Tín hiệu khởi sắc trong sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại đầu năm 2024
Nhiều tín hiệu vui ngay từ đầu năm
Tại buổi gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ngay sau Tết của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Xuân Giáp Thìn năm 2024 đã đến với những khởi sắc ban đầu, tình hình sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại tháng 1/2024 của ngành Công Thương đã cho thấy những bước chuyển tích cực. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 18,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%, tình hình cung ứng điện, xăng dầu và năng lượng nói chung đảm bảo ổn định. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kỷ lục với bước tăng trưởng 37,7%, trong đó xuất khẩu tăng 42% và nhập khẩu tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong tháng 1, cả nước ta đã đạt kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục với con số 66,22 tỷ USD và tiếp tục xuất siêu trong tháng 1 đạt 2,92 tỷ USD. Cùng với đó, thị trường trong nước ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ nhiều tín hiệu vui về sản xuất công nghiệp, thương mại và tình hình cung ứng năng lượng đầu năm 2024 |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 01/2024 đạt mức 50,3 điểm, tăng so với mức 48,9 điểm của tháng 12/2023 cho thấy hoạt động sản xuất của nước ta ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 18,3%) và tăng trên diện rộng (60/63 địa phương có chỉ số IIP tăng). Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%, dần lấy lại vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp. Kết quả tích cực này tiếp nối đà phục hồi sản xuất từ quý IV/2023 nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI năm 2023 giúp tăng năng lực sản xuất trong nước và sự phục hồi của thị trường thế giới. Ngoài ra, Tết Nguyên đán vào tháng 2 cũng giúp sản xuất công nghiệp trong tháng 01/2024 đỡ bị ảnh hưởng như năm 2023 (tháng 01/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng, nên số ngày làm việc ít hơn đã ảnh hưởng đến các chỉ số phát triển công nghiệp).
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất tháng 01/2024 của hầu hết ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ở mức hai con số như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,2%; sản xuất thuốc lá tăng 34,7%; dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 43,3%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 66,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 24%... Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tháng 01/2024 đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số sản phẩm tăng cao ở mức hai con số như: Khí hóa lỏng LPG tăng 16,8%; xăng dầu các loại tăng 25,8%; thép cán tăng 59,6%; ô tô tăng 14,6%; xe máy tăng 18,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%; giầy dép da tăng 13,6%; phân NPK tăng 40,7%... Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Thông tin tình hình thực hiện công tác tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Thị trường các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú, sức mua tăng trong những ngày cận Tết và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... trong những ngày cận Tết có tăng theo quy luật thị trường, nhưng mức tăng không quá cao và giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường: Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới, nhất là tuyến đường biển, đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là các mặt hàng như: thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử... Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý kịp thời, nên đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng cấm, hàng nhập lậu vận chuyển vào nội địa. Nhờ đó, trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Về tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm: Trong dịp trước Tết Nguyên đán tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, nhiều lô hàng vi phạm về an toàn thực phẩm có giá trị lớn đã bị bắt giữ, tiêu hủy. Nhờ đó, tình hình an toàn thực phẩm trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán được đảm bảo, không có diễn biến phức tạp, nổi cộm.
Về tình hình buôn bán, sử dụng pháo trong dịp Tết Nguyên đán: Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán không phát hiện các vụ việc buôn bán pháo nổ; tuy nhiên, tại một số địa phương lực lượng chức năng phát hiện trong đêm giao thừa còn có dấu hiệu người dân sử dụng pháo nổ, pháo hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các lực lượng chức năng địa phương đã và đang xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu cho thị trường trong nước
Báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả các cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý. Đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm, nhất là đối với hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, đóng cửa, ngừng hoạt động mà không có lý do chính đáng. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, Bộ đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp sau để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường:
Một là, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Lãnh đạo Bộ Công Thương làm việc với doanh nghiệp xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn cung, duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp ngay từ đầu năm 2024 và dịp lễ Tết |
Hai là, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Ba là, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Đánh giá thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 để bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong năm 2024.
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Giữ ổn định hệ thống điện quốc gia năm 2024, đảm bảo nguồn cung điện
Về tình hình cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt tháng 1 và dịp lễ Tết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, các nhà máy điện vận hành tương đối ổn định. Hệ thống điện truyền tải luôn đảm bảo dự phòng cao. Trên lưới điện phân phối xảy ra một số sự cố nhỏ ở lưới điện trung áp, nhưng đã xử lý kịp thời để khôi phục cung cấp điện cho phụ tải. Các tổng công ty điện lực cung ứng điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024.
Ngày 30/11/2023, Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 tại Quyết định số 3310/QĐ-BCT. Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 148,489 tỷ kWh và mùa mưa là 157,769 tỷ kWh. Đồng thời, ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 để dự phòng điều hành công tác đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đi kiểm tra chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2024, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các sự kiện lớn của đất nước |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 1/2024 ước đạt 23,695 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 28,6% so với cùng kỳ năm 2023 (do nhu cầu phụ tải cùng kỳ năm 2023 giảm thấp trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 từ ngày 20-26/01/2023), đạt 7,74% so với kế hoạch năm 2024 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3310/QĐ-BCT (306,259 tỷ kWh). Nhìn chung, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong tháng 1 và đầu tháng 2/2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2024, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán năm và các sự kiện lớn của đất nước, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT, ngày 13/12/2023 về việc đảm bảo cung cấp điện trong các dịp lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong năm 2024, trong đó đã yêu cầu EVN và các đơn vị điện lực có liên quan để rà soát, cập nhật và lập phương án, xây dựng các kịch bản vận hành hệ thống điện quốc gia, nhằm đảm bảo cung ứng điện, phục vụ cao nhất nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy và liên tục cho hệ thống điện quốc gia trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị có liên quan các giải pháp, cụ thể bao gồm:
Nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực vận hành an toàn, ổn định và tin cậy hệ thống điện quốc gia, lưới điện truyền tải 500-220kV vùng, miền trên phạm vi toàn quốc để đảm bảo cung cấp điện; tăng cường thực hiện chế độ trực vận hành để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục; đảm bảo cấu hình nguồn điện có dự phòng hợp lý, vận hành đáp ứng các yêu cầu về tần số, điện áp của hệ thống điện, đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống điện trong mọi trường hợp.
Nghiêm túc thực hiện chế độ trực vận hành; chủ động dự phòng trang vật tư, thiết bị, triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố; chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm túc các quy định trong vận hành lưới điện truyền tải, xây dựng các phương án, kịch bản vận hành đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị và đảm bảo việc vận hành lưới điện truyền tải an toàn, thông suốt.
Củng cố, rà soát lưới điện 110kV, lưới điện trung thế, hạ thế đảm bảo cung cấp điện ổn định. Xây dựng phương thức chi tiết, bố trí nhân lực trực tết đảm bảo cấp điện cao nhất cho nhân dân vui xuân đón tết, nghiêm cấm việc sử dụng rượu bia trong ca trực, lưu ý chăm lo đời sống cho cán bộ, đặc biệt là các cán bộ công nhân viên tham gia đảm bảo cung cấp điện dịp Tết.
Phối hợp với địa phương và các cơ quan thông tin tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đến khách hàng sử dụng điện, tuyên truyền ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp bắn pháo, thả diều và ném các vật lên đường dây, vi phạm hành lang tuyến đường dây. Duy trì chế độ trực vận hành, chế độ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Để đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có các chỉ đạo cụ thể đối với EVN và các đơn vị liên quan về các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho năm 2024, cụ thể như sau:
Đối với EVN: i) Công bố Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện; ii) Trước ngày 15/3/2024, rà soát, cập nhật, báo cáo Bộ Công Thương về Kế hoạch đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện), đặc biệt là miền Bắc; iii) Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành các đơn vị phát điện thuộc phạm vi quản lý về công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động của hệ thống điện quốc gia; theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy.
Đối với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc: Tập trung phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho sản xuất điện, đặc biệt là phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho các tháng cao điểm mùa khô năm 2024
Quyết liệt các giải pháp ngay từ đầu năm
Tiếp tục đà tăng trưởng của tháng 1, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai các nhiệm vụ sau Tết: Khẩn trương hoàn thành những công việc bị tạm dừng, chậm tiến độ do nghỉ Tết và những công việc đã đến hạn phải hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ và quy định của pháp luật. Chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết; chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.
Các đơn vị ngành Công thương họp bàn các giải pháp triển khai ngay từ đầu năm để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ |
Đối với các đơn vị liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu như các Vụ: Dầu khí và Than, Thị trường trong nước, Kế hoạch - Tài chính; các Cục: Công nghiệp, Hóa chất, Điện lực và năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Xuất nhập khẩu và Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu, điện để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm chuỗi cung ứng vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu… bảo đảm cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được diễn ra thông suốt; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với những mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân dịp lễ hội đầu năm và các mặt hàng thiết yếu khác.
Các đơn vị liên quan đến công tác quản lý nhà nước, nhất là việc xây dựng, ban hành và tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện và bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ xây dựng nghị định, thông tư trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2024 đã được ban hành tại Quyết định số 3421/QĐ-BCT, ngày 29/12/2023, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có hạn hoàn thành trong quý I/2024 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật.
Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng quy hoạch ngành quốc gia (Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch khoáng sản, Quy hoạch dự trữ xăng dầu) khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các kế hoạch thực hiện Quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản đã được duyệt năm 2023; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai các kế hoạch thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt.
Các đơn vị liên quan đến thị trường ngoài nước: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta là thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, tận đụng các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới./.
Bình luận