Từ khóa: Friend-shoring, Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại, xu hướng

Summary

Changes in the economic situation after the Covid-19 pandemic, armed conflicts, trade wars, and concerns about politics and economic security have caused many countries to change their economic development strategies, among others is the rising trend of pivoting to friendly partners to invest and redirecting production, business, and supply. The article provides an overview of this friend-shoring trend, points out opportunities for Vietnam and other countries, providing objective assessment on the challenges and proposing some recommendations to promote the positive effect and resolve the challenges for Vietnam in the coming time.

Keywords: Friend-shoring, Vietnam, foreign direct investment, trade, trends

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nền kinh tế thế giới và các quốc gia đã và đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 cũng như những xung đột chính trị, quân sự, kinh tế - thương mại – đầu tư trên toàn cầu. Đã có rất nhiều những xu hướng, những giải pháp và chiến lược được các quốc gia và các tổ chức đưa ra để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay, một trong số những xu hướng đó chính là Friend-shoring. Đây là xu hướng mà các quốc gia lựa chọn chỉ giao thương với các nước đáng tin cậy, được xem là ít rủi ro chính trị, an toàn về kinh tế, nhằm tránh làm ảnh hưởng đến dòng chảy kinh doanh của các doanh nghiệp. Việt Nam đang có một vị thế uy tín, một đường lối ngoại giao thân thiện, có nhiều lợi thế trong đầu tư – thương mại, do đó là điểm đến của rất nhiều các nhà đầu tư, các tập đoàn, các đối tác trên thế giới. Vì vậy, với xu hướng friend-shoring, thì Việt Nam cần có những chính sách gì để tận dụng những cơ hội và nhận diện những thách thức để có đối sách phù hợp?

FRIEND-SHORING LÀ GÌ?

Toàn cầu hóa đã làm khoảng cách giữa các quốc gia bị xóa nhòa. Khái niệm “offshore” được nhắc đến nhiều, đó là việc chuyển một phần hay nhiều hoạt động của doanh nghiệp ra nước ngoài để tận dụng ưu đãi thuế, nhân công giá rẻ, quy định môi trường không khắt khe. Sau khi xảy ra các cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước, làm cho toàn cầu hóa bị đứt gãy, cũng như do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều quốc gia đóng cửa do lo ngại sự lây nhiễm, thì một khái niệm khác được đưa ra thay thế là “onshore”, tức là đưa các hoạt động đã offshore trước đây quay trở về nguyên quán. Tuy nhiên, sau nhiều năm đã quen với thị trường lao động giá rẻ, ít đòi hỏi ở nước khác, nhiều doanh nghiệp thấy khó khăn khi chuyển nhà máy trở về nguyên quán do không có nhân lực và chuỗi cung ứng vẫn phụ thuộc vào nhiều nơi. Từ đó, một xu hướng mới có nhiều sự dung hòa hơn, đó chính là Friend-shoring.

Friend - shoring là một thuật ngữ mới xuất hiện gần đây. Friend-shoring là một hoạt động thương mại, trong đó mạng lưới chuỗi cung ứng tập trung vào các quốc gia được coi là đồng minh chính trị và kinh tế. Tức là chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, nhằm vừa tận dụng lợi ích của toàn cầu hóa, vừa hạn chế các rủi ro gián đoạn sản xuất, vì đặt ở các nước không thân thiện. Nó được hiểu là các doanh nghiệp đa quốc gia định tuyến lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, để tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh. Đây chính là những thuật ngữ được xuất hiện kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung, chiến tranh lạnh lần thứ 2 và từ đại dịch Covid-19 bùng phát. Đáng chú ý nhất trong xu hướng này là các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây đang chuyển các hoạt động sản xuất ra khỏi và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

THỰC TRẠNG FRIEND-SHORING HIỆN NAY

Các quốc gia đang lựa chọn xu hướng Friend-shoring

Ở cấp quốc gia, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương đang thúc đẩy sản xuất và kinh doanh hàng thiết yếu ở các nước bằng hữu, thân thiện. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, như: Samsung Electronics và Gap đã theo đuổi chiến lược này sau một loạt gián đoạn gây ra bởi Covid-19, chiến sự Nga-Ukraine và thương chiến Mỹ - Trung. Mỹ và Liên minh châu Âu đã xem xét việc chi hàng chục tỷ USD để giúp các công ty như Intel xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

Một số doanh nghiệp đã đi trước các nhà hoạch định chính sách với xu hướng Friend-shoring, do những năm gần đây các công ty phải đối mặt với tắc nghẽn do đại dịch, khiến thời gian và chi phí vận chuyển tăng vọt. Các doanh nghiệp của Mỹ đã bắt đầu có những hành động cụ thể, rõ nhất là Apple. Hiện tại, dù quốc gia tỷ dân - Trung Quốc vẫn đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của Apple, nhưng công ty này bắt đầu chuyển hướng vào các thị trường khác. Theo các phân tích gần đây, đến năm 2025, có đến 25% số sản phẩm của Apple được sản xuất ngoài Trung Quốc và con số này sẽ tăng dần theo thời gian. Ấn Độ và Việt Nam là 2 quốc gia được Apple lựa chọn. Đến nay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam (. "Bộ ba" đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở nước ta thời gian gần đây. Bên cạnh đó, hàng loạt chuyến thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh gần đây của các nhà lãnh đạo Mỹ cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang thật sự quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.

Các lĩnh vực, thị trường đang tiếp nhận từ xu hướng Friend-shoring

Chiến lược Friend-shoring của Mỹ không dành cho một câu lạc bộ khép kín giữa các đồng minh lâu năm, mà là một chính sách mở ra với các nền kinh tế tiên tiến, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Xu hướng Friend-shoring được thể hiện rõ nhất trong các ngành, như: chất bán dẫn cùng đất hiếm. Để giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc với các khoáng sản quan trọng, Mỹ và Úc đang làm việc cùng nhau để xây dựng các cơ sở khai thác và chế biến đất hiếm ở cả 2 quốc gia.

Với các doanh nghiệp may mặc, điểm đến ưa thích là các quốc gia Trung Mỹ, như: Honduras, Guatemala và El Salvador. Dù chất lượng vải và nguồn lao động trong khu vực này chưa thể bằng Trung Quốc, nhưng các công ty lại hưởng lợi từ việc nằm gần người tiêu dùng Mỹ, cũng như mức thuế thấp hơn theo hiệp định thương mại tự do.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO VIỆT NAM VÀ CÁC QUỐC GIA TRƯỚC XU HƯỚNG FRIEND-SHORING

Cơ hội cho Việt Nam trước xu hướng friend-shoring

Xu hướng friend-shoring cũng giống như những thỏa thuận trong các hiệp định, hiệp ước về thương mại và đầu tư. Nó mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, đó là:

Thứ nhất, Friend-shoring có thể sẽ không chỉ bao gồm việc giảm thuế nhập khẩu mà còn cả chuyển giao công nghệ hoặc những hành động khác nhằm giúp một quốc gia tham gia chuỗi cung ứng đồng minh.

Thứ hai, Friend-shoring ngoài việc đa dạng hóa nguồn sản xuất trong chuỗi cung ứng, còn quyết định lựa chọn đối tác thương mại dựa trên các tiêu chí liên quan tới an ninh quốc gia.

Chính sách Friend-shoring có thể là một cơ hội hiếm có đối với Việt Nam để tìm được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng quốc tế, tiếp cận công nghệ mới và tăng trưởng thu nhập cho người dân.

Tại Việt Nam, Trina Solar hiện là một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất. Trina Solar đã có hai nhà máy ở Việt Nam, một nhà máy đã bắt đầu sản xuất tấm silicon vào tháng trước với sản lượng hằng năm dự kiến là 6,5 gigawatt (GW) và một nhà máy khác sản xuất pin và tấm pin mặt trời. Đầu tháng 9/2023, có thông tin nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới Trina Solar có thể xây nhà máy thứ 3 tại Việt Nam. Mức đầu tư dự kiến khoảng 400 triệu USD và diện tích nhà máy rộng 25 ha. Một trong những nguồn tin trực tiếp về kế hoạch cho Reuters biết việc sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2025. Một nguồn khác lại cho hay Trina Solar đã đề xuất khả năng đầu tư 600 triệu USD vào Việt Nam.

Cũng vào đầu tháng 9/2023, tập đoàn thức ăn chăn nuôi Mỹ có gần 30 năm đầu tư và phát triển tại Việt Nam là Cargill Vietnam đã khánh thành nhà máy Provimi Premix tại Khu công nghiệp (KCN) Giang Điền (Đồng Nai) với vốn đầu tư 28 triệu USD, có diện tích 3 ha, công suất sản xuất 40 ngàn tấn/năm.

Đây chỉ là một số dự án FDI đã thực hiện và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam. Theo danh sách nhà cung ứng toàn cầu năm 2022 của Apple, hiện có 25 nhà cung ứng của tập đoàn này đang đặt nhà máy tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Đây là các nhà thầu lắp ráp iPhone, iPad, đồng hồ, tai nghe, linh kiện khác. Một loạt nhà cung cấp của Apple gần đây đã mở rộng nhà máy. Trong tháng 6/2023, Compal Electronics, nhà thầu sản xuất iPad và Apple Watch, đã đầu tư vào KCN Liên Hà Thái (Thái Bình) thực hiện dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, sản phẩm điện dân dụng, linh kiện điện tử. Trước đó, Compal đã sản xuất các sản phẩm Apple tại nhà máy ở Vĩnh Phúc.

Thách thức cho các quốc gia từ xu hướng Friend-shoring

Bên cạnh những lợi ích, thì xu hướng Friend-shoring cũng kéo theo những thách thức cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam như sau:

(i) Friend-shoring kéo theo sự chia rẽ thương mại toàn cầu. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) báo cáo rằng, chỉ số đo lường sự đa dạng hóa của các đối tác thương mại đã giảm 5,8% xuống 94,2% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, so với mức cơ bản là 100 cách đây một năm. Chỉ số này đo lường mức độ tập trung của thị trường. Cụ thể, theo UNCTAD, quan hệ thương mại giữa những nước có chính trị gắn bó từ quý 3 năm 2022 bắt đầu tăng lên, nhưng cũng từ đó, sự đa dạng giữa các đối tác thương mại giảm xuống. Sự suy giảm này phần nào phản ánh những trở ngại kinh tế do lạm phát gây ra, chủ yếu là ở châu Âu. Tuy nhiên, sự thay đổi về động lực thương mại trên toàn cầu cũng đóng một vai trò nhất định. Những lo ngại về an ninh kinh tế đang thúc đẩy các nước định hình lại chuỗi cung ứng để chuyển chúng sang các quốc gia và khu vực thân thiện, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chất bán dẫn (Huyền Chi, 2023).

Sự phân mảnh thương mại có thể dẫn đến giá nguyên liệu cao hơn và mạng lưới phân phối nhỏ hơn, gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, sự phân mảnh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tới 7% GDP toàn cầu (Huyền Chi, 2023).

Trong khi đó, hoạt động thương mại giữa các đối tác có sự khác biệt về chính trị đã bị ảnh hưởng. Vào tháng 10/2022, Mỹ đã đưa ra các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc, trong khi nhiều chính phủ đã trừng phạt Nga kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022. Ukraine đã tăng sự phụ thuộc thương mại vào Liên minh châu Âu (EU). Ngược lại, Nga đã giảm sự phụ thuộc vào EU trong khi tăng hoạt động thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã ra quyết định ngừng nhập khẩu hải sản Nhật Bản trong tháng 8 do nước này xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Huyền Chi, 2023).

(ii) Xu hướng Friend-shoring có thể đẩy nhanh quá trình khai thác tài nguyên, làm tăng chi phí. Friend-shoring là xu hướng thể hiện các nước lớn đặt trọng tâm vào an ninh quốc gia hơn là sản xuất với chi phí rẻ hơn. Việc dịch chuyển này sẽ làm tăng chi phí cho tất cả, dẫn tới kỷ nguyên kinh tế mới, nợ công và lạm phát cao kéo dài. Với các nước được liên kết trong khối theo chiến lược Friend-shoring, họ sẽ mở rộng sản xuất hơn trước, điều đó sẽ kéo theo việc tăng khai thác các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất hiếm.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến triển khai thăm dò 8 đề án, với mục tiêu trữ lượng là 983.176 tấn; Giai đoạn 2031-2050 sẽ thăm dò 1 dự án với mục tiêu trữ lượng là 1,5 triệu tấn. Về khai thác, giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 2 triệu tấn quặng; Giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 2,1 triệu tấn quặng nhập khẩu/năm. Giai đoạn 1 sẽ chế biến 22.500-62-500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ. Giai đoạn 2 chế biến khoảng 42.500-82.500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ. Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như thông tin, y tế, năng lượng, giao thông – vận tải, quân sự… Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD/năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, trong khi khai thác, chế biến đất hiếm được cho là có tác động xấu đến môi trường, môi sinh. Khai thác đất hiếm lợi nhuận thấp, phá hoại môi trường, ô nhiễm bụi bặm.

(iii) Xu hướng Friend-shoring sẽ ảnh hưởng tới những nước không thuộc, hoặc tìm cách không phụ thuộc vào các phe đồng minh. Mỹ và Trung Quốc đã thành lập các khối kinh tế loại trừ nhau. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2022 hiện là khu vực FTA lớn nhất thế giới, dù không có Mỹ. Mỹ thì đang thúc đẩy “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng” (IPEF) không có Trung Quốc. Các nước Châu Á – Thái Bình Dương có thêm một Hiệp định thứ 3 là CTPPP không có cả Mỹ và Trung Quốc.

Với các nước nhỏ và vừa như ở Đông Nam Á, các quốc gia cho rằng, môi trường an toàn nhất là trạng thái cân bằng quyền lực tương đối để có thể có lợi ích chính trị, kinh tế từ các bên. Các nước trong ASEAN đều có thông điệp “đừng bắt chúng tôi chọn bên”. Khi châu Âu và đặc biệt là Mỹ thực hiện chiến lược Friend – shoring, sẽ đẩy các nước không thuộc phe nào vào tình trạng co cụm sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng và có thể bắt buộc phải lựa chọn con đường phát triển kinh tế có sự độc lập hoặc lại phải nghiêng về 1 bên để có lợi ích.

KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Xu hướng Friend-shoring đang mở ra rất nhiều cơ hội cho những quốc gia như Việt Nam. Để tận dụng những cơ hội và khắc phục những thách thức, hạn chế, thời gian tới Nhà nước và các doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp theo các khuyến nghị sau:

Một là, Nhà nước phải duy trì được môi trường pháp lý ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch. Đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển quốc gia, đã đầu tư lâu năm tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động, đặc biệt các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh. Vẫn tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài, như Quyết định số 667/QĐ-TTg, ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030…

Hai là, cả xã hội cần chuẩn bị các yếu tố nguồn lực, như: nhân lực, cơ sở vật chất để sẵn sàng cho sự chuyển dịch rất lớn các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư từ các quốc gia vào Việt Nam. Các bộ, ngành cần tích cực, triệt để và thực hiện hiệu quả các chính sách, các kế hoạch hành động, như Quyết định số 308/QĐ-TTg, ngày 28/3/2023 phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt cần thực hiện các chính sách đào tạo, phát triển nhân lực thích hợp với những ngành nghề công nghệ cao, công nghệ bán dẫn… để kịp thời cung cấp cho các dự án đầu tư từ các nước thực hiện chiến lược Friend-shoring khi chuyển hướng sang Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chính sách quản lý, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt đất hiếm để tránh thất thoát, lãng phí và ô nhiễm tài nguyên môi trường. Việt Nam cũng phải đề cao quan điểm lựa chọn các dự án cho phù hợp, không vì những mối quan hệ thân thiết mà bỏ qua các kiểm soát chặt chẽ về các quy định và điều kiện sử dụng nhân lực, cơ sở vật chất; nên có chính sách thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại và có giá trị gia tăng cao.

Ba là, Chính phủ vẫn cần tìm mọi cách để tăng cường kết nối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việt Nam đang từng bước thực hiện các cam kết: luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích ổn định, lâu dài, bền vững ở Việt Nam. Đặc thù trong chiến lược Friend-shoring là sự chuyển hướng của các công ty lớn sang Việt Nam, bởi vậy cần thực hiện chính sách thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Sự kết nối còn mở rộng là giữa Chính phủ, cơ quan địa phương với các doanh nghiệp, để Nhà nước nắm bắt được kịp thời các cơ hội cũng như các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh; các doanh nghiệp kịp thời tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế. Cụ thể như các doanh nghiệp và đại diện các quốc gia nước ngoài đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần cải tiến, điều chỉnh thủ tục cấp phép về đất, giấy phép lao động, cắt giảm các thủ tục kinh doanh không cần thiết, giúp các doanh nghiệp thuận lợi và không bị gián đoạn kinh doanh, đầu tư khi chuyển dịch từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện việc xử lý những người sai phạm pháp luật, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn đúng, tạo hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hân Nguyễn (2023), Việt Nam nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị nhờ các khoản đầu tư Mỹ và châu Âu, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/viet-nam-nang-cao-vi-the-tren-chuoi-gia-tri-nho-cac-khoan-dau-tu-my-va-chau-au-650197.html.

2. Huyền Chi, Xu hướng “friend-shoring” khiến thương mại toàn cầu bị chia rẽ sâu sắc, truy cập từ https://viettimes.vn/trung-quoc-to-cia-danh-cap-du-lieu-suot-11-nam-qua-post125488.html.

3. Nguyên Vũ (2022), Friend-shoring là gì, vì sao bị phản đối, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/friend-shoring-la-gi-vi-sao-bi-phan-doi/.

4. T.D.S (2023), Ưu đãi đầu tư công nghệ cao nhằm tận dụng làn sóng dịch chuyển sản xuất, truy cập từ https://tuoitre.vn/uu-dai-dau-tu-cong-nghe-cao-nham-tan-dung-lan-song-dich-chuyen-san-xuat-202309211733293.htm

TS. Nguyễn Thị Hương Giang

Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)