Thấy gì từ GDP dưới góc độ sử dụng?
Thấy gì từ GDP quý I/2023 dưới góc độ sử dụng?
Đóng góp của chênh lệch xuất/nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ
Đây là khoản đóng góp lớn nhất (1,78 điểm phần trăm, chiếm 53,75% vào tốc độ tăng GDP của quý I/2023).
Xuất/nhập khẩu bao gồm xuất, nhập khẩu hàng hóa và xuất, nhập khẩu dịch vụ. Trong quý I/2023, xuất khẩu hàng hóa đạt 79.170 triệu USD, giảm 11,9% hay giảm 10.644 triệu USD so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa đạt 75.100 triệu USD, giảm 14,7%, hay giảm 12.942 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Do tốc độ giảm và mức giảm của nhập khẩu nhiều hơn của xuất khẩu, nên đã xuất siêu cao hơn cùng kỳ năm trước cả về mức xuất siêu (4.070 triệu USD so với 1.772 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (5,1% so với 0,2%).
Trong quý I/2023, xuất khẩu dịch vụ đạt 5.443 triệu USD, tăng 238,3%, hay tăng 3.834 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đạt 5.659 triệu USD, giảm 4,3% hay giảm 254 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023. Do xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm, nên nhập siêu dịch vụ quý I năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước về mức tuyệt đối (216 triệu USD so với 4.304 triệu USD.
Tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng GDP (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Tính chung trong quý I/2023, nhập khẩu, xuất khẩu cả hàng hóa và dịch vụ đạt 84.618 triệu USD, giảm 7,4%, hay giảm 6.810 triệu USD; nhập khẩu đạt 80.759 triệu USD, giảm 16% hay giảm 13.196 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Do nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu, nên tính chung cả hàng hóa và dịch vụ đạt xuất siêu 3.854 triệu USD, tỷ lệ xuất siêu đạt gần 4,6%, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 2.532 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu gần 2,8%.
Với mức xuất siêu khá của hàng hóa và dịch vụ, ngược chiều với nhập siêu của cùng kỳ năm trước đã đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là tỷ trọng lớn nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Đóng góp của tiêu dùng cuối cùng
Đây là khoản đóng góp lớn thứ hai, đóng góp 1,53 điểm phần trăm, chiếm 46,11% vào tốc độ tăng GDP của quý I/2023. Tiêu dùng cuối cùng bao gồm: tiêu dùng sản phẩm tự cung tự cấp và tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường. Tiêu dùng sản phẩm tự cung tự cấp trước đây trong điều kiện bình thường đã giảm xuống dưới 10%, trong thời gian đại dịch (2020, 2021) đã tăng lên trên 10%, nhưng từ 2022 đã giảm xuống dưới 10%. Theo đó, tỷ trọng tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường- tức tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) tăng lên trên 90%. Cũng vì thế mà TMBL đã tăng cao từ năm 2022 (năm 2020 chỉ tăng 1,7%, loại trừ giá giảm 1,5%; năm 2021 giảm 3,8%, loại trừ giá giảm 6,7%). Với gốc so sánh thấp như trên, năm 2022 tính theo giá thực tế đã tăng tới 19,8%, loại trừ giá cũng tới 15,6%- cao gấp 5 lần tốc độ tăng CPI 3,15%, quý I/2023 tính theo giá thực tế tăng khá cao (13,9%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng 5% của cùng kỳ), nếu loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 2 chữ số (10,3%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng 2% của cùng kỳ năm trước). Điều đó chứng tỏ tiêu dùng cuối cùng tiếp tục được phục hồi, nhờ thu nhập tăng, kéo nhu cầu tiêu dùng tăng, nhất là du lịch lữ hành cao gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2022, Cụ thể, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4%, dịch vụ khác tăng 17,6%.
Tiêu dùng cuối cùng tiếp tục được phục hồi, nhờ thu nhập tăng, kéo nhu cầu tiêu dùng tăng |
Tuy nhiên, tiêu dùng cuối cùng tăng cao còn do số gốc so sánh là năm 2020, 2021 và quý I/2022 thấp; tăng cao còn do các khoản dịch vụ tăng, nhưng có một phần lượng tiền còn bị “hút” vào tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, còn được “chảy" vào gửi tiết kiệm khi lãi suất tăng cao đạt thực dương khá từ giữa năm 2022 và đến gần đây mới giảm, chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Tâm lý tiết kiệm, “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng” ở một bộ phận lớn dân cư, nhất là người nghèo, cận nghèo, lao động ở những doanh nghiệp bị giải thể, tạm ngừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh hiện nhiều hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, quay trở lại hoạt động (60,2 nghìn doanh nghiệp so với 57 nghìn doanh nghiệp)…
Đóng góp của tích lũy tài sản
Tích lũy tài sản là tiền đề của đầu tư, mà đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng.
Khoản này đóng góp thấp nhất trong 3 khoản sử dụng GDP, chỉ đóng góp khoảng 0,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GDP, do chỉ tăng dưới 0,05%.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I/2023 đạt 583,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7%, thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của GDP giá thực tế (7,9%). Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bao gồm 3 nguồn chủ yếu.
Nguồn từ khu vực nhà nước trong quý I/2023 đạt 153 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, cao hơn tỷ trọng tương ứng 24,4% của cùng kỳ năm trước, tăng 11,5%, cao hơn tốc độ tăng của tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đây là kết quả tích cực của nguồn vốn từ khu vực Nhà nước. Nguồn vốn này bao gồm một số khoản. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 91,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tăng 18,1%, trong đó phần Trung ương quản lý tăng cao hơn (33,4%)- tăng cao nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, tiếp đến là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; một số bộ khác tăng thấp hơn, riêng các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghiệp bị giảm; phần do địa phương quản lý tăng thấp hơn, tăng cao nhất là Hòa Bình, Bình Dương, Đắk Lắk, Hưng Yên, Hà Giang, Cần Thơ, An Giang, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai, Hải Phòng… Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện kế hoạch cả năm còn thấp (13,4%), do phần vốn Trung ương quản lý còn thấp hơn (12,9%), trong đó một số bộ, ngành còn thấp hơn nữa, như: Giáo dục- Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; phần vốn do địa phương quản lý đạt cao hơn (13,5%), nhưng một số địa phương thực hiện thấp, như: Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương, Hòa Bình… Vốn trái phiếu Chính phủ cùng kỳ năm trước thực hiện đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, nhưng quý I năm nay chưa thực hiện. Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước chỉ đạt 8,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ (1,44%) và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,5% và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (vốn tự có) đạt 14,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,4% và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 328,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,4%, lớn nhất trong 3 nguồn, nhưng chỉ tăng 1,8%- thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng chung. Có 3 yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng thấp này: Tỷ suất lợi nhuận thấp chưa hấp dẫn đầu tư; có một phần không nhỏ bị “chôn” vào bất động sản, tiền ảo, vàng, trái phiếu doanh nghiệp; có một lượng được gửi tiết kiệm tranh thủ mức lãi suất cao. Đây là một trong những yếu tố làm cho số doanh nghiệp rời khỏi hoặc tạm thời rời khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp tham gia vào thị trường.
Trong quý I/2023, nếu tính bằng USD, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% (cấp mới 3,02 tỷ USD, giảm 5,9%; điều chỉnh 1,21 tỷ USD, giảm 70,3%; góp vốn, mua cổ phần 1,22 tỷ USD, giảm 25,5%); thực hiện đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP bị giảm. Với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 583,1 nghìn tỷ đồng, với GDP giá thực tế đạt 2.300,9 nghìn tỷ đồng, thì tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP quý I/2023 đạt 25,3%, thấp hơn tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ năm trước (26,4%). Nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ và khẩn trương, thì khả năng cả năm 2023 sẽ khó đạt được như các tỷ lệ của các năm trước (bình quân thời kỳ 2016-2020 đạt 34,6%; năm 2021 đạt 34,1%; ước 2022 đạt 33,8%). Khi tỷ lệ này thấp và giảm, thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Hiệu quả đầu tư, nếu năm 2022 đã đạt khá, khi hệ số ICOR năm 2022 đã thấp hơn nhiều 2 năm trước (dưới 6 lần so với 14,27 lần của năm 2020 và 15,54 lần của năm 2021), thì năm nay hiệu quả có thể sẽ giảm xuống. Dự đoán này xuất phát từ dấu hiệu khi suất đầu tư tăng trong quý I năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP của quý I năm nay đạt 25,3%, với tốc độ tăng GDP đạt 3,32%, thì suất đầu tư tăng trưởng lên tới 7,63 lần, cao hơn nhiều so với suất đầu tư tăng trưởng của cùng kỳ năm trước (5,25 lần).
Cần giải quyết những "điểm nóng"
Từ diễn biến của quý I/2023, có một số vấn đề cần giải quyết. Theo đó, cần tăng lượng vốn đầu tư từ các nguồn để tăng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP. Đẩy nhanh thực hiện các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; kiểm tra, có sự điều chỉnh cần thiết, quyết liệt, nhanh chóng để tận dụng quy mô nguồn vốn này theo kế hoạch tăng cao.
Khuyến khích khởi nghiệp, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm thiểu số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp đang hoạt đông… bằng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất cho vay, thực hiện nhanh và đầy đủ gói hỗ trợ lãi suất…
Có giải pháp ngăn chặn tình trạng giảm vốn, cần tăng nhanh việc hút vốn đầu tư nước ngoài. Nâng cao hiệu quả đầu tư bằng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tiến độ thi công, giảm thiểu lãng phí thất thoát…/.
Bình luận