Tại buổi sinh hoạt, ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ - Viện Chiến lược phát triển cho biết, mục đích của buổi sinh hoạt nhằm chia sẻ thông tin, giúp các đảng viên trong Đảng bộ Viện Chiến lược phát triển và Chi bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo hiểu thêm về hợp tác Mê Công – Lan Thương, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển của các tỉnh, thành phố.

Sông Mê Công dài 4.909km bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam rồi đổ ra biển Đông.

Lưu vực sông Mê Công có tổng diện tích 795.000km2, trong đó phần nằm trên lãnh thổ của bốn quốc gia: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam là hạ lưu vực, chiếm trên 77%. Tại Việt Nam, tập hợp của cả chín nhánh sông lớn được gọi chung là sông Cửu Long.

Chuyên gia về quản lý lưu vực sông, ông Nguyễn Nhân Quảng đánh giá, sông Mê Công có vai trò quan trọng đối với cả 6 quốc gia, từ nguồn nước tưới, thủy điện, thủy sản, cho đến hoạt động giao thông, du lịch… Trong đó, với tiềm năng rất lớn về thủy điện, việc quy hoạch xây dựng và phát triển thủy điện trên sông Mê Công đã được nhiều quốc gia tiến hành. Mục đích sử dụng cho thủy điện cả ở trên dòng chính (gồm phần thượng lưu – Lan Thương và hạ lưu – Mê Công), cũng như trên các dòng nhánh.

Ngoài ra, một số quốc gia còn có kế hoạch chuyển nước sông Mê Công. Chẳng hạn như Thái Lan chuyển nước trong lưu vực sông Mê Công, từ bờ trái (Lào) sang bờ phải (Thái Lan), hay từ bờ phải và sâu nội địa với nhiều tuyến khác nhau (nội địa Thái Lan)…

Chuyên gia về quản lý lưu vực sông, ông Nguyễn Nhân Quảng chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề

Trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nước của các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công, có thể rõ ràng nhận thấy rằng, kế hoạch của các nước không phải là tối ưu và bền vững từ góc nhìn toàn lưu vực, mà được thực hiện từ góc độ lợi ích quốc gia.

Điều đó đã có những tác động không nhỏ ở một quốc gia hạ nguồn như Việt Nam. Không chỉ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam còn đang chịu ảnh hưởng từ những hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu làm suy giảm về số, chât lượng nước và phù sau về hạ lưu; hệ sinh thái thủy sinh biến đổi theo chiều hướng có hại. Tình trạng chung là thiếu nước trên lưu vực sông, xâm nhập mặn và hạn hán sẽ ngày càng gia tăng và đó là một xu thế không thể đảo ngược. Chuyên gia Nguyễn Nhân Quảng đánh giá, những hộ nghèo, ít diện tích sẽ bị tác động nhiều nhất.

Trước những diễn biến này, ông Nguyễn Nhân Quảng lưu ý, Việt Nam cần phải cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc. Phối hợp chặt chẽ với Lào và nhất là Campuchia trong việc chia sẻ châu thổ sông Mê Công.

Đồng thời, tăng cường sự đoàn kết của Ủy hội sông Mê Công (MRC), lồng ghép vấn đề Mê Công vào các khuôn khổ liên quan. Ở trong nước, cần có chiến lược phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương liên quan, cũng như chuẩn bị các kịch bản thích ứng sử dụng nước trong bối cảnh nguồn nước bị lệ thuộc vào thượng lưu.

“Mê Công là con sông quốc tế, nên đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế trong quá trình sử dụng, khai thác”, chuyên gia Nguyễn Nhân Quảng nhấn mạnh./.