Thị trường chứng khoán cuối năm: Cơ hội lớn hơn thách thức
Bất ngờ nhưng không bất thường
Chiều nay (ngày 28/6), Chuyên đề 1 với chủ đề: “Chứng khoán và những con số” đã diễn ra tại Hà Nội, mở đầu cho chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Chuỗi talkshow này liên tiếp diễn ra từ ngày 28/6 đến 30/6/2021.
Các chuyên gia tham dự talkshow. Ảnh: Anh Quyền |
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thủy, cho biết, chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” được tổ chức vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam, TTCK Việt Nam đi qua nửa năm 2021 với rất nhiều thách thức, áp lực khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, diễn biến tích cực là TTCK Việt Nam ghi được những kỷ lục chưa từng có, như thu hút trên 500.000 tài khoản mới mở, thanh khoản nhiều phiên đạt trên 1 tỷ USD, giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt trên 105% GDP và đặc biệt chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 24% so với đầu năm…Cũng theo bà Nguyễn Lệ Thủy, bên cạnh những kết quả tích cực, TTCK Việt Nam còn nhiều vấn đề cần được nhận diện, xử lý trên hành trình sắp tới. Chúng tôi mong đợi các chuyên gia, nhà quản lý sẽ đánh giá về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong mối tương quan với chuyển động kinh tế vĩ mô, chính sách và định hướng điều hành thị trường, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tiến trình chuyển đổi số. Đặc biệt, điều công chúng đầu tư mong đợi là các chuyên gia, nhà quản lý sẽ chia sẻ góc nhìn về tương lai TTCK Việt Nam, giải pháp cho thị trường mở rộng cơ hội, đồng thời giúp nhà đầu tư đi bền với thị trường.
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thủy tặng hoa các diễn giả tham dự Phiên 1 Chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” |
Trước thực tế TTCK lập kỷ lục về điểm số, thanh khoản, thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia… trong bối cảnh đại dịch bùng phát có bất thường không, bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), phân tích, bối cảnh phát triển TTCK trong đại dịch là một bất thường. Tuy nhiên, sự tăng trưởng không chỉ diễn ra trên TTCK Việt Nam, mà hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều có sự tăng trưởng, thậm chí là ngoạn mục. Tính đến ngày 15/6, TTCK Mỹ tăng khoảng 12,4%, Anh tăng 10%, Pháp tăng 19%, các TTCK châu Á như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều tăng trên 12% so với đầu năm 2021. Đến nay, VN-Index tăng khoảng hơn 23%, vốn hóa thị trường tăng trên 21% so với cuối năm 2020. Như vậy, sự tăng điểm này của TTCK Việt Nam là bình thường.
Bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán nhà nước. Ảnh: Anh Quyền |
Cũng theo bà Bình, xét về nội lực, sự tăng điểm của TTCK Việt Nam có lý do là kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm tích cực. Mặt khác, những dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư mà nhà đầu tư lâu nay coi là hấp dẫn như: bất động sản, tiền ảo trong thời gian gần đây có chững lại, do cơ quan quản lý có những biện pháp kiểm soát, nên dòng tiền đổ vào chứng khoán gia tăng. Bởi vậy, không khó hiểu khi thanh khoản của thị trường tăng mạnh trong thời gian gần đây.
“Đặc biệt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trong quý I/2021 cho thấy, khả năng chống chọi khá tốt trước đại dịch. Sự tăng điểm mạnh của TTCK trong thời gian gần đây còn thể hiện kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư sau đại dịch…”, bà Bình nói.
Theo bà Tạ Thị Thanh Bình, trong tháng 5/2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 497 triệu USD trên TTCK Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với nhiều thị trường ở châu Á như: ở TTCK Thái Lan, nhà đầu tư ngoại bán ròng 1 tỷ USD, con số này ở thị trường TTCK Đài Loan là 2,1 tỷ USD. Đáng nói là số dư tiền mặt trên tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đang chờ giải ngân hiện còn lớn. Chúng tôi đang theo sát diễn biến của dòng vốn ngoại... |
6 tháng đầu năm nay, trong khi TTCK Việt Nam tăng điểm, thì nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường cổ phiếu, với giá trị 32.000 tỷ đồng, trong khi mua ròng trên thị trường trái phiếu khoảng 2.500 tỷ đồng. Lý giải về hiện trạng này, bà Bình cho rằng, diễn biến này chưa có tác động tiêu cực đến thị trường. Cần phân biệt rõ giữa bán ròng và rút vốn ròng. Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài họ bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng lại mua ròng trên thị trường trái phiếu. Có thể nhận thấy thị trường cổ phiếu tăng nóng và danh mục đầu tư đã đạt lợi nhuận kỳ vọng, nên họ chốt lời, để tìm kiếm cơ hội mới chứ không phải bán ròng để rút vốn.
Ở góc nhìn của nhà nghiên cứu, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, sự tăng trưởng của TTCK thời gian qua nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2021 tăng mạnh. Ở làn sóng dịch Covid-19 thứ nhất gây đứt gãy chuỗi cung cầu quan hệ sản xuất, nhưng với làn sóng dịch lần thứ 4 rất khác, khi rất nhiều doanh nghiệp vẫn có nhiều đơn hàng. Điển hình như doanh nghiệp ngành dệt may. Gần đây, các nước trên thế giới có chiến lược tiêm vắc- xin từ sớm, nên một số quốc gia đã bắt đầu mở cửa thị trường và hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.
“Niềm tin của nhà đầu tư được củng cố thêm nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát. Những con số gần đây cho thấy, nhà đầu tư cá nhân tham gia TTCK mạnh mẽ, giúp cho thanh khoản thị trường sôi động…”, ông Hiếu nói.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, sự thăng hoa của TTCK trong 6 tháng đầu năm nay có sự bất ngờ hơn là bất thường. Lý do là bởi, năm 2021 được coi là năm phục hồi kinh tế. Các dự báo gần đây đều nâng mức tăng trưởng của năm 2021, tức là kinh tế thế giới phục hồi mạnh hơn nhờ niềm tin vào vắc- xin. Chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia kéo theo lãi suất xuống thấp vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu và những người trẻ có thu nhập tương đối đang đầu tư một lượng tiền vào TTCK trong thời gian gần đây…
TS. Võ Trí Thành cho rằng, sự thăng hoa của TTCK trong 6 tháng đầu năm nay có tính chất bất ngờ hơn là bất thường. Ảnh: Anh Quyền |
Tăng sức hút cho TTCK
Liên quan đến các giải pháp tiếp tục cải thiện sức hấp dẫn cho TTCK để vừa giữ chân nhà đầu tư, cũng như hút thêm dòng tiền mới, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc phòng thị trường phái sinh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết, cùng với đã chạy thử hệ thống cho giao dịch các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số mới VNX200, HNX đang nghiên cứu tiền khả thi sản phẩm quyền chọn.
“Hôm nay, HNX chính thức khai trương sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm trên thị trường phái sinh. Sản phẩm này hướng đến đa dạng nhà đầu tư, nên tính đến trưa ngày 28/6, đã có 210 hợp đồng được giao dịch…”, bà Hà cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc phòng thị trường phái sinh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội |
Chia sẻ thêm về sản phẩm phái sinh mới này, bà Tạ Thị Thanh Bình cho biết, sản phẩm này có hướng tới nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính và chấp nhận rủi ro cao hơn. Sản phẩm này có tính hấp dẫn hơn so với hợp đồng tương lai trái phiếu dựa trên trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm, vì thanh khoản tốt hơn. Do đó, kỳ vọng nó sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn.
Bà Tạ Thị Thanh Bình, kỳ vọng hệ thống KRX sẽ được đưa vào vận hành vào đầu năm 2022, qua đó sẽ mở đường cho triển khai giao dịch bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày… |
“Về sở hữu nước ngoài, chúng tôi kỳ vọng các bộ ngành sẽ tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm cập nhật các điều kiện tiếp cận TTCK cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn. Điểm tích cực là nhà quản lý đang cập nhật các điều kiện này theo hướng chọn bỏ, nghĩa là ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận không hạn chế các ngành, lĩnh vực mà họ muốn đầu tư. Điều này sẽ góp phần tăng thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận TTCK Việt Nam…”, bà Bình nói.
Cũng theo đại diện UBCK, nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi gần đây có thêm một số bước tiến, nhưng do nhà đầu tư nước ngoài chưa thấy hài lòng về sự dễ dàng khi mở tài khoản giao dịch trên TTCK Việt Nam, cũng như còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin về doanh nghiệp bằng tiếng Anh, Việt Nam chưa cho phép bán khống, còn yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, tự do ngoại hối còn hạn chế…, nên nỗ lực nâng hạng thị trường còn gặp không ít vướng mắc và thách thức.
Cũng liên quan đến nỗ lực mở ra giải pháp để thu hút dòng vốn ngoại, ông Hiếu nhìn nhận, việc triển khai cơ chế phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp, nhưng hiện chưa có kết quả. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần vào cuộc khắc phục.
Cơ hội nhiều hơn thách thức
Chia sẻ dự cảm về TTCK trong thời gian tới, bà Bình nhìn nhận: “cơ hội sẽ thắng thế thách thức, vì những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của TTCK còn đó: vĩ mô tiếp tục ổn định, sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp niêm yết vẫn cải thiện, chính sách tiền tệ chưa có biến động trong ngắn hạn. Sức hấp dẫn của TTCK vẫn còn khi mà các kênh đầu tư khác, chẳng hạn như bất động sản chưa lấy lại được sự hấp dẫn. Tuy sắp tới TTCK sẽ có triển vọng tăng trưởng, nhưng một số cổ phiếu tăng nóng sẽ có điều chỉnh…”.
“Có ý kiến lo ngại rủi ro phát sinh từ số lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường tăng mạnh, nhưng gần đây tôi nhận được quan điểm của nhiều chuyên gia đánh giá rằng, chất lượng của lớp nhà đầu tư mới này khác nhiều so với trước đây. Một trong những lý do vì có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu có kinh nghiệm, hiểu biết nhất định chuyển tiền đầu tư vào TTCK…”, bà Bình chia sẻ.
Các tổ chức trung gian nên quan tâm đào tạo nhà đầu tư hơn nữa, để góp phần phát triển một TTCK chuyên nghiệp |
Cũng nhìn nhận khả quan về TTCK, ông Hiếu nói: “cả về hiện tại và tương lai, tôi lạc quan về sự phát triển của TTCK. Tuy nhiên, điểm cần lưu lý là hiện nhà đầu tư F0 tham gia thị trường rất lớn, trong khi khó đoán định được tâm lý của họ. Tự bản thân mình, các nhà đầu tư cần nâng cao tính chuyên nghiệp. Các tổ chức trung gian nên quan tâm đào tạo nhà đầu tư hơn nữa, để góp phần phát triển TTCK ngày càng thêm chuyên nghiệp…”.
Cùng với dự báo TTCK sắp tới đối diện với thuận lợi nhiều, nhưng thách thức cũng không ít, TS. Võ Trí Thành đưa ra 2 vấn đề cần lưu ý.
Đầu tiên, khi TTCK phát triển gắn với sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế nhiều hơn, thì càng nên quan tâm đến các yếu tố nền tảng của thị trường như: tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc TTCK, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp… hơn là những diễn biến gắn liền với đầu cơ, đành rằng đầu cơ không có gì xấu.
Thứ nữa, thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, mà hiện hữu là nhiều yếu tố bất định do đại dịch vẫn phức tạp bên cạnh các rủi ro về lạm phát, cũng như những cú sốc khác mà chưa thể tiên lượng được. Theo đó, nhà đầu tư và các thành viên thị trường cần trang bị cho mình cách nhìn nhận vấn đề tổng quan và đa chiều, đồng thời cần trau dồi kiến thức về quản trị rủi ro trong đầu tư, trong phát triển doanh nghiệp để trụ vững ngay cả trong những tình huống các chuyển động khách quan đều bất lợi.
Chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn thành viên thị trường. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Công ty cổ phần Chứng khoán VPS; Công ty cổ phần FECON; Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T; Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội; Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt và Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM./.
Bình luận