Tiền chảy mạnh vào trái phiếu chính phủ, hướng tới quy mô 1 tỷ USD/mã trái phiếu
Cụ thể, phiên đấu thầu ngày 2/12/2020, trái phiếu kỳ hạn 10 năm gọi thầu 3.000 tỷ đồng, huy động được 3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,42%/năm, giảm 0,06%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên liền trước ngày 25/11/2020). Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 10 năm huy động được thêm 1.500 tỷ đồng.
Trái phiếu kỳ hạn 15 năm gọi thầu 4.000 tỷ đồng, huy động được 4.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,62%/năm, giảm 0,08%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên liền trước (ngày 25/11/2020). Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 15 năm huy động được thêm 2.000 tỷ đồng.
Trái phiếu kỳ hạn 20 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,98%/năm, giảm 0,07%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên liền trước (ngày 18/11/2020). Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 20 năm huy động được thêm 500 tỷ đồng.
Tính đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 292.339 tỷ đồng TPCP thông qua hình thức đấu thầu kể từ đầu năm 2020. Trên toàn thị trường, tổng giá trị niêm yết trái phiếu chính phủ đạt hơn 1,31 triệu tỷ đồng tính đến 30/11/2020. Các trái phiếu này được niêm yết và giao dịch tập trung tại HNX.
Hội nghị thành viên thị trường trái phiếu chính phủ quý IV năm 2020 nhằm tổng kết hoạt động trên thị trường và bàn luận về định hướng phát triển năm 2021
Tại hội nghị thành viên thị trường trái phiếu chính phủ quý IV/2020 do HNX tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước cho biết, công tác đấu thầu TPCP năm nay chịu nhiều ảnh hưởng của các biến động kinh tế trong và ngoài nước. Trong nước, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường đã tác động mạnh đến thu chi ngân sách nhà nước. Chính phủ đã thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh; giãn, hoãn thuế đồng thời đẩy mạnh chi an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến nhu cầu vốn cho cân đối Ngân sách tăng cao. Trong khi đó, thị trường tài chính và tiền tệ biến động mạnh nửa đầu năm, ở một số thời điểm đầu năm thị trường thanh khoản kém, Kho bạc không huy động được vốn. Tuy nhiên, nhờ có 2 yếu tố hỗ trợ chính là thanh khoản thị trường dồi dào (Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và bơm khối lượng lớn tiền đồng ra thị trường, tăng trưởng tín dụng chậm) và khối lượng trái phiếu chính phủ đáo hạn lớn, đã tạo nguồn tái đầu tư nên thị trường TPCP nên công tác huy động vốn cho Ngân sách vẫn đạt kết quả tốt. 10 tháng đầu năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã huy động được số vốn bằng 100% kế hoạch huy động cả năm (260.000 tỷ đồng).
Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước cho biết, năm 2021, Kho bạc sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp đã thực hiện năm 2020 nhằm huy động vốn, đảm bảo cân đối Ngân sách. Kỳ hạn danh mục bình quân sẽ được duy trì ở mức 7-8 năm theo “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030”. Kho bạc sẽ tập trung phát hành TPCP trả lãi cuối kỳ, phát hành linh hoạt trái phiếu long/short coupon. Bên cạnh đó, Kho bạc tiếp tục thực hiện phát hành bổ sung vào các mã TPCP đang lưu hành để tăng quy mô, giảm số lượng mã trái phiếu, duy trì quy mô 15.000 - 18.000 tỷ đồng/mã trái phiếu, hướng tới 1 tỷ USD; tiếp tục thực hiện hoán đổi trái phiếu chính phủ nhằm giảm đỉnh nợ, giảm rủi ro thanh khoản cho Ngân sách.
Được biết, Kho bạc Nhà nước đang hoàn thiện để trình ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP, dự kiến thực hiện từ đầu năm 2021.
Bình luận