Thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi
Hội thảo là bước khởi động cho hợp tác “Tương lai của đầu tư dài hạn, kết cấu hạ tầng và phát triển” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới cùng chủ trì, phối hợp thực hiện.
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo tập trung thảo luận về định hướng hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn kinh tế Thế giới - Chương trình nghị sự trong năm 2017 và năm 2018; Tổ chức thực hiện hợp tác như thành lập Nhóm công tác về Cơ sở hạ tầng (IWG); Nhóm thư ký và cơ chế hoạt động của Nhóm công tác.
Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề đánh giá và tiêu chuẩn về chương trình hạ tầng PPP quốc gia, nhằm xác định những cơ hội và thách thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực; Hợp tác đầu tư phát triển bền vững (SDIP), nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng bền vững thông qua tài chính kết hợp, trong đó khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua hình thức PPP.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm Đổi mới và đạt được một số thành tựu nhất định về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng, rất khó khăn thoát vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình, biểu hiện cho thấy là chi phí đầu tư và hiệu quả dự án ngày càng có xu hướng thiếu tính hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư dài hạn vào dự án động lực, có quy mô chuỗi toàn cầu và có tầm vóc cạnh tranh quốc tế và khu vực. Đây là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững cho Việt Nam trong tương lai.
Theo tính toán, quy hoạch về nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam đến giai đoạn 2030 là khá lớn (ước khoảng 3 triệu tỷ đồng chưa tính hạ tầng đường sắt, giao thông đường thủy, hàng không. Trong khi đó, nguồn lực cân đối từ ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua theo kế hoạch trung hạn 2016-2020 khoảng 150 ngàn tỷ đồng, có tỷ trọng đáp ứng không đáng kể so với nhu cầu. Chính vì thế, vấn đề huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước với nhiều hình thức trên cơ sở tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng được xem như là giải pháp duy nhất được Chính phủ quan tâm trong giai đoạn tới.
“Để bổ sung nguồn lực này, mặc dù Chính phủ cũng có nhiều lỗ lực trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách trong việc tìm kiếm và triển khai các dự án PPP ở Việt Nam còn nhiều thách thức khó khăn. Kết quả thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng của nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nói.
Liên quan đến vấn đề nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam, ông Alex Wong, Giám đốc Hợp tác Thách thức Toàn cầu, Thành viên Ủy ban Chấp hành Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết, theo Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần một lượng vốn trị giá hàng trăm tỷ USD đầu tư từ nay đến năm 2030.
“Trong quá trình Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình thì Việt Nam sẽ rất khó có thể dựa vào nguồn lực công. Chính vì vậy 2/3 nguồn tiền này sẽ buộc phải lấy từ nguồn tiền tư nhân và việc thực hiện PPP sẽ mang lại lợi ích rất lớn.”, ông Alex Wong nói.
Đồng thời, ông Alex Wong hy vọng rằng, sẽ thiết lập được nhóm tương tác kết cấu hạ tầng với thành viên là đại điện của tất cả các bên từ Chính phủ, doanh nghiệp, giới học giả để giải quyết các vấn đề đối với Việt Nam về xây dựng kết cấu hạ tầng, cũng như xác định những ý tưởng hay nhất là gì giải quyết các thách thức về mặt nguồn vốn cho vấn đề này.
Trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu mong muốn, Diễn đàn kinh tế Thế giới với đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, cũng như có những nghiên cứu sâu, cùng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp hàng đầu sẽ có nhiều sáng kiến, khuyến nghị giúp cho Việt Nam hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư để tạo lòng tin và tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.
“Với sự giúp đỡ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và với tinh thần trách nhiệm, hợp tác hiệu quả, chúng tôi hy vọng rằng, các quý vị sẽ đồng hành cùng chúng tôi không chỉ ở trong thời gian diễn ra hội nghị mà cả Chương trình hợp tác trong năm 2017 và năm 2018”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nói./.
Bình luận