Tiếng nói trong cộng đồng nghiên cứu khí hậu: Từ nhỏ bé đến vĩ đại
Chân dung 3 nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý năm 2021 |
Hành trình từ Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2007 tới Nobel Kinh tế học năm 2018 và Nobel Vật lý 2021 cho thấy sự thay đổi về nhận thức về các vấn đề biến đổi khí hậu. |
Mô hình của Syukuro Manabe từ những năm 1960 giúp chúng ta hiểu rằng, sự gia tăng của khí carbon dioxide có thể dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ ở bề mặt trái đất [2]. Chúng ta có thể coi ông là cha đẻ của hầu hết các mô hình hiện đại về khí hậu trái đất. Còn mô hình liên hệ giữa thời tiết và khí hậu của Klaus Hasselmann thì giúp chúng ta hiểu tác động của loài người lên các hiện tượng tự nhiên, như việc thải khí carbon dioxide làm tăng nhiệt độ trái đất [3].
Vậy là chỉ trong vòng 3 năm, Giải thưởng Nobel đã trao 2 giải khoa học quan trọng cho các vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của con người lên tự nhiên. Năm 2018, giải Sveriges Riksbank Prize in Economic Sciences (hay giải Nobel Kinh tế học) đã được trao cho William D. Nordhaus vì các phân tích của ông về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế trong dài hạn [4].
Trước đó, phải ngược thời gian về 14 năm trước thì thành tựu liên quan tới biến đổi khí hậu mới được tôn vinh. Vào năm 2007, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change — IPCC) và cựu Phó Tổng thống Mỹ Albert Arnold (Al) Gore Jr. đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình vì nỗ lực truyền tải kiến thức về biến đổi khí hậu do con người, và đặt ra nền móng để giải quyết vấn đề này [5].
Hành trình từ Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2007 tới Nobel Kinh tế học năm 2018 và Nobel Vật lý 2021 cho thấy sự thay đổi về nhận thức về các vấn đề biến đổi khí hậu. Từ một vấn đề xã hội có thể được giải quyết bởi khoa học, ngăn chặn biến đổi khí hậu và rộng hơn là các tác động của con người tới môi trường, đã trở thành một vấn đề khoa học quan trọng của thời đại.
Dự báo mới nhất của IPCC cho biết nhiệt độ trung bình Trái Đất sẽ tăng khoảng 2.1-3.5OC nếu chúng ta không có các biện pháp mạnh can thiệp [6]. Chính vì vậy, lĩnh vực nghiên cứu khí hậu ngày một trở nên quan trọng đối với nhân loại. Tuy nhiên, ý nghĩa sống còn của lĩnh vực nghiên cứu khí hậu cũng đặt lĩnh vực này vào tâm điểm về sự đa dạng và toàn cầu hóa. Nhiều trang tin tức nổi tiếng đã chỉ ra trong TOP 1000 nhà khoa học khí hậu có ảnh hưởng nhất của Reuters chỉ có 5 người đến từ châu Phi và 122 người là phụ nữ [7].
Điều tra sâu hơn về vấn đề này, tác giả Ayesha Tandon của Carbon Brief đã cho thấy khoảng cách nghiêm trọng giữa các cộng đồng nghiên cứu khí hậu ở Bắc và Nam bán cầu, hay chính là giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Trong danh sách 100 nghiên cứu của hơn 1300 tác giả được trích dẫn trên Google Scholar nhiều nhất trong 5 năm qua, có tới 73.9% số tác giả có cơ quan làm việc tại Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Còn lại, số tác giả tại các cơ quan nghiên cứu ở Châu Á, Nam Mỹ, và Châu Phi chỉ chiếm lần lượt 7.3%, 2.8%, và 0.7%. Xét theo quốc tịch, rất nhiều quốc gia châu Á và châu Phi không có tác giả nào. Điển hình như châu Phi chỉ có 10 tác giả, trong đó 8 người Nam Phi.
Một con số đáng quan tâm khác là chỉ có 22% số tác giả là nữ giới. Tại các khu vực có đông tác giả trong dánh sách (ít nhất trên 50 người), số tác giả nữ đều chiếm dưới 40%, như: 20% tại châu Âu; 35% tại Bắc Mỹ; 29% tại châu Úc và 23% tại châu Á.
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, con người cần lắng nghe mọi tiếng nói, từ nỗ lực mang tầm cỡ Nobel đến những đóng góp nhỏ nhoi từ các cộng đồng yếu thế. |
Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này, tác giả Ayesha Tandon đã phỏng vấn nhiều chuyên gia từ các quốc gia khác nhau, như: TS. Lisa Schipper (University of Oxford, Anh); TS. Minal Pathak (Ahmedabad University, Ấn Độ; TS. Vương Quân Hoàng (Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường Đại học Phenikaa); TS. Fernanda Adame (Griffith University, Úc); TS. Bellita Chitsamatanga (Fort Hare University, Nam Phi). Hầu hết học giả đều không quá bất ngờ với kết quả phân tích của Carbon Brief. Họ cũng đều cảm thấy đáng buồn khi các quốc gia Châu Á và Nam Phi, như Việt Nam, vốn là những nơi chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu, lại gần như không có đóng góp có tầm ảnh hưởng trên diễn đàn học thuật quốc tế.
Đào sâu hơn về nguyên nhân của các vấn đề này, sự bất bình đẳng kinh tế, rào cản ngôn ngữ, rào cản văn hóa là những nguyên nhân cơ bản được chỉ ra. Các yếu tố này đan xen, tương trợ cho nhau để nới rộng khoảng cách khoa học giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Nhiều năm nay, rất nhiều nhà khoa học ở phía Bắc bán cầu đã hợp tác để cùng với các nhà khoa học Nam bán cầu thu thập dữ liệu. Nhưng đây không hề là sự hợp tác bình đẳng, mà là quan hệ hợp tác kiểu thực dân. Trong đó, nhà nghiên cứu từ các quốc gia giàu có sẽ hợp tác để các nhà nghiên cứu tại các quốc gia ở Nam bán cầu thu thập dữ liệu. Còn các nhà nhà khoa học Mỹ, Anh hay Úc với tài chính và công nghệ của mình sẽ chịu trách nhiệm chính trong phân tích, xử lý và công bố dữ liệu. Tuy nhiên, vấn đề là việc thu thập dữ liệu thường không được coi trọng và người làm dữ liệu cũng khó có tên trong danh sách tác giả nghiên cứu. Quan hệ này bắt nguồn từ sự chênh lệch về đầu tư cho khoa học. Trong khi các quốc gia phát triển chi tiêu rất hào phóng với khoa học và hoàn toàn có khả năng làm điều đó, thì các quốc gia đang phát triển ở châu Á, Nam Mỹ, hay châu Phi lại không có chi phí để theo đuổi các dự án trọn vẹn, nhất là khi lĩnh vực nghiên cứu khí hậu ngốn tài nguyên khủng khiếp.
Bất bình đẳng trong nguồn lực kinh tế dành cho nghiên cứu dẫn tới mối quan hệ bất bình đẳng giữa hai khu vực Bắc và Nam bán cầu. Cùng với đó, văn hóa xuất bản khoa học hiện nay cũng khiến các nhà khoa học Nam bán cầu gặp bất lợi rõ rệt vì ngôn ngữ và xu hướng “publish or perish” (Công bố hay là chết). Chi phí truy cập bài báo cao, chi phí xuất bản mở cao, hay quá trình biên tập thiếu minh bạch. Nhiều nghiên cứu từ các nước đang phát triển không thể công bố tại các tạp chí hàng đầu, vì định kiến khoa học là đất riêng cho các nước phát triển. Việc tiếng Anh gần như độc quyền ở các tạp chí khoa học cũng gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu từ các quốc gia không nói tiếng Anh. Chia sẻ với Carbon Brief, TS. Vương Quân Hoàng nhận định, nhiều tạp chí vẫn hoạt động giống như một “câu lạc bộ cao cấp” nơi mà chỉ có các học giả từ các viện nghiên cứu tên tuổi nhất mới có thể vào, dù xét về ý tưởng hay xử lý kỹ thuật thì các nhà khoa học Nam bán cầu không thua kém gì.
Hiện tại, các quốc gia đang phát triển cần đầu tư vào khoa học có trọng điểm hơn vì đầu tư khoa học có thể tốn kém trong ngắn hạn, nhưng lợi ích dài hạn là rất lớn [9]. Quá trình phát triển kinh tế lâu dài, bền vững của mỗi quốc gia cũng rất cần các đóng góp thiết yếu của khoa học công nghệ [10,11]. Bên cạnh đó, cộng đồng khoa học, cũng như cộng đồng xuất bản học thuật, cũng cần nhiều thay đổi tích cực như xóa sổ các văn hóa xuất bản thiếu minh bạch, hay thúc đẩy tiếng nói của các nhà khoa học nữ [12,13]. Điều này vô cùng quan trọng vì phụ nữ là một trong những chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, trong thế giới hàn lâm, phụ nữ vẫn là bộ phận yếu thế. Họ phải đối mặt với các suy nghĩ cổ hủ, vô căn cứ như “phụ nữ kém thông minh hơn đàn ông”; “phụ nữ không có đầu óc phân tích”… và bị đẩy lùi trong nghề nghiệp sau khi sinh con [8, 14]. Do đó, môi trường học thuật cũng khắc nghiệt và thậm chí độc hại hơn với phụ nữ, ép họ rút lui sớm trước khi đạt được cấp bậc ngành nghề cao hơn. Thấu hiểu và đẩy lùi được khó khăn của phụ nữ có thể giúp chúng ta có được những bước tiến mới trong khoa học.
Kể từ khi các nghiên cứu khoa học bắt đầu cho thấy tác động của loài người lên khí hậu và ảnh hưởng đến chính sách môi trường toàn cầu như Nghị định thư Montreal vào năm 1987 cho đến khi các giải thưởng lớn như Nobel có thể vinh danh các nhà khoa học và nhà hoạt động vì môi trường vào năm 2007, 2018 và 2021, đó là khoảng thời gian rất dài. Trong khi đó, nếu mọi việc diễn ra theo đúng báo cáo của IPCC [6], khi hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến các thiên tai và điều kiện khí hậu tồi tệ, thì thời gian đã cạn với nhân loại. Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, con người cần lắng nghe mọi tiếng nói, từ nỗ lực mang tầm cỡ Nobel đến những đóng góp nhỏ nhoi từ các cộng đồng yếu thế. Vì với mỗi tiếng nói không được lắng nghe, chúng ta có thể đang bỏ lỡ một miếng ghép quan trọng trong bức tranh tổng thể, bỏ lỡ một cơ hội để chữa lành Trái đất.
Tài liệu tham khảo:
[1] The Nobel Prize. (2021) The Nobel Prize in Physics 2021. The Nobel Prize. URL: https://www.nobelprize.org/prizes/physics/2021/summary/
[2] Manabe S, & Wetherald RT. (1975). The effects of doubling the CO2 concentration on the climate of a general circulation model. Journal of Atmospheric Sciences, 32(1), 3-15.
[3] Cubasch U, et al. (1992). Time-dependent greenhouse warming computations with a coupled ocean-atmosphere model. Climate Dynamics, 8(2), 55-69.
[4] The Nobel Prize. (2018). Nobel Prizes 2018. The Nobel Prize. URL: https://www.nobelprize.org/list-of-2018-nobel-laureates/
[5] The Nobel Prize. (2007). The Nobel Peace Prize 2007. The Nobel Prize. URL: https://www.nobelprize.org/prizes/peace/2007/summary/
[6] IPCC. (2021) Climate change widespread, rapid, and intensifying – IPCC. Intergovernmental Panel on Climate Change. URL: https://www.ipcc.ch/2021/08/09/ar6-wg1-20210809-pr/
[7] Reuters. (2021). The Reuters Hot List. Reuters. URL: https://www.reuters.com/investigates/special-report/climate-change-scientists-list/
[8] Tandon A. (2021). Analysis: The lack of diversity in climate-science research. Carbon Brief. URL: https://www.carbonbrief.org/analysis-the-lack-of-diversity-in-climate-science-research
[9] Vuong QH. (2018). The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies. Nature Human Behaviour, 2(1), 5.
[10] Chính PM, & Hoàng VQ. (2021). Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[11] Hồ MT. (2021). Hoạch định chính sách dựa trên khoa học: Nền móng thành công của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Kinh tế và Dự báo. URL: https://kinhtevadubao.vn/hoach-dinh-chinh-sach-dua-tren-khoa-hoc-nen-mong-thanh-cong-cua-thu-tuong-duc-angela-merkel-19376.html
[12] Vuong QH. (2020). Reform retractions to make them more transparent. Nature, 582(7811), 149.
[13] Vuong QH. (2019). Breaking barriers in publishing demands a proactive attitude. Nature Human Behaviour, 3(10), 1034.
[14] Powell K. (2021). The parenting penalties faced by scientist mothers. Nature 595, 611-613. https://doi.org/10.1038/d41586-021-01993-x
Hồ Mạnh Toàn, Nguyễn Thanh Thanh Huyền
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội-Liên ngành
Trường Đại học Phenikaa
Tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu “cộng hưởng” trong thời đại mới Chúng ta cần một cách tiếp cận mới có thể tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng chi phí và nguồn lực nhưng vẫn ... |
Hoạch định chính sách dựa trên khoa học: Nền móng thành công của Thủ tướng Đức Angela Merkel Sau hơn 16 năm cầm quyền kể từ Năm 2005, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ chính thức thôi đảm nhận chức vụ Thủ tướng ... |
Dịch bệnh, đói nghèo, thiên tai: Con đường nào cho chúng ta vượt qua khó khăn? Hiện tại, khi mà các chính phủ đang phải đối mặt với hàng tá chi phí phát sinh để chống chọi với đại dịch COVID-19, ... |
Bình luận