Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN, ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, riêng đối với các loại thép hợp kim ở dạng thỏi đúc hoặc dạng thô, bán thành phẩm muốn nhập khẩu cần phải bổ sung thêm bản kê khai thép nhập khẩu và bản sao giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép của Bộ Công Thương xác nhận.

Cơ quan hải quan cũng có trách nhiệm giám sát, thống kê tình hình nhập khẩu thép và cung cấp số liệu ngân hàng hằng quý. Bên cạnh đó, thông tư này còn quy định các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm thép phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và các yêu cầu kỹ thuật không được thấp hơn quy định tại tiêu chuẩn quốc gia tương ứng của Việt Nam.

Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở phải có các yêu cầu kỹ thuật không được thấp hơn quy định tương ứng của nước xuất khẩu hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, từ ngày 22/03/2016, sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam cũng bị áp mức thuế tự vệ tạm thời lần lượt là 23,3% và 14,2%. Thời gian áp dụng mức thuế này trong vòng 200 ngày.

Đây là quy định của Bộ Công Thương sau khi khởi xướng cuộc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 2 mặt hàng này nhập khẩu vào Việt Nam.

Việc Bộ Công Thương ban hành các quy định siết chặt chất lượng thép nhập khẩu, đặc biệt áp thuế tự vệ là do trong thời gian qua, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam khá ồ ạt khiến nhiều doanh nghiệp nội lao đao.

Bên cạnh đó, hiện tượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ ồ ạt, thay vì làm thép xây dựng phải chịu thuế 9%, thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã cho một hàm lượng crom với tỷ lệ rất nhỏ để biến thành phôi hợp kim để được hưởng thuế 0%. Về bản chất phôi thép chứa hàm lượng rất nhỏ crom sẽ không khác biệt gì với phôi thông thường và vẫn dùng để cán thép xây dựng thông dụng được nên giá bán rất thấp, khiến thép trong nước không cạnh tranh được.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2015, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là trên 1,5 triệu tấn và lượng thép dài nhập khẩu đạt trên 1,2 triệu tấn.

Trong năm 2015, lượng bán hàng sản phẩm phôi thép của ngành sản xuất trong nước tăng chỉ từ 5% - 10% trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu tăng từ 150 đến 160% trong cùng kỳ.

Riêng trong tháng 2/2016 sản lượng tiêu thụ thép các loại đạt 918.995 tấn, tăng hơn 70% so với cùng kỳ nhưng lại giảm tới 12% so với tháng 1/2016. Trong đó, xuất khẩu chiếm 19%, đạt 178.365 tấn, tăng 7% so với tháng 1/2016.

Mặc dù sản lượng thép tiêu thụ trong nước còn nhiều hạn chế, song lượng thép nhập khẩu từ các nước lại rất lớn. Tính trong tháng 01/2016, Việt Nam nhập khẩu tới 1.485.746 tấn. Đáng chú ý, thép Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam vẫn chiếm khá cao, tới 62% trong tổng lượng thép nhập khẩu; Nhật Bản chiếm 15,6%; Hàn Quốc 9,3%; Đài Loan 8,3%; Nga 3,43%.

Chính vì việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt là thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt, tăng tới gần 30% so với cùng kỳ đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của người lao động.

Cùng với sự đầu tư lớn về tài chính cho xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị… nên một số doanh nghiệp sản xuất phôi, thép lớn đã kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương để có giải pháp giúp doanh nghiệp giảm khó.

Căn cứ vào kiến nghị của các doanh nghiệp, sau hơn 2 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã thu thập chứng cứ, phân tích thông tin và có kết luận sơ bộ về tác động của hàng hóa nhập khẩu tới sản xuất trong nước và đã áp thuế tự vệ tạm thời với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Như vậy, đây là lần thứ 2 Việt Nam sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép nhập khẩu. Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, MalaysiaIndonesia từ tháng 09/2014./.