Tồn dư hoá chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt đã giảm 73%
Theo Báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, đợt cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm được phát động từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016. Sau 04 tháng thực hiện, nhiều vụ việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm Salbutamol, vàng O trong chăn nuôi đã được phát hiện, xử lý nghiêm; tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau đã giảm 48%, tồn dư hoá chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt đã giảm 73%; ô nhiễm vi sinh trong thịt đã giảm 4% so với 9 tháng đầu năm 2015.
Các tỉnh, thành phố bước đầu đã chú trọng hoạt động hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh về đảm bảo an toàn thực phẩm, lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn. Trong đợt cao điểm đã có 2.781 cơ sở được hướng dẫn áp dụng Gap và đã có 2.225 cơ sở (chiếm 80%) được chứng nhận áp dụng gap; 3.393 cơ sở trong số 4.898 cơ sở loại C (chiếm 69,3%) đã nâng cấp và được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Lũy kế từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2016 đã phát hiện 326/6.166 mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép (chiếm 5,3% so với 9 tháng đầu năm 2015 là 10,3%); 106/5. 433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép (chiếm 2% so với 9 tháng đầu năm 2015 là 7,6%)… Các phát hiện vi phạm ATTP đã được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Triển khai đợt cao điểm, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn kiểm tra trên diện rộng, phát hiện và xử phạt 33 cơ sở vi phạm, phạt tiền 112 triệu đồng, tiêu hủy gần 200 kg giò chả, 10 kg thuốc thú y ngoài danh mục, thức ăn chăn nuôi quá hạn sử dụng; buộc thu hồi, trả về nơi sản xuất đối với các loại giống, thuốc Bảo vệ thực vật không hợp quy sản xuất hoặc quá hạn sử dụng... Các huyện, thành phố, thị xã cũng đã thực hiện kiểm tra, xử lý 217 cơ sở loại C và ra quyết định xử phạt, thông báo đình chỉ sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở không đủ điều kiện.
Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, toàn ngành nông nghiệp đã tổ chức thanh, kiểm tra 951 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm thủy hải sản. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, có 3/16 mẫu thức ăn chăn nuôi và 7/13 mẫu nước tiểu lợn phát hiện có chất Salbutamol.
Mặc dù đã có những kết quả khả quan, song theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và thủy sản cho biết, đợt triển khai cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Cụ thể, việc ngăn chặn, tiến tới giải quyết dứt điểm việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thủy sản trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại tất cả các địa phương. Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi tăng so với 09 tháng đầu năm 2015 cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh trong xuất khẩu. Đồng thời có rất ít điểm bán nông thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và được xác nhận sản phẩm an toàn.
Khẳng định công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đại diện một số địa phương cho rằng, cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp, ngành và người tiêu dùng, bởi hiện nay, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp, thủy sản và vật tư nông nghiệp đã sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, các hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.
Tại Hội nghị, nhằm tiếp tục giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay về vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong thủy sản nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, chè, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, để tiếp tục đạt những kết quả tích cực trong đợt triển khai cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, các đơn vị, địa phương cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, trong đó, tuyên truyền phải có thông điệp rõ ràng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, về hành lang pháp lý, Bộ trưởng đề nghị Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản trong 2 tháng tới cần hoàn thành sửa đổi các quy định có liên quan đến Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) nhằm giảm thiểu đến mức tối đa chi phí cho người sản xuất. Thêm vào đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các sản phẩm nông sản ở thị trường nội địa và sản phẩm nông sản nhập khẩu; các địa phương cần tiếp tục phát huy hiệu quả đường dây nóng, tiếp thu, bố trí xử lý kịp thời những phản ánh của người dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị, trong 4 tháng tới, công tác thực hiện Kế hoạch hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cần chú trọng tới hai vấn đề: kiểm tra, thanh tra, hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bên cạnh đó là kiểm soát, xử lý về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, trái cây, các mặt hàng nông sản.
Bên cạnh đó, việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ Công an, Y tế, Công Thương cần chặt chẽ hơn nữa nhằm thực hiện hiệu quả các các nhiệm vụ đề ra./.
Bình luận