KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19

Năm 2019 là năm hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam năm 2019 lên đến hơn 800 triệu USD (Hoàng Vũ, 2020). Nếu như năm 2019 chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì sang năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp startup Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ Đầu tư Do Ventures đồng phát hành công bố vào ngày 31/5/2021, trong năm 2020, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019. Trong số các lĩnh vực thu hút đầu tư, thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế internet. Vốn đầu tư trong lĩnh vực thanh toán đạt 101 triệu USD và bán lẻ là 83 triệu USD. Một số ngành như: HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư. Các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế) và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đang có sự tăng dần nhờ sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Có thể thấy, bên cạnh những tác động từ thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng cùng với bất trắc khó lường của đại dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng khởi nghiệp càng gặp khó hơn. Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ hạn chế của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới.

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Bên cạnh những khó khăn, thách thức đem lại, thì đại dịch Covid-19 là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) từ ý kiến của hơn 250 startup thực hiện cuối tháng 4/2020 cho thấy, có tới 50% startup xác nhận lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể. Trong khi đó, 23% startup cho rằng, họ đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường; 20% startup chọn đóng băng các hoạt động, nghĩa là dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4% startup phải dừng mọi hoạt động quảng cáo trên tất cả các nền tảng, kể cả online và offline, nhằm tiết kiệm chi phí và chỉ 3% bị ảnh hưởng một cách hạn chế, không đáng kể (Hoàng Giang, 2021).

Thực tế cho thấy, năm 2020, nhiều startup lớn cũng đã rơi vào tình trạng phá sản. Trong đó, đáng chú ý là Leflair và WeFit - hai công ty khởi nghiệp từng được đánh giá cao và gọi vốn thành công với số vốn triệu USD. Cụ thể: đầu năm 2019, Leflair huy động thành công 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ hai quỹ GS Shop (Hàn Quốc) và Belt Road Capital Management (Campuchia), nâng tổng số tiền được đầu tư lên gần 12 triệu USD. WeFit là nền tảng ứng dụng di động, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tuyên bố dừng hoạt động vào tháng 5/2020. Năm 2019, startup này công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác. Trước đó, công ty từng được quỹ đầu tư ESP Capital đầu tư 155.000 USD vào năm 2017. Tuy nhiên, đến ngày 11/5/2020, Công ty thông báo buộc phải dừng hoạt động do vốn hoạt động đã cạn kiệt hoàn toàn (Nguyễn Minh, 2021). Hay như trường hợp của Soya Garden - chuỗi đồ uống sữa đậu nành được đầu tư bởi Tập đoàn EGroup của Shark Thủy. Từng tham vọng mở hơn 300 cửa hàng trên toàn quốc, Soya Garden đã sớm phải đóng cửa hàng loạt, khi chỉ còn 23/50 cửa hàng đã được mở trước đó tính đến tháng 5/2020. Nhà sáng lập Hoàng Anh Tuấn đã rời ghế CEO, sau khi công ty liên tiếp đón nhận những chỉ số và thông tin kinh doanh không khả quan (Duy Anh, 2021).

Bên cạnh đó, một số startup Việt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng gặp phải nhiều khó khăn, bị đình trệ trong quá trình hợp tác với các đối tác trước những quy định về cách ly xã hội, các chuyến bay thương mại tạm thời đóng cửa; không ít startup trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị thông minh không có đầu ra cho sản phẩm… Quỹ Đầu tư Do Ventures cũng cho rằng, do khó khăn chung, nên tại Việt Nam các dự án khởi nghiệp giảm và số dự án kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm cũng sụt giảm theo. Ngoài ra, các startup Việt còn gặp thêm những khó khăn, thử thách vốn có, như: thiếu nguồn vốn, thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong khi đó việc đào tạo còn chưa sát thực tế yêu cầu. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn nhiều mới mẻ, chưa phù hợp thực tế và xu hướng phát triển hội nhập.

CƠ HỘI ĐEM LẠI

Có thể nói, bên cạnh những khó khăn, thách thức thì đại dịch Covid-19 vẫn luôn đem lại những cơ hội cho các doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc để có thể mang lại giá trị, đột phá mới. Và cũng không thể phủ nhận có những start up tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp với thời đại và bối cảnh chống dịch Covid-19.

Điển hình như đối với các startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi rất nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, thì đặc thù của ngành công nghệ thông tin là ít bị ảnh hưởng nhất, bởi họ ít sử dụng nguyên, vật liệu và có thể duy trì làm việc từ xa.

Đặc biệt, để cải thiện các vấn đề đang gặp phải, nhiều doanh nghiệp lại quan tâm đến ứng dụng công nghệ để cải thiện hoạt động, cải cách lại bộ máy, dễ dàng bắt nhịp với thị trường sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và doanh nghiệp được hoạt động trở lại. Điển hình như trường hợp của Techainer – một startup công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp giúp đẩy nhanh số hóa, tối ưu “nội lực” và giảm thiểu tối đa rủi ro trong vận hành cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị hợp đồng mà Techainer ký kết đã lên tới hàng tỷ đồng, tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm 2020 (Trịnh Trang, 2021).

Bên cạnh đó, theo nhận định của ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, các start-up được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ dịch Covid-19 ở Việt Nam. Theo HSBC, trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore (Hoàng Giang, 2021). Với nền dân số trí thức trẻ, độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.

Cũng theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại do tác động của Covid-19, nhưng các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển. Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện. Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, các startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi.

Mới đây, Quỹ Đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore cũng nhận định, cuối thập kỷ này, sẽ có thêm nhiều startup ở Đông Nam Á xuất hiện với số lượng các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hằng năm trong khu vực này dự kiến sẽ vượt qua con số 300 vào năm 2030. Trong số đó, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á vào năm 2022 với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây (Hoàng Giang, 2021).

Đặc biệt, ngày 07/10/2021 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures). Hoạt động sẽ được thực hiện trong 2 năm (2021-2023) với sự tài trợ của ADB nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Ngoài ra, một số tín hiệu khả quan cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đó là, bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ đầu tư mạo hiểm bởi tiềm năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay là 290,43 triệu USD. Trước đó, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra cuối năm 2020, đã có 33 quỹ đầu tư cam kết rót hơn 810 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Còn theo thống kê được thực hiện bởi Quỹ Đầu tư Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng vốn đổ vào các startup Việt Nam đạt khoảng 600 triệu USD và dự báo tổng vốn đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 1 tỷ USD. Hy vọng đạt 1 tỷ USD cho startup càng được củng cố khi theo “thông lệ”, quý cuối cùng của năm 2021 là thời điểm các nhà đầu tư mạnh tay nhất để hoàn tất việc giải ngân nên giới chuyên gia đã kỳ vọng startup Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục nói trên (Bá Tân, 2021).

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, để hình thành một lực lượng startup thực sự mạnh, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng cao, mang lại hiệu quả thiết thực, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thậm chí toàn cầu, chính sách cho khởi nghiệp cần có lộ trình chiến lược kết hợp các giải pháp chính sách ngắn hạn và dài hạn, tập trung cho các startup có tiềm năng tăng trưởng ở một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng có của vùng, miền, quốc gia.

Bên cạnh đó, chúng ta có một thị trường lớn nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ, đó là các tập đoàn đa quốc gia - những tập đoàn đến từ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam và sử dụng nhân lực Việt Nam. Vì vậy, cần có các chính sách quan tâm hơn đến thị trường này, giúp cho các startup có thể kết nối và hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, khuyến khích các tập đoàn này tăng cường sử dụng sản phẩm của startup Việt, thay vì chỉ sử dụng sản phẩm ngoại.

Hai là, bên cạnh việc đảm bảo các nguồn lực tài chính, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần được hỗ trợ bởi hạ tầng kỹ thuật cứng và mềm thuận lợi. Theo đó, sở khoa học và công nghệ các tỉnh/thành phố triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các vườn ươm doanh nghiệp, không gian hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cần hỗ trợ: (i) Mặt bằng nhà xưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật nhà nước; (ii) Hỗ trợ sử dụng máy móc, thiết bị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật nhà nước; (iii) Triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo, hội thảo, hội nghị kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc ngành, lĩnh vực hoạt động của các vườn ươm doanh nghiệp, không gian hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật.

Ngoài ra, nghiên cứu, thành lập thêm từ 2-3 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2021-2025. Các sở, ngành cần rà soát và xây dựng kinh phí nâng cấp các cơ sở ươm tạo, cơ sở hỗ trợ kỹ thuật nhà nước quản lý, nâng cao hoạt động ươm tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ba là, hoàn thiện chính sách vượt trội nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia trong việc tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, thách thức./.

Tài liệu tham khảo

1. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Quỹ Đầu tư Do Ventures (2021). Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020, ngày 31/5/2021

2. Duy Anh (2021). Dòng tiền đổ về Việt Nam, thêm ông chủ trẻ tỷ USD lộ diện, truy cập từ https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/startup-viet-don-dong-von-khung-cho-doi-ky-lan-701642.html

3. Hoàng Giang (2021). Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Tìm cơ hội trong thách thức, truy cập từ https://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=425563

4. Nguyễn Minh (2021). Bức tranh khởi nghiệp nhiều gam màu trầm, truy cập từ https://thoibaonganhang.vn/buc-tranh-khoi-nghiep-nhieu-gam-mau-tram-110558.html

5. Bá Tân (2021). Hy vọng 1 tỷ USD cho khởi nghiệp, truy cập từ https://www.sggp.org.vn/hy-vong-1-ty-usd-cho-khoi-nghiep-779157.html

6. Trịnh Trang (2021). Techainer: Giải pháp công nghệ ứng dụng AI giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, truy cập từ https://congthuong.vn/techainer-giai-phap-cong-nghe-ung-dung-ai-giup-doanh-nghiep-quan-tri-rui-ro-164590.html

7. Hoàng Vũ (2020). Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, truy cập từ https://nhandan.vn/dien-dan-nhan-dan-cuoi-tuan/ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-627008/

TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên

Trường Đại học Sao Đỏ

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2021)