Chia sẻ với các hội viên VASB mới đây, ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt - người vừa được bổ nhiệm vị trí Trưởng ban Tổ chức sự kiện của VASB cho biết, sau 20 năm xây dựng và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, nhu cầu kết nối, hợp sức cùng nhau để xây dựng thị trường của các chủ thể trên thị trường ngày một lớn. Ông Tùng kêu gọi và mong muốn rằng, trước hết, các thành viên VASB (khối công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ), sau đó là các chủ thể tham gia TTCK sẽ cùng hợp sức lại, sáng kiến giải pháp mới và góp tiếng nói định hình vị thế mới cho TTCK Việt Nam. Được biết, ông Tùng đồng thời là Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt là công ty chứng khoán có quy mô vừa trên TTCK Việt Nam (vốn điều lệ 547 tỷ đồng), nhưng hoạt động kinh doanh liên tục hiệu quả. Công ty vừa công bố việc tạm ứng trả cổ tức 10% cho năm 2020 (ngày chốt quyền 11/12/2020).

TTCK Việt Nam năm 2020 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ cả về điểm số và thanh khoản. Nếu như những tháng đầu năm, TTCK Việt Nam giảm điểm mạnh do tác động của dịch bệnh Covid (kết thúc quý I, chỉ số VN-Index giảm 33% so với cuối năm 2019) thì từ quý II đến nay, thị trường có sự hồi phục tích cực. VN-Index hiện dao động quanh mốc 1.000 điểm, với thanh khoản nhiều phiên vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, diễn biến tích cực trên TTCK bắt nguồn từ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong việc phòng ngừa dịch bệnh và phát triển kinh tế. Đầu tiên, phải kể đến đó là Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản được giảm thiểu, nền kinh tế được phục hồi. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như miễn giảm phí, lệ phí, giá dịch vụ trên TTCK.

TTCK có sự khởi sắc được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vĩ mô trong nước trong 3 quý đầu năm có nhiều điểm sáng, xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, đầu tư công cải thiện tích cực, lạm phát được kiểm soát. Triển vọng kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá khá tốt (IMF, World Bank, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 1,8%-2,8% trong năm 2020). Cùng với đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết từ đầu năm đến nay có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét, số công ty có lãi giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chiếm 86%. Đặc biệt, việc Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong đánh giá của Tổ chức xếp hạng toàn cầu MSCI giúp Việt Nam có thể sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong đợt phân loại lại thị trường sắp tới.

Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt cho rằng, để TTCK Việt Nam phát triển bền vững, việc cần quan tâm nhất là đào tạo nhân sự

Trong đánh giá của Chủ tịch Trí Việt, TTCK Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để khẳng định vị thế tốt hơn trong nền kinh tế kể từ năm 2021. Tuy nhiên, để thị trường giữ được nhịp sôi động và bền vững, điểm đáng quan tâm nhất chính là công tác đào tạo nhân sự. Hiện nay công tác đào tạo về chứng khoán mới được tổ chức trong phạm vi hạn hẹp. Trong ngành chứng khoán, 1 năm chỉ có vài khóa học và 2 kỳ thi cấp chứng chỉ do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán tổ chức. Trong khi đó, đối tượng cần đào tạo là rất lớn, bên cạnh người hành nghề là các nhà đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp, các chủ thể liên quan đến TTCK…

Trong một chia sẻ nhân dấu mốc 20 năm TTCK Việt Nam vào tháng 7/2020, Chủ tịch Trí Việt kiến nghị, công tác đào tạo trong ngành chứng khoán cần phải xác định lại về sứ mệnh, vị trí và phải sớm tái cấu trúc để đủ sức và nhanh chóng trang bị tri thức, kinh nghiệm cho những chủ thể tham gia TTCK. Những nỗ lực này nhằm bớt đi những sai lầm, vấp váp vì thiếu kiến thức của người tham gia và góp sức giúp thị trường phát triển ổn định, bứt phá một cách vững vàng.

Giải pháp tiếp theo là cần kết nối rộng hơn dòng chảy vốn giữa hệ thống ngân hàng và TTCK. Một trong những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam là lượng tiền gửi ngân hàng của người dân rất lớn (khoảng 5.400.000 tỷ đồng - theo thông tin PV ghi nhận được), nếu đội ngũ nhân sự ngân hàng cùng các khách hàng của hệ thống ngân hàng được trang bị kiến thức về TTCK, biết cách phân bổ tài sản của mình hợp lý hơn, thì không chỉ hiệu quả sinh lời vốn của từng chủ thể tốt hơn, mà hiệu quả đồng vốn của nền kinh tế sẽ cao hơn.

Hiện TTCK Việt Nam có 70 công ty chứng khoán và trên 40 công ty quản lý quỹ cùng hoạt động. Quy mô vốn hóa TTCK đạt khoảng 200 tỷ USD, với 2,63 triệu tài khoản nhà đầu tư tham gia thị trường.