Thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên vũ trụ 4.0; Việt Nam tiếp tục phát triển vệ tinh quan sát Trái đất
Vệ tinh VINASAT của Việt Nam đang quan sát Trái đất |
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, năm 2020, nền kinh tế vũ trụ toàn cầu tăng 4,4% lên 447 tỷ USD với sự tham gia của rất nhiều quốc gia. Ngân hàng Bank of America kỳ vọng, nền kinh tế này đang phát triển sẽ tăng hơn gấp 3 quy mô trong thập kỷ tới. Cụ thể, ngân hàng này dự báo, kinh tế vũ trụ sẽ phát triển để trở thành một thị trường trị giá 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Công nghệ vũ trụ đang bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thương mại hoá, hội nhập và đổi mới. Khác với ngành vũ trụ truyền thống, kỷ nguyên vũ trụ 4.0 (Newspace) có sự tham gia của nhiều tập đoàn tư nhân lớn (SpaceX, Amazon, Facebook…) với hàng loạt những dự án lớn.
Với sự tham gia này, các ứng dụng công nghệ không gian mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như: Du hành vũ trụ, công nghệ truyền thông sử dụng vệ tinh ở quỹ đạo thấp, ứng dụng IoT trên hệ thống vệ tinh và thiết bị mặt đất, kích thước các vệ tinh cũng ngày càng được thu nhỏ, số lượng vệ tinh trong các chùm và siêu chùm tăng lên nhanh chóng, các dự án start-up về vệ tinh hướng đến cung cấp ứng dụng và giải pháp trực tiếp cho người dùng.
Cũng theo TS. Phạm Anh Tuấn, công nghệ vũ trụ ngày càng đóng vai trò quan trọng, cung cấp nhiều dịch vụ và giải pháp giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng. Có thể kể đến như: Công nghệ vệ tinh viễn thông hỗ trợ việc kết nối và hỗ trợ các giao dịch thương mại; công nghệ định vị địa lý mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế và quân sự cũng như lợi ích khác (cứu hộ cứu nạn, cảnh báo thiên tai…); công nghệ quan sát trái đất (EO) từ vũ trụ và các ứng dụng của nó đã trở thành công cụ không thể thiếu để ứng phó với thảm họa, bảo tồn môi trường, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý thời tiết, cung cấp dịch vụ y tế từ xa và quản lý các hoạt động nông nghiệp...
Công nghệ vũ trụ cũng thể hiện vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 được ghi nhận trong "Chương trình nghị sự phát triển bền vững" của Liên Hợp Quốc, thông qua công nghệ quan sát trái đất (EO) và các dịch vụ vệ tinh định vị địa lý (GNSS).
PGS.TS Phạm Anh Tuấn |
Tại Việt Nam, ngày 4/2/2021, Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vũ trụ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở đường cho sự phát triển về KH&CN vũ trụ trong giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án "Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ", để từng bước thực hiện các mục tiêu đưa ra của chiến lược vũ trụ.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: "Ứng dụng rộng rãi thành tựu của KH&CN vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác".
Chiến lược vũ trụ tới năm 2030 cũng đề xuất đến một số mục tiêu như: Làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, radar cho vệ tinh quan sát Trái đất; lắp ráp, tích hợp, kiểm tra ở trong nước vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao; làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát đáp cho vệ tinh viễn thông; bảo đảm dung lượng truyền dẫn qua vệ tinh một cách hiệu quả, đặc biệt đáp ứng nhu cầu cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, chủ động, kịp thời giám sát, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các hoạt động, biến đổi của thiên nhiên, các biến động xã hội trên diện rộng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; bảo đảm tính thời sự của dữ liệu bản đồ, hệ thống thông tin địa lý, dữ liệu tài nguyên, môi trường phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, cung cấp nền tảng số cho phát triển đa dạng dịch vụ.
TS. Phạm Anh Tuấn nhận định, thông qua Đề án, một bức tranh toàn cảnh về nhu cầu, năng lực của Việt Nam về lĩnh vực quan sát trái đất sẽ được tổng hợp và xây dựng.
Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu vệ tinh thương mại VINASAT-1, VINASAT-2 và VNREDSat-1 trên quỹ đạo. Trong thời gian sắp tới, TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào dòng vệ tinh quan sát trái đất tương tự như VNREDsat-1. Tuy nhiên, các vệ tinh viễn thông như VINASAT-1, 2 trên quỹ đạo địa tĩnh cũng cực kỳ quan trọng và việc triển khai phát triển các vệ tinh tiếp theo để bảo đảm giữ chủ quyền trên quỹ đạo rất cần thiết ở giai đoạn này vì các vệ tinh này đã vào giai đoạn cuối của thời gian hoạt động.
Đối với vệ tinh quan sát trái đất, do hiện tại chúng ta còn giới hạn về trình độ và công nghệ, cơ sở hạ tầng hay nguồn nhân lực chất lượng cao nên trong thời gian trước mắt, việc mua các vệ tinh này vẫn rất cần thiết để bảo đảm nhu cầu quốc gia.
Việc phát triển hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất, theo TS. Phạm Anh Tuấn, sẽ giúp chúng ta tăng cường năng lực quan sát Trái đất, phục vụ nhiều lĩnh vực. Đối với phục vụ an ninh quốc phòng, sẽ bảo đảm việc chủ động nguồn ảnh, chủ động và giữ bí mật trong việc thực hiện giám sát mục tiêu, nhất là trong những tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Hiện nay mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 1% GDP do thiên tai, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD. Trong khi đó, công nghệ vệ tinh quan sát trái đất được coi là một trong những công nghệ có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong các ứng dụng của công nghệ vũ trụ góp phần hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của một quốc gia đã được Liên Hợp Quốc đưa ra.
Đề án cũng đưa những ứng dụng công nghệ quan sát trái đất vào các hoạt động của đời sống kinh tế-xã hội; hỗ trợ việc quản lý, giám sát độc lập của cơ quan Chính phủ, của Quốc hội; hỗ trợ xây dựng quy hoạch… Đây cũng là cơ hội lớn để phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn và xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng chuyên ngành./.
Bình luận