TTCK Việt Nam kỳ vọng tăng tiếp năm 2021, nâng hạng năm 2023
Kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.180 điểm trong năm 2021
Tính tới ngày 30/11/2020, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E bình quân 12 tháng (TTM P/E) đạt 16,3 lần, cao hơn mức P/E 15,0 lần vào đầu năm 2020. P/E bình quân 12 tháng hiện tại đã nhỉnh hơn so với P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần. So sánh trong khu vực, P/E bình quân 12 tháng của Việt Nam thấp hơn so với các thị trường lân cận. Tuy nhiên TTCK Việt Nam hiện vẫn đang thuộc nhóm thị trường cận biên trong khi hầu hết các thị trường trong khu vực đều đã lên nhóm thị trường mới nổi. VNDIRECT ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 trên VN-Index sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nhóm quan tâm là 36% so với cùng kỳ. Công ty này dự báo VN-Index sẽ đạt 1.180 điểm trong năm 2021 và lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn bộ chỉ số VN-Index sẽ tăng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất cổ tức của VN-Index đạt 1,8% trong năm 2021.
Tiềm năng tăng giá bao gồm dựa trên khả năng TTCK Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/2021; khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021 và vắc-xin Covid-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, rủi ro giảm giá cũng có khả năng xảy ra nếu kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến.
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trong năm 2021
VNDIRECT tin rằng khối lượng giao dịch bình quân có thể tăng 12-14% so với cùng kỳ trong năm 2021, thúc đẩy bởi các yếu tố như Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2021 sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn nước ngoài từ các quỹ thị trường cận biên đổ vào TTCK Việt Nam khi Việt Nam được MSCI nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên trong năm 2021.
Trong câu chuyện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, điểm tích cực là Việt Nam đang giải quyết nút thắt về vấn đề room ngoại. Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021. Những thay đổi trong các dự luật trên sẽ góp phần gỡ nút thắt về vấn đề room ngoại. Cụ thể, Luật hiện hành quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng tham gia các ngành kinh doanh không có điều kiện ở mức 49%, nhưng tỷ lệ này có thể được nới lỏng lên mức 100% sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua và trình lên cơ quan quản lý phê duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có gần 40 công ty niêm yết đã nâng room lên 100% do thủ tục thực hiện còn tương đối phức tạp.
Luật mới đã giải quyết nút thắt này bằng cách tự động áp dụng room 100% cho các công ty đại chúng, trừ khi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật chuyên ngành có các quy định cụ thể thấp hơn. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn có giới hạn chặt chẽ hơn, ví dụ: ngành ngân hàng có room ở mức 30%.
Luật Chứng khoán mới cũng mở rộng định nghĩa về chứng khoán. Theo đó, định nghĩa về chứng khoán bao gồm thêm chứng chỉ lưu ký (DR) và các quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp. Đây là tin tốt cho các doanh nghiệp chưa được nới room ngoại do hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn sở hữu đối với NVDR tại các doanh nghiệp đó. Điều này sẽ thu hút thêm vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nhiều quỹ ETF mới được thành lập trong nửa đầu năm 2020, đặc biệt là quỹ VFMVN Diamond ETF (quỹ này tập trung đầu tư vào các cố phiếu đã hết “room ngoại”), đã mở ra một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các cổ phiếu đã kín room, từ đó khơi thông hơn nữa dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực giải quyết điểm nghẽn về “Thanh toán bù trừ chứng khoán”. Cụ thể, Việt Nam đang phối hợp với đối tác Hàn Quốc để triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Việt Nam cũng dự kiến thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (Central counter Party - CCP). Với việc áp dụng mô hình thanh toán bù trừ mới này, Việt Nam hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề “yêu cầu kiểm tra phải có đủ tiền trước khi giao dịch” như tại thời điểm hiện tại, từ đó gỡ được “nút thắt” quan trọng trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE. “Hệ thống giao dịch chứng khoán mới cũng được kỳ vọng sẽ góp phần triển khai thành công các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, và các sản phẩm phái sinh mới, từ đó thu hút thêm dòng tiền trong và ngoài nước đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới”, VNDIRECT đánh giá./.
Bình luận