến kéo dài cùng với việc thực hiện các Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn. Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động đáp ứng nhu cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6% và ở một số ngành như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).
Theo số liệu báo cáo nhanh của Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đa phần những người di cư quay về họ đều trong tình trạng đang làm việc hoặc thất nghiệp. Đây chính là lực lượng lao động tại các tỉnh trước khi họ quay về quê. Tình trạng lao động di cư quay về quê dẫn đến việc cả nơi đi và nơi đến đều phải đối mặt với bài toán lao động. Nơi bị thiếu hụt lao động (nơi đi) thì là bài toán thiếu và nơi quay về thì là bài toán thừa, do chưa sắp xếp bố trí được công ăn việc làm cho người lao động.
Thu nhập và điều kiện sống của công nhân, người lao động tại khu vực Đông Nam bộ trước và trong dịch Covid-19 được Tổng cục Thống kê ghi nhận như thế nào, thưa ông?
Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. So với quý II năm trước - quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 - mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III năm nay thậm chí bị thấp hơn nhiều (thấp hơn 329 nghìn đồng). Đây là mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.
Lao động tại vùng Đông Nam Bộ bị sụt giảm thu nhập nhiều nhất. Quý III năm 2021, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng (giảm tương ứng 29,8%) so với quý trước và giảm 1,9 triệu đồng (giảm tương ứng 24,9%) so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu nhất, giảm 2,6 triệu đồng (giảm tương ứng 31,0%) so với quý trước và giảm 2,5 triệu đồng (giảm tương ứng 30,3%) so với cùng kỳ năm trước.
So với lao động ở TP. Hồ Chí Minh, lao động ở Hà Nội chịu tác động nhẹ hơn rất nhiều. Mức thu nhập bình quân của người lao động Thủ đô là 7,0 triệu đồng/người, giảm khoảng 1,0 triệu/người, (giảm tương ứng 12,5%) so với quý trước và giảm 342 nghìn đồng, giảm tương ứng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mức thu nhập của người lao động tính bình quân cho số người có việc làm thì chỉ giảm khoảng 600 nghìn so với cùng kỳ năm trước, ở TP. Hồ Chí Minh giảm 2,6 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả những người bị mất việc và buộc phải rời khỏi lực lượng lao động (mức thu nhập của họ giờ bằng 0) thì thu nhập bình quân của người lao động nói chung còn giảm xuống thấp hơn nữa. Đó là so với năm 2020, khi đại dịch bắt đầu hoành hành. Nếu so với trước khi không có dịch và kỳ vọng tăng thu nhập theo năm thì khoảng bị hụt lớn hơn rất nhiều.
Theo ông, tổ chức công đoàn, giới chủ, chính quyền địa phương và cả Chính phủ cần có giải pháp gì để khuyến khích lao động quay trở lại làm việc?
Trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ thiếu hụt lao động là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính phủ đã nhận thức được các khó khăn này và đã nghiên cứu, ban hành hàng loạt chính sách để phục hồi kinh tế, thu hút lao động. Theo đó, việc cần làm lúc này là triển khai, thực hiện tốt, đồng bộ các chính sách Chính phủ đã ban hành.
Ở cấp Chính phủ, tôi nghĩ, việc cần nhất là tiếp tục các nỗ lực bao phủ vaccine sớm cho toàn dân; cân nhắc một số đòn bẩy kinh tế, triển khai và đưa các gói kích thích nền kinh tế vào thực thi. Ở cấp địa phương, cần nhất là thực thi chính sách phải nhất quán, công khai trong chống dịch; đẩy mạnh, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động như gói 38 nghìn tỷ đồng đã có. Với các doanh nghiệp, cần tuyên truyền, thu hút lao động trở lại làm việc với nhiều hình thức như tăng phúc lợi xã hội (tăng lương, thưởng, đảm bảo điều kiện lao động an toàn…)./.
Bình luận