Ngày 4/1/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã gõ cồng, khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021 của TTCK Việt Nam tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Bộ trưởng cho rằng, thành công của TTCK năm 2020 đến từ nhiều yếu tố, trong đó, ghi nhận sự kiên định của ngành chứng khoán trong việc giữ thị trường hoạt động thông suốt, không ngừng nghỉ ngay cả khi xã hôi phải áp dụng biện pháp giãn cách để chống lại đại dịch Covid-19. Cùng với đó, Bộ trưởng ghi nhận và cảm ơn nhà đầu tư đại chúng, đã bền bỉ giữ thị trường, góp sức tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều chỉ tiêu đánh giá của năm 2020.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, TTCK Việt Nam năm 2020 ghi danh là thị trường có sức chống chịu và tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới

Đại dịch Covid-19 xuất hiện gây nên những khủng hoảng về y tế, kinh tế và căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu, tạo ra một đợt sụt giảm mạnh của TTCK kể từ cuối tháng 1/2020. Đây cũng là năm Việt Nam phải đối mặt với thiên tai, bão lũ nặng nề, nhưng với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế nước ta đã về đích với dự kiến tăng trưởng GDP 2,91%. Các chỉ tiêu vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất… duy trì ổn định. Đặc biệt, Bộ trưởng chia sẻ, tổng thu Ngân sách Nhà nước năm 2020 là một điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô, khi đạt 98% dự toán đầu năm và vượt 160.000 tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội điều chỉnh vào tháng 10/2020. Bội chi Ngân sách và nợ công đều thấp hơn so với con số dự toán báo cáo Quốc hội tháng 10/2020. “Thành công trong phòng chống đại dịch Covid-19 cộng với sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam thể hiện ở các chỉ tiêu kinh tế lớn đã tạo nền tảng cho TTCK vững bước tăng trưởng, ghi danh là thị trường có sức chống chịu và tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới”, Bộ trưởng nói.

Cụ thể, đến cuối năm 2020, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam đạt 84,3% GDP toàn nền kinh tế, thanh khoản thị trường cổ phiếu đạt bình quân 7.400 tỷ đồng/phiên, đặc biệt 2 tháng cuối năm thanh khoản tăng rất mạnh, lần lượt đạt trung bình 10.000 tỷ đồng và 14.800 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 2 lần so với bình quân năm 2019. Chỉ số VN-Index tăng trưởng 14,9% so với đầu năm và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất.

Thị trường trái phiếu chính phủ đã huy động được 333.000 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước, tăng 64% so với năm 2019 với thời hạn bình quân 13,94 năm (so với năm 2019 là 13,44 năm). Đặc biệt lãi suất huy động giảm từ 4,51%/năm năm 2019 xuống còn 2,83%/năm trong năm 2020. Qua đó giúp Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu danh mục nợ Chính phủ trong nước theo hướng bền vững với kỳ hạn danh mục nợ trái phiếu Chính phủ còn lại bình quân là 8,35 năm (so với mức 7,42 năm của năm 2019). Trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, quy mô so với GDP đạt khoảng 14,7%. TTCK phái sinh có quy mô giao dịch tăng gần 80%. Tổng mức huy động vốn qua TTCK đạt 384 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019. Theo thống kê chưa đầy đủ, 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên TTCK làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 so với các khu vực khác của nền kinh tế.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, VSD, SCIC, HOSE, HNX cùng nhiều thành viên tham dự Lễ khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021

Năm 2021, trước nguy cơ tác động của đại dịch Covid-19, thị trường có thể vẫn sẽ có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vắc-xin phòng Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên với những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong phòng chống đại dịch và tiềm năng vị thế sẵn có, Bộ trưởng đặt niềm tin, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đang đứng trước những vận hội mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 khai mạc trong vài ngày tới sẽ thông qua những văn kiện quan trọng như Chiến lược phát triển 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trên cơ sở đó Chính phủ sẽ ban hành các kế hoạch, giải pháp thực thi hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Cũng từ đầu năm nay, Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực, tạo ra một khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư đồng bộ hơn, minh bạch hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và phát triển TTCK bền vững.

Với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, với Luật Chứng khoán đã được ban hành và những giải pháp thiết thực trên đây, người đứng đầu ngành tài chính tin rằng, TTCK Việt Nam sẽ có một năm 2021 tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ./.