Nguyễn Kim Khanh

Trường Đại học Đồng Nai

Tóm tắt

Hiện nay, kinh tế tri thức đang dần trở thành xu hướng phát triển chung của nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới. Tại Việt Nam, việc ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ trong thời gian qua vào sản xuất đã giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng của quá trình tăng trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế tri thức tại Việt Nam vẫn gặp phải một số hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tri thức của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Từ khóa: kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ, vốn con người

Summary

The knowledge-based economy is gradually becoming a common trend of many countries around the world. In Vietnam, the application of scientific and technological achievements in production has recently contributed to the improvement of productivity and growth quality. However, besides the achievements, the knowledge-based economy in Vietnam encounters certain limitations. Based on an analysis of knowledge-based economy development over the past time, the article proposes several solutions to promote Vietnam's knowledge-based economy in the coming period.

Keywords: knowledge-based economy, intellectual property, human capital

GIỚI THIỆU

Trong thời gian gần đây, kinh tế tri thức nổi lên như một trọng tâm quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những quốc gia đang phát triển và những quốc gia đã phát triển, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đang diễn ra như vũ bão hiện nay. Đối với Việt Nam, việc nâng cao tiềm lực và vị thế toàn cầu thông qua sự phát triển của kinh tế tri thức không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố không thể thiếu. Phát triển kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng đảm bảo rằng Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững, đồng thời thực hiện được các mục tiêu kinh tế và xã hội đề ra cho đến năm 2030.

KHÁI NIỆM VỀ KINH TẾ TRI THỨC

Nền kinh tế tri thức, hay nền kinh tế dựa trên tri thức (Knowledge - Based Economy) là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức, trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ cao. Khái niệm kinh tế tri thức manh nha xuất hiện từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, tiên phong bởi Fritz Machlup và Peter Drucker. Trong những thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu nhằm xác định và giải thích cơ chế của nền kinh tế này.

Năm 1996, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra khái niệm tổng hợp về kinh tế tri thức. Theo đó, nền kinh tế tri thức là nền kinh tế ngày càng phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất phân phối và sử dụng tri thức và thông tin [8]. Ngân hàng Thế giới (WB, 1999) định nghĩa, kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tri thức cho sự phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm việc thu nhận và khai thác nguồn tri thức toàn cầu cũng như thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu riêng [7]. Đến năm 2000, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) đã đưa ra một khái niệm mới hơn và cụ thể hơn: “Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế”[7], [8].

Như vậy, nhìn chung, kinh tế tri thức là một mô hình kinh tế dựa trên sự sáng tạo, sử dụng và chia sẻ kiến thức, thông tin và sự sáng tạo. Trong một nền kinh tế tri thức, nguồn lực quan trọng nhất không chỉ là vốn, lao động và đất đai mà còn là tri thức và thông tin.Nền kinh tế tri thức được đặc trưng bởi sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều tri thức, như: các lĩnh vực: công nghệ thông tin, phần mềm, dịch vụ kỹ thuật… Sự phát triển của kinh tế tri thức còn đi cùng với xu hướng tăng cường đầu tư của cả khu vực công và khu vực tư nhân vào các lĩnh vực tạo ra tri thức, như: khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển, giáo dục bậc cao…

Hiện nay, kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển, như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Singapore…Đây là các quốc gia mà đóng góp của nền kinh tế tri thức ở mức khá cao, trong đó, các ngành công nghiệp dựa trên tri thức đã đóng góp trên 40% GDP. Cụ thể, theo Báo cáo của nhóm nghiên cứu đặc trách thuộc APEC về kinh tế tri thức cho thấy, tỷ lệ đóng góp các ngành công nghiệp dựa trên tri thức vào GDP ở Singapore là 57,9%; Mỹ: 55,3%; Nhật Bản: 53%; Canada: 51% và Australia: 48% [7].

Theo nghiên cứu của WB, một nền kinh tế tri thức cần dựa trên 4 trụ cột cốt lõi, gồm: (1) Môi trường kinh tế và thể chế xã hội; (2) Giáo dục và đào tạo; (3) Hệ thống sáng chế và (4) Hạ tầng thông tin. Dựa trên 4 yếu tố cốt lõi này, WB đã đưa ra mộthệ thống cácchỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của nền kinh tế tri thức bao gồm: Chỉ số kinh tế tri thức (KEI), Chỉ số kiến thức am hiểu (KI), Chỉ số Thể chế ưu đãi kinh tế (EI), Chỉ số Sáng tạo (II), Chỉ số Giáo dục (EI), Chỉ số Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN VỪA QUA

Phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất sẽ giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo ra sức cạnh tranh của nền kinh tế so với quốc tế và khu vực. Đại hội XIII của Đảng đãnhận định: “Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ với kinh tế khu vực và thế giới hiện nay, chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển nhanh cũng như tận dụng triệt để những lợi thế của kinh tế tri thức. Với dân số trẻ và năng động, đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được các tỉnh, thành phố quan tâm; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được xây dựng trên khắp cả nước, Việt Nam có lợi thế lớn để tiếp cận và phát triển kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, với việc môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông.

Trong những năm qua, sự phát triển của kinh tế tri thức tại Việt Nam cơ bản đạt được một số thành tựu đáng kể.

(i) Về môi trường kinh tế và thể chế xã hội: Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam liên tục được cải thiện, bình quân tăng trưởng GDPgiai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm. Mặc dù năm 2020-2021, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới. Năm 2023, tốc độ tăng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% của kinh tế toàn cầu [6].

(ii) Về giáo dục: Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển; cơ sở vật chất giáo dục và đào tạo trong cả nước không ngừng được đầu tư, nâng cao; chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds, năm 2022, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng, bao gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng [6].

(iii) Về sáng tạo: Năm 2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) [11]. Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu [6].

(iv) Về công nghệ thông tin: Năm 2000, đóng góp của ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông khoảng 0,5% GDP của Việt Nam, với doanh thu 300 triệu USD và số lao động chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số lao động của Việt Nam. Sau 20 năm, ngành này đã có bước phát triển nhảy vọt, trong đó, riêng năm 2021, doanh thu của ngành tăng trưởng 9% so với năm 2020 [6].

Theo đánh giá của WBvề chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam, năm 2012, Việt Nam đứng thứ 104/145 quốc gia và đến năm 2021, Việt Nam đã vươn lên hạng 64/137 quốc gia [6]. Sau một thập kỷ, các chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam mặc dù còn khá khiêm tốn, song đã được cải thiện đáng kể, có sự tăng trưởng khả quan so với các quốc gia trong khu vực. Dựa trên số liệu năm 2021, Việt Nam đang đứng thứ 3 về phát triển kinh tế tri thức trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, các chỉ số thành phần của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Chỉ số về nghiên cứu, phát triển và sáng tạo của Việt Nam còn thấp khi chỉ được đánh giá 28,2/100 điểm. Các chỉ số về Giáo dục đại học và công nghệ thông tin - truyền thông lần lượt là 35,8/100 điểm và 40,9/100 điểm [6].

Có thể thấy, bên cạnh những cơ hội, sự phát triển của kinh tế tri thức tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, như: nguồn vốn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển còn hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế tri thức còn yếu so với nhiều quốc gia; chất lượng của lực lượng lao động tuy có cải thiện nhưng còn chậm so với tiềm lực phát triển của quốc gia, cũng như chưa theo kịp đòi hỏi thực tiễn của thực tế phát triển.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ TRI THỨC TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Để thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của kinh tế tri thức tại Việt Nam, trong giai đoạn tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đối với kinh tế tri thức

Với vai trò là chủ thể quản lý và điều hành, tại mọi quốc gia, Nhà nước luôn đóng vai trò chủ đạo, là đầu mối quan trọng nhất thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức. Do đó, cần không ngừng nghiên cứu để xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức. Hỗ trợ các điều kiện cần thiết để phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, triển khai; khuyến khích phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, ứng dụng những thành quả tri thức nhằm tạo ra năng suất cao.

Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giải phóng mọi khả năng sáng tạo là khâu then chốt, đột phá để khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tiến vào nền kinh tế tri thức.

Hai là, tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong toàn xã hội

Xuất phát từ đặc điểm nền kinh tế tri thức phụ thuộc chặt chẽ và liên hệ mật thiết với sự phát triển của tri thức, do đó, đầu tư vào các hoạt động tạo ra tri thức chính là đòn bẩy trực tiếp và nhanh nhất tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tri thức phát triển, đạt được hiệu quả tối ưu. Thông tin, tri thức và công nghệ thông tin và truyền thông chính là 3 yếu tố tạo nên nền tảng của kinh tế tri thức.Do đó, cần tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sẽ giúp nâng cao năng lực sáng tạo và đổi mới của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ. Cần tiến hành nghiên cứu, xây dựng lộ trình đầu tư hợp lý, lựa chọn các lĩnh vực, ngành ưu tiến, ngành mà các địa phương trong cả nước có thế mạnh để đầu tư, từng bước làm chủ tri thức và công nghệ, qua đó, nâng cao tiềm lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Ba, quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chính là phát huy nhân tố con người, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực vận dụng, làm chủ và sáng tạo những tiến bộ về công nghệ và tri thức khoa học tiên tiến. Chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực thông qua việc tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có trình độ, bằng cấp, kỹ năng qua từng năm, chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành thông qua chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo.Cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo sẽ tạo ra một lực lượng lao động có trình độ cao và có khả năng sáng tạo, thúc đẩy phát triển của kinh tế tri thức.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp bậc học. Xây dựng nền giáo dục theo hướng "chuẩn hóa, hiện đại hóa". Thường xuyêncập nhật, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo trình, chương trình dạy và học, cung cấp cho người học tri thức khoa học mới, phù hợp nhu cầu thực tiễn của xã hội trong từng giai đoạn phát triển. Chú trọng hiện đại hóa phương pháp đào tạo, phương pháp giảng dạy; giáo dục chú trọng chất lượng thay vì số lượng, khuyến khích tư duy sáng tạo trong dạy và học trong nhà trường tại các cấp học; chủ động tạo môi trường ươm mầm cho các nhân tài phát triển. Chuyển trọng tâm của giáo dục từ trang bị kiến thức sang bồi dưỡng rèn luyện phương pháp tư duy, giải quyết vấn đề. Tăng cường sự tương tác giữa thầy và trò, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy, tăng cường dạy công nghệ thông tin trong tất cả các bậc học.

Chú trọng nâng cấp, đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị đảm bảo cho các cấp học, bậc học. Hiện đại hóa phương tiện dạy và học, thiết bị thông tin, internet, thư viện điện tử, lớp học, sân chơi, bãi tập, phòng thí nghiệm. Xây dựng các trung tâm thông tin - tư liệu, đặc biệt là thư viện điện tử kết nối các trường đại học trong và ngoài nước, các phòng thí nghiệm quốc gia, các trường đại học trọng điểm.

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Huy động mọilực lượng trong xã hội tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, đa dạng hóa các loại hình trường lớp, phát triển mạnh hệ thống giáo dục ngoài công lập, chú ý phối hợp ba môi trường giáo dục: gia đình - nhà trường - xã hội.

Thành lập, củng cố các cơ sở dạy nghề công lập, ngoài công lập, nhất là ở khu vực nông thôn. Phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, thiết thực, gắn với khả năng tạo ra việc làm, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho người lao động có thể trau dồi nghề nghiệp thường xuyên, suốt đời; qua đó, nâng tỷ lệ công nhân tri thức và lao động tri thức trong công nghiệp và dịch vụ. Khuyến khích các doanh nghiệp, các khu công nghiệp thành lập các cơ sở dạy nghề chất lượng cao, vừa dạy nghề, vừa tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cả nước.

Bốn là, không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, công nghệ số

Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, hiện đại; quan tâm chi đầu tư cho khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển đồng bộ kinh tế số, hướng đến xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao phục vụ cuộc sống của nhân dân, như: đô thị thông minh, các dịch vụ trực tuyến...Phát triển, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mạng viễn thông và internet, nâng cao mức độ sẵn sàng kết nối mạngtheo hướng rộng, đa phương tiện nhằm thúc đẩy, đặt nền móng cho phát triển thương mại điện tử, chính phủ điện tử, giáo dục điện tử, y tế điện tử. Bảo đảm hệ thống mạng thông tin trong nước đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, kết nối mọi miền đất nước với tốc độ cao, dung lượng lớn, giá cước thấp.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ vào tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội

Khả năng ứng dụng các thành tựu của khoa học - kỹ thuật, công nghệ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh. Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử chính là chìa khóa, biện pháp cơ bản để đổi mới quản lý, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước.Ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất của một số ngành công nghiệp, có tác động lan tỏa, dẫn dắt việc chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. Đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường... để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.

KẾT LUẬN

Kinh tế tri thức đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Với sự cam kết của Chính phủ và sự đổi mới của các doanh nghiệp và cộng đồng, Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trung tâm kinh tế tri thức trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng đầu tư vào giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ADB (2007), Moving toward knowledge-based economies: Asian experiences, Technical note.

2. Daniele Schiliro (2012), Knowledge-Based Economies and The Institutional Environment, Theoretical and Practical Research in Economic Fields.

3. Ghirmai T. Kefela (2010), Knowledge-based economy and society has become a vital commodity to countries, International NGO Journal, 5(7), 160-166.

4. Gloria Aparicio, Txomin Iturralde, Ana Vilma Rodríguez (2021), Developments in the knowledge‐based economy research field: a bibliometric literature review, Management Review Quarterly, 73, 317-352.

5. Hoàng Bích Thủy (2022), Một số thách thức trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/mot-so-thach-thuc-trong-phat-trien-kinh-te-tri-thuc-o-viet-nam-trong-thoi-dai-cach-mang-cong-nghiep-40-hien-nay-21228.html.

6. Hoàng Thế Quang, Lê Thị Minh Thu, Phạm Hồng Minh, Nguyễn Thị Phương Dung (2022), Xu thế phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/xu-the-phat-trien-kinh-te-tri-thuc-o-viet-nam-thich-ung-voi-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html.

7. Nguyễn Thị Luyến (2022), Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-kinh-te-tri-thuc-o-viet-nam-trong-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html

8. Nguyễn Thị Ngọc Hương (2013), Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, số 8(3).

9. Nguyễn Quang (2010), Thực trạng phát triển kinh tế tri thức ở nước ta sau 20 năm đổi mới, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 381,tháng 2/2010.

10. Roberto Mangabeira Unger, The Knowledge Economy, retrieved from https://www.oecd.org/naec/THE-KNOWLEDGE-ECONOMY.pdf.

11. S. Habib Mortazavia, Mahdi Bahramib (2012), Integrated Approach to Entrepreneurship - Knowledge based Economy: A Conceptual Model, Social and Behavioral Sciences, 41, 281-287.

12. Shahrazad HADAD (2019), Knowledge Economy: Characteristics and Dimensions, Management Dynamics in the Knowledge Economy,5 (2), 203-225.

13. Walter W. Powell, Kaisa Snellman (2004), The Knowledge Economy, Annual Review of Sociology, 30(1), 199-220.

14. WIPO (2021), World Intellectual Property Indicators 2021, retrieved from https://www.wipo.int/publications/en/details.jsp?id=4571.

Ngày nhận bài: 14/5/2024; Ngày phản biện: 25/5/2024; Ngày duyệt đăng: 14/6/2024