8 nghị định bị sửa đổi, bổ sung; 6 nghị định hết hiệu lực thi hành

Cụ thể, tại Mục 1 Chương IX Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định, sửa đổi, bổ sung 08 Nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh sau đây kể từ ngày 26/3/2021 (ngày Nghị định 31 có hiệu lực thi hành):

(1) Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

(2) Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn;

(3) Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;

(4) Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

(5) Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;

(6) Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

(7) Nghị định 99/2003/NĐ-CP ban hành quy chế khu công nghệ cao;

(8) Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Cũng từ ngày Nghị định 31/2021/NĐ-CP có hiệu lực, các quy định sau đây sẽ đồng thời hết hiệu lực thi hành:

- Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

- Nghị định 37/2020/NĐ-CP bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP;

- Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài;

- Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

- Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ;

- Nghị định 79/2016/NĐ-CP điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản;

- Điều 2 của Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Nhà đầu tư phải ký quỹ như thế nào?

Cụ thể, nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư như sau: Mức bảo đảm là 3% đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng; 2% đối với phần vốn trên 300-1000 tỷ đồng; trên 1000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 1%.

Bên cạnh đó, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế; Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Ngoài ra, đối với dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thực hiện các hoạt động gồm: Thuê hoặc mua nhà xưởng, văn phòng, kho bãi đã xây dựng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Sử dụng có trả tiền các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ; Được cho thuê, cho thuê lại nhà xưởng, văn phòng, kho bãi và các công trình khác đã xây dựng để phục vụ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;…

Bảo đảm ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật được quy định thế nào?

Nghị định nêu rõ, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có quy định thay đổi ưu đãi đầu tư đang áp dụng đối với nhà đầu tư trước thời điểm văn bản đó có hiệu lực, nhà đầu tư được bảo đảm thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư.

Ưu đãi đầu tư được bảo đảm theo quy định nêu trên gồm:

+ Ưu đãi được quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác do người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, áp dụng theo quy định của pháp luật (*).

+ Ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của pháp luật không thuộc trường hợp (*) nêu trên.

Các văn bản cần thiết phải trình khi muốn được áp dụng bảo đảm đầu tư

Khi có yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Đầu tư, nhà đầu tư gửi văn bản đề nghị cho cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo một trong các giấy tờ sau: Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền cấp có quy định về ưu đãi đầu tư (nếu có).

Văn bản đề nghị gồm các nội dung: Tên và địa chỉ của nhà đầu tư; ưu đãi đầu tư theo quy định tại văn bản pháp luật trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực gồm: loại ưu đãi, điều kiện hưởng ưu đãi, mức ưu đãi (nếu có); nội dung văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung có quy định làm thay đổi ưu đãi đầu tư đã áp dụng đối với nhà đầu tư theo quy định nêu trên; đề xuất của nhà đầu tư về áp dụng biện pháp bảo đảm đầu tư.

Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan đăng ký đầu tư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư, Nghị định quy định: căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, mục tiêu, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hình thức, nội dung bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư theo quy định nêu trên được xem xét áp dụng theo các hình thức: Hỗ trợ một phần cân đối ngoại tệ trên cơ sở chính sách quản lý ngoại hối, khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ; các hình thức bảo đảm khác của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Hàng năm, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Nghị định quy định rõ việc đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh phải căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ và điều ước quốc tế về đầu tư, bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh.

Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện trong Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những nội dung sau đây:

a) Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh dự kiến sửa đổi, bổ sung;

b) Phân tích sự cần thiết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư;

c) Căn cứ sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh và đối tượng phải tuân thủ;

d) Đánh giá tính hợp lý, khả thi của việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh và sự phù hợp với điều ước quốc tế về đầu tư;

đ) Đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh đối với công tác quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư kinh doanh của các đối tượng phải tuân thủ.

Hằng năm và theo yêu cầu quản lý của mình, bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình.

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại phát sinh đối với hành vi giả mạo nội dung hồ sơ, tài liệu

Tại Nghị định 31 quy định, khi được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xác định có nội dung giả mạo trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục sau:

- Thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư về hành vi vi phạm;

- Hủy bỏ hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét hủy bỏ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và các văn bản có liên quan khác đã được cấp lần đầu hoặc hủy bỏ nội dung văn bản, giấy tờ được ghi trên cơ sở các thông tin giả mạo;

- Khôi phục lại văn bản, giấy tờ được cấp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất, đồng thời xử lý hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và mọi thiệt hại phát sinh đối với hành vi giả mạo nội dung hồ sơ, tài liệu./.