Thương mại điện tử là hướng đi bền vững cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến |
Nhiều startup Việt Nam thành công, đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, có chất lượng
Phát biểu tại Hội thảo “Kết nối sản phẩm của đoanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào siêu thị và các kênh phân phối”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009 đã đạt kết quả ấn tượng sau 12 năm triển khai thực hiện. Trong đó, kết nối cung cầu hàng hóa là một trong các giải pháp quan trọng, góp phần không nhỏ vào những thành công của Cuộc vận động.
Thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa từ Trung ương đến địa phương, từ cấp vùng miền, quốc gia đến cơ sở, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, lên đến 90% tại các siêu thị sở hữu của các doanh nghiệp trong nước và trên 70% tại các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, giai đoạn 2016-2020 có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, với sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Trong giai đoạn này, với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã cơ bản được hình thành, các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách tương đối đầy đủ, toàn diện.
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, làn sóng khởi nghiệp (startup) tại nước ta cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, tuy còn mới mẻ, nhưng không ít tiềm năng bởi đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Những dự án trong lĩnh vực thực phẩm đã góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng. Đồng thời, góp phần cung cấp nguồn cung dồi dào cho các kênh phân phối.
Đến nay đã có nhiều startup Việt Nam thành công, đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm an toàn, có chất lượng, bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại như: MM Mega Market, Lotte, Vinmart, Coopmart…
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng nhận định, vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Cùng với đó, các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay có thể đưa hàng hóa vào siêu thị và các kênh phân phối chủ yếu ở DN sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. |
Song thực tế, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi quy mô của các DN này còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như: giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã…
Thực tế hiện nay, các sản phẩm nông sản và thực phẩm của Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Tuy vậy, câu chuyện “được mùa mất giá” cũng không phải là chuyện hiếm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do chưa có sự kết nối chặt chẽ từ khâu sản xuất - phân phối, khiến sản phẩm đầu ra của người nông dân vẫn còn bấp bênh khi tiêu thụ sản phẩm.
Theo khảo sát người tiêu dùng Việt Nam của Deloitte 2020, các yếu tố nằm trong hạng mục an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến hơn 56% quyết định mua hàng của người tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm. Bên cạnh đó, người dân ở tất cả các nhóm thu nhập đều có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm.
Vì vậy, theo ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm, hàng hóa cần chủ động nắm bắt các thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước khi cần thiết để đảm bảo hàng hóa được lưu thông trên thị trường, bao gồm tại các hệ thống siêu thị, kênh phân phối, bán lẻ được thuận lợi.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại MM Mega Market cho biết, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững tại doanh nghiệp sẽ là giải pháp ổn định đối với người nông dân giúp hàng hoá được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn về mặt kỹ thuật để yên tâm sản xuất.
Đối với doanh nghiệp, có thể chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Cùng với đó, có thể giải quyết bài toán về chất lượng nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
Dưới góc độ doanh nghiệp thương mại điện tử, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh người dùng các sản phẩm kỹ thuật số tăng mạnh như hiện nay, thương mại điện tử cũng là hướng đi bền vững cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới. Đây là hoạt động mà các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng nên tập trung phát triển để khai mở tiềm năng, tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị trường.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối, tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ để đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã tương đối đầy đủ, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới. Đây là những yếu tố cần và đủ để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có cơ hội phát triển./.
Bình luận