Theo Tổng cục Thống kê, thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiến độ thu NSNN trong 15 ngày đầu tháng 7/2020 đạt thấp so với cùng kỳ năm trước.

Chi NSNN tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Tổng thu NSNN lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7/2020 ước tính đạt 697,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 577,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7%; thu từ dầu thô 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 62,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 98 nghìn tỷ đồng, bằng 47,1%", cơ quan thống kê quốc gia cho biết.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 67 nghìn tỷ đồng, bằng 37,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 96,8 nghìn tỷ đồng, bằng 42,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 103,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,1%; thu thuế thu nhập cá nhân 66,7 nghìn tỷ đồng, bằng 51,8%; thu thuế bảo vệ môi trường 30 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3%; thu tiền sử dụng đất 71,1 nghìn tỷ đồng, bằng 74,1%.

Tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2020 ước tính đạt 798,6 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 552,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3%; chi đầu tư phát triển 176,4 nghìn tỷ đồng, bằng 37,5%; chi trả nợ lãi 64,6 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6%.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2020 tổ chức vào ngày 07/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính đã đề ra 10 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong số đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.

Đồng thời, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.

Bộ Tài chính sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản...; chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế; chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021-2023.../.