Tổ chức, sắp xếp lại, giải tán hợp tác xã yếu kém, bao cấp, “bình mới rượu cũ” là cần thiết
Báo cáo về tình hình phát triển hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 895 hợp tác xã được thành lập mới, đạt 40% so với kế hoạch cả năm 2018. Có 220 hợp tác xã yếu kém phải giải thể, trong số các hợp tác xã mới ra đời có 80% là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam |
“Cả nước có 20.767 hợp tác xã - tăng 675 hợp tác xã và số thành viên của hợp tác xã là 6,5 triệu người, tăng khoảng 200.000 người so với thời điểm cuối năm 2017”, ông Bảo nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, các địa phương đang đẩy mạnh thành lập mới hợp tác xã và mạnh dạn giải thể các hợp tác xã "bình mới rượu cũ" để có dư địa thành lập các hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đến nay, các hợp tác xã thành lập mới và tái cơ cấu, hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị tăng mạnh, đến cuối tháng 6/2018 có khoảng 1.200 hợp tác xã, tăng 21% so với cuối năm 2017.
Đánh giá cao vai trò, những đóng góp của hợp tác xã vào sự phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tổ chức, sắp xếp lại, giải tán hợp tác xã yếu kém, bao cấp, “bình mới rượu cũ” là cần thiết. Thời gian qua, xuất hiện nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
“Sứ mệnh của hợp tác xã rất lớn lao, nhất là trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh đó, sản xuất kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay không đáp ứng được, sức cạnh tranh thấp, cần tổ chức lại, đặc biệt ở nông nghiệp, nông thôn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng ch biết, chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, còn phân bổ theo cơ chế "xin cho". Quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn nhiều bất cập, hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp. Việc xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo Thủ tướng, việc củng cố hợp tác xã, tổ hợp tác là một trong những định hướng quan trọng. Điều đó yêu cầu hành động cụ thể, cách làm cụ thể.
“Điều cần quan tâm nhất và cũng là vướng mắc nhiều nhất hiện nay là việc hoàn thiện thể chế chính sách, “vướng chỗ này, chỗ kia, không thể hoạt động được”. Đây là gốc của vấn đề đối với hợp tác xã”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo phát triển chuỗi giá trị, có sự phân công và hợp tác từ doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã và các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một số văn bản mới. Trong đó, Nghị định 57 đã được ban hành thay thế Nghị định 210 về đầu tư trong nông nghiệp. Nghị định 55 về tín dụng nông nghiệp sẽ được sửa đổi, trong đó có nội dung về tài sản thế chấp, hỗ trợ hợp tác xã vay vốn…
Cùng với đó, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc để hoàn thiện chính sách hỗ trợ liên kết hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để trình Thủ tướng ban hành.
“Cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành cần quan tâm, có chương trình phát triển hợp tác xã. Phát triển hợp tác xã nhiều loại hình nhưng tập trung củng cố, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, phục vụ bà con nông dân và ngư dân”, Thủ tướng nhấn mạnh./.
Bình luận