Tương lai của báo chí: Nhận diện cơ hội từ những thách thức
Chúng ta đang chuyển từ một môi trường nơi mà báo chí từng hoạt động với nguyên tắc nghề nghiệp số một, đó là vai trò của những người gác cổng (gatekeepers) sang một thế giới hiện đại hơn, nơi mà các doanh nghiệp cung cấp nền tảng kiểm soát việc công chúng tiếp nhận thông tin và kể cả là loại thông tin gì. Ảnh minh họa

SỰ THAY ĐỔI TRONG LĨNH VỰC BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Chuyển dịch quyền phân phối và kiểm soát thông tin

Báo cáo ngắn của Viện Nghiên cứu Báo chí thuộc Reuters năm 2019 về tương lai của báo chí đưa ra 5 vấn đề lớn, trong đó có những thách thức, những cơ hội hoặc vừa là thách thức vừa là cơ hội trước một bối cảnh nhiều biến động. Báo cáo nhấn mạnh rằng, chúng ta đang chuyển từ một môi trường nơi mà báo chí từng hoạt động với nguyên tắc nghề nghiệp số một, đó là vai trò của những người gác cổng (gatekeepers) sang một thế giới hiện đại hơn, nơi mà các doanh nghiệp cung cấp nền tảng kiểm soát việc công chúng tiếp nhận thông tin và kể cả là loại thông tin gì. Điều này khá rõ trong vòng hai thập niên qua, khi Web 2.0 phát triển và các nền tảng mạng xã hội ra đời chiếm lĩnh hoàn toàn không gian truyền thông, cũng như hấp thu toàn bộ thời gian rảnh rỗi của con người.

Nghịch lý của thời đại này là báo chí vẫn làm công việc sản xuất tin tức, thậm chí còn sản xuất gấp nhiều lần hơn để tồn tại, nỗ lực lấp đầy cái không gian vô tận, khổng lồ, không có điểm đầu, không có điểm cuối của truyền thông xã hội, nhưng lại không có quyền quyết định cuộc chơi, mà điều đó lại thuộc về các nền tảng mạng xã hội, các cỗ máy tìm kiếm thông tin, hay các trang tổng hợp tin tức.

Việc đòi hỏi quyền lợi, chia sẻ nguồn thu với các dịch vụ cung cấp nền tảng có sử dụng nội dung, sản phẩm thông tin của báo chí sản xuất vẫn đang diễn ra căng thẳng. Một kịch bản cho sự “không đạt được thỏa thuận” xảy ra ở Australia, khi Facebook phải ngăn người dùng nước này không chia sẻ tin tức báo chí lên nền tảng của họ. Khách quan mà nói, các quốc gia nhỏ, đi sau, chưa có sự tự chủ về công nghệ chắc chắn gặp thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay, trong thế so sánh với các tập đoàn lớn toàn cầu.

Theo tiết lộ của các nhà quản lý ở Việt Nam, thì đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thương thảo với các nền tảng, như: Google, hay Meta (Facebook) để thiết lập sự công bằng cần phải có, chứ chưa nói gì đến bảo hộ quyền lợi, lợi ích chính đáng cho các nhà sản xuất nội dung trong nước.

Điều đáng lưu ý là thông tin báo chí bây giờ không còn là một sản phẩm độc lập như trước nữa. Ngược lại, nó hòa trong dòng chảy chung và ít ranh giới với các loại thông tin khác. Nói đúng hơn là công chúng không bận tâm về sự khác biệt giữa tin tức thời sự, với những nội dung giải trí, tương tác khác mà họ tiếp nhận hàng ngày.

Nguồn cung cấp thông tin phong phú hơn

Báo cáo giải thích rằng, quá trình chuyển hướng đến không gian truyền thông số không phải là tạo ra các bộ lọc trong việc tra cứu, truy xuất thông tin của người dùng. Thay vào đó, thông tin sẽ được gợi ý, đưa đến người dùng một cách như là ngẫu nhiên, tình cờ, từ rất nhiều nguồn khác nhau.

Bất kể bạn có chủ động tìm kiếm thông tin về chính trị hay không, thì nó vẫn được gợi ý đến bạn bằng nhiều cách, theo các nhà quan sát giải thích. Cơ chế này của công nghệ mới nhằm làm đảo ngược tình huống vốn dĩ là một nghịch lý trong sự điều phối thông tin bấy lâu nay: người dùng phần lớn chỉ được giới thiệu, gợi ý một cách hạn hẹp nguồn thông tin, dựa trên những gì mà họ từng đọc, từng tìm kiếm.

Thật vậy, đây là cơ hội mở ra sự phong phú cho các nguồn tin, đặc biệt là tin tức báo chí, cũng như các nhà xuất bản nói chung. Nhưng điều đáng lưu ý là thông tin báo chí bây giờ không còn là một sản phẩm độc lập như trước nữa. Ngược lại, nó hòa trong dòng chảy chung và ít ranh giới với các loại thông tin khác. Nói đúng hơn là công chúng không bận tâm về sự khác biệt giữa tin tức thời sự, với những nội dung giải trí, tương tác khác mà họ tiếp nhận hàng ngày.

Mặc dù đây được xem là cơ hội, nhưng theo giới quan sát, nó cũng có những thách thức không nhỏ với công chúng tiếp nhận thông tin về phương diện chính trị, tùy thuộc tính chất của chế độ đảng phái. Trong khi quan sát và cho thấy sự lạc quan ở một số quốc gia nơi ít có sự đối lập khắc nghiệt giữa các đảng phái chính trị, như ở châu Âu chẳng hạn, thì báo cáo chỉ ra sự phiến diện của thông tin đưa đến người dùng do tính chất phân cực sâu sắc về lập trường đảng phái như ở Mỹ. Tức là nếu bạn là người của phe/đảng này thì phần lớn tin tức mà bạn nhận được là trên nhãn quan chính trị của đảng đó mà thôi. Điều này dấy lên quan ngại về cách mà công nghệ có thể cũng phân cực như chính trị và xã hội con người.

Cạnh tranh để giành niềm tin nơi độc giả

Nhóm nghiên cứu của bản báo cáo Reuters cho rằng, báo chí thường thua trong cuộc cạnh tranh thu hút độc giả, nhất là với các phương tiện giải trí nghe nhìn, cũng như với các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Ở một số nơi, thì đó còn là tình trạng mất niềm tin của độc giả vào báo chí. Đây là thách thức lớn nhất, vì nó liên quan đến bản chất hoạt động báo chí và sứ mệnh mà báo chí tồn tại.

Nguyên nhân khách quan có thể nói đến là sự cạnh tranh lớn của mạng xã hội và các nền tảng truyền thông xã hội nói chung. Như đã đề cập, không gian không có giới hạn này có thể hút hàng triệu, hàng tỷ người dùng vào những dạng thức trao đổi, chia sẻ thông tin khác nhau, trong đó phần nhiều là giải trí.

Nghiên cứu của Toff và Nielsen (2018) cho biết, ở Mỹ còn có tình trạng nhiều người “né” tin tức (news avoidance), vì lý do “không phù hợp”, “không giúp gì cho cuộc sống của họ”, hay “khiến họ căng thẳng, lo sợ về hiện thực nhiều hơn”.

Một thống kê khác của comScore cùng thời điểm cũng cho thấy tỷ lệ độc giả mới (news lovers) ở Mỹ chỉ chiếm khoảng 17%, tỷ lệ đọc tin tức thường xuyên là 48%, số còn lại, khoảng 35%, là những người thi thoảng mới đọc tin tức, ít hơn một lần mỗi ngày. Ngoài ra, chỉ có khoảng 3% thời gian người dùng dành cho việc lên mạng là để đọc tin tức, và nửa số thời gian đó là đọc tin tức địa phương. Như vậy, phần rất lớn thời gian tham gia trên truyền thông xã hội đã bị giải trí xâm chiếm hết.

Tìm hướng mới cho mô hình kinh doanh báo chí

Mô hình kinh doanh báo chí kiểu truyền thống đang bị đe dọa, thách thức, va do đó, theo giới quan sát, lĩnh vực này trở nên “yếu thế” hơn, “dễ tổn thương” hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào những sức ép về thương mại hay chính trị. Đây chính là thách thức đe dọa các nguyên tắc nền tảng của hoạt động báo chí - trung lập, khách quan, không phụ thuộc bên tài trợ. Trong sự phát triển chung của xã hội luôn có những giằng co, mâu thuẫn và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nhóm lợi ích, cả về chính trị và thương mại. Ở phương Tây, ngoại trừ báo chí khối công được nhà nước tài trợ từ ngân sách, báo chí tư nhân thuộc về các chủ tập đoàn tư bản, nhưng lại được gắn cho sứ mệnh nói lên tiếng nói cân bằng, không thiên vị. Câu chuyện về quyền sở hữu báo chí có quyết định tính chất khách quan của báo chí hay không và như thế nào, chưa bao giờ mất đi tính thời sự trên các diễn đàn học thuật cũng như thực tiễn của nghề nghiệp.

Tương lai của báo chí: Nhận diện cơ hội từ những thách thức

TS. Đỗ Anh Đức

Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông,

Nghịch lý của thời đại này là báo chí vẫn làm công việc sản xuất tin tức, thậm chí còn sản xuất gấp nhiều lần hơn để tồn tại, nỗ lực lấp đầy cái không gian vô tận, khổng lồ, không có điểm đầu, không có điểm cuối của truyền thông xã hội, nhưng lại không có quyền quyết định cuộc chơi, mà điều đó lại thuộc về các nền tảng mạng xã hội, các cỗ máy tìm kiếm thông tin, hay các trang tổng hợp tin tức.

Gần đây, vấn đề này lại trở nên thời sự hơn bao giờ hết. Sự sụt giảm lượng công chúng độc giả, ngoài lý do nhiều người “trôi dạt” về các nền tảng mạng xã hội và giải trí như ở trên đã nói, thì còn có nguyên nhân từ chính báo chí, từ việc thực hiện sứ mệnh với sự thật khách quan, cho đến trách nhiệm xã hội của báo chí trước những vấn đề lớn đang đặt ra trên quy mô toàn cầu: sự bình đẳng, tính nhân văn, sự công bằng, hay tính bền vững.

Ở Việt Nam tuy hệ thống báo chí phát huy cao nhất tính dân chủ, tính đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, ngôn luận của mọi tầng lớp nhân dân, nhưng không thể không nhìn thấy những tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường và những nguy cơ ít nhiều ảnh hưởng đến tính khách quan của báo chí. Mặc dù không có con số công khai, nhưng người làm nghề cũng chia sẻ thật về nguồn thu hiện tại của một số cơ quan báo chí hoạt động tự chủ không bao cấp; trong đó, có đến 2/3 là từ các hợp đồng truyền thông với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức.

Bản thân giới báo chí ý thức hơn ai hết về thực trạng này, và nỗ lực của họ là mong muốn một sự tự chủ tài chính với nghĩa là tự chủ về năng lực, chứ không phải chỉ là cơ chế. Đầu tư vào nội dung chất lượng để có thể thu phí độc giả đối với các quốc gia chưa thu phí đọc báo như Việt Nam; tăng cường lôi kéo độc giả đăng ký tài khoản trả phí, giữ chân họ bằng cả chất lượng thông tin cũng như những ứng dụng công nghệ hiện đại AI (trí tuệ nhân tạo) ở các nước có nền báo chí phát triển phương Tây; tái cơ cấu tòa soạn, triển khai mạnh chiến lược chuyển đổi số và các biện pháp cụ thể của số hóa phương thức, cách thức thông tin… là những xu hướng nổi bật nhất trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan báo chí thời gian gần đây.

Đa dạng hóa thông tin và cải tiến chất lượng

Đây là một thực tế nhãn tiền và cũng là hệ quả của những thách thức hiện tại. Trước sức ép của bối cảnh sụt giảm doanh thu cũng như lượng độc giả, báo chí không có cách nào khác là phải cải tiến mạnh mẽ, thậm chí là một cuộc cách mạng về nội dung.

Hai tác giả Nielsen và Selva của bản Báo cáo Reuters kể trên có nhận định lạc quan rằng, đây chính là thời điểm báo chí có thể đạt đỉnh cao chất lượng hơn bao giờ. Theo đó, việc cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân lực, mặc dù là tổn thất không nhỏ, nhưng cũng khiến báo chí nỗ lực sản xuất nhiều nội dung hơn để phục vụ cho việc điền đầy các nền tảng, các kênh truyền, chuyên mục ngày càng phong phú 24/7. Cái gọi là một nền báo chí tốt nhất, theo các tác giả này, đó là, khả năng tiếp cận của công chúng dễ dàng hơn, tính thông tin ngày càng nhiều hơn, tính tương tác, tính thời sự ngày càng cao hơn, tỷ lệ thuận với mức độ gắn kết với người dùng.

Quan sát lạc quan có thể cho thấy cơ hội của những nội dung được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau mà truyền thông số mang lại, cũng như sự phong phú về các luồng quan điểm, tri thức khoa học và góc tiếp cận, một sự đa dạng về các câu chuyện được kể, những tiếng nói bên lề được nghe thấy, những hình ảnh chân thực và kiểm chứng thông tin từ chính cộng đồng - đó là về phương diện nội dung. Về mặt công nghệ và ứng dụng của công nghệ, nhiều hình thức mới của thông tin ra đời, từ báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế ảo khuếch đại, cho đến báo chí dựa trên thuật toán, báo chí tự động và trò chơi tin tức.

Trong một hội thảo của các nhà báo ở Việt Nam về chuyển đổi số báo chí gần đây, các nhà báo cũng chia sẻ những kinh nghiệm về cách làm mới nội dung trên trang báo của mình, một mặt là tiếp tục đầu tư cho những bài báo chất lượng cao, có hàm lượng tri thức sâu và rộng, kiểu dạng siêu tác phẩm (longform hay mega stories); một mặt là cải tiến những cách trình bày, biểu diễn thông tin hấp dẫn, tăng tính tương tác cao hơn và tối ưu hóa những trải nghiệm cho độc giả. Song song với đó là cách thức theo đuổi, “bủa vây” người đọc, biến độc giả thường thành độc giả trung thành, rồi từ đó thành người đăng ký, sẵn sàng trả tiền để mua nội dung tốt báo chí cung cấp.

Báo chí thế giới hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cho toàn bộ hệ thống xã hội, trong đó có báo chí. Nhiều nhà báo mất việc làm do hoạt động tòa soạn bị cắt giảm và cần phải đảm bảo an toàn cho tác nghiệp của nhà báo trong thời gian khủng hoảng đại dịch. Khác với nhiều lĩnh vực khác bị ngưng trệ, báo chí vẫn phải có thông tin, thậm chí là thông tin liên tục trong thời điểm dịch dã hoành hành. Sức ép đó, cộng với những vấn đề trong việc ứng phó đại dịch mà hầu hết quốc gia nào cũng trải nghiệm ở cấp độ chính quyền hay cộng đồng, đã khiến cho tác nghiệp của báo chí gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Mặc dù, đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt trên quy mô toàn cầu, các nhà quan sát đã bàn đến những bài học kinh nghiệm cần rút ra cho báo chí sau đại dịch. Trong đó, nổi bật là xu hướng thu hút lực lượng lao động, nhất là những người tài năng quay trở lại với tòa soạn, sau một thời gian gián đoạn, để phục vụ chiến lược tái thiết hậu Covid-19.

Cũng trong vấn đề liên quan đến tái cơ cấu tòa soạn, báo cáo của Reuters và nhiều nghiên cứu trên thế giới đã bàn đến mô hình “ghép lai” (hybrid) tức là tòa soạn nửa trực tiếp, nửa trực tuyến, do áp lực từ việc thích ứng với thời kỳ khủng hoảng đại dịch Covid-19. Các nhà báo phương Tây, theo các điều tra gần đây, tỏ ra hài lòng với cách làm việc này, nhưng đối với giới quản lý thì có nhiều chuyện phải quan ngại về làm việc nhóm, phối hợp trong ê kíp sản xuất, đặc biệt là tính sáng tạo. Cách làm tin từ xa hay phỏng vấn gián tiếp này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nguyên tắc nghề nghiệp của báo chí, nhất là báo chí điều tra.

Thách thức không nhỏ của báo chí hậu Covid-19 chính là vấn đề lấy lại niềm tin cộng đồng. Nghiên cứu gần đây ở Mỹ chỉ ra rằng, báo chí nước này bị sụt giảm niềm tin nghiêm trọng từ đại dịch, do tính chất mâu thuẫn, thậm chí đối nghịch giữa các đảng phái, giữa công chúng với chính quyền, và giữa các nhóm công chúng với nhau, các sắc tộc, chủng tộc khác nhau trong quan niệm, tư tưởng, ý hệ về chống dịch từ việc đeo khẩu trang, đến tiêm vaccine.

Tương lai của báo chí: Nhận diện cơ hội từ những thách thức
Quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang kỹ thuật số đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong mọi lĩnh vực. (Ảnh: GIJN/Canva)

Báo chí trong một bối cảnh chia rẽ sâu sắc như thế, rõ ràng là khó giữ được niềm tin cộng đồng, và bản thân báo chí của quốc gia hàng đầu cũng có những bối rối nhất định trong thời điểm đại dịch, cũng như chính phủ nước này khi tổn thất về người của nước Mỹ do đại dịch thuộc hàng đầu thế giới. Khảo sát của Gallup trong thời điểm dịch bùng phát, cho thấy chỉ có 9% người trưởng thành ở Mỹ tin hoàn toàn ở báo chí; 31% tương đối tin; 27% tin chút chút; không tin chút nào chiếm đến 33%, tức 1/3 người trả lời. Con số sau cùng thể hiện sự tăng lên 5 lần so với thời điểm trước đại dịch (2019).

Đại dịch Covid-19 cũng đặt ra các vấn đề về chuyển đổi số mạnh mẽ của nền báo chí truyền thông, khi phần đông công chúng và các hoạt động cộng đồng phải chuyển lên không gian số. Đây cũng là tiền đề đặt ra những xu hướng mới cho sự phát triển của báo chí.

NHỮNG XU HƯỚNG MỚI

Bàn về tương lai của báo chí nói chung và xu thế chuyển đối số trong lĩnh vực báo chí nói riêng chắc chắn là không thể không đề cập đến những dự báo, về thay đổi của bản thân nền công nghiệp này trên thực tế. Báo cáo xu hướng mới nhất của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters năm 2022, chỉ ra một số điểm nhấn quan trọng, đặc biệt là các chiến lược số mà nhiều tòa soạn đang áp dụng. Về phía loại hình báo chí số, cũng như sự lựa chọn của công chúng, báo cáo cũng cho thấy sự lên ngôi của phát thanh số, khi loại hình podcast này ngày càng được đón nhận rộng rãi trên các nền tảng tin tức.

Chiếm vị trí trung tâm trong các dự báo thời gian tới, không có gì đáng ngạc nhiên, đó chính là những vấn đề đang nổi bật hiện nay như: trí tuệ nhân tạo AI, blockchain, Web3 hay Metaverse.

Năm 1992, Neal Stephenson, nhà văn, tác giả của cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash đã mô tả Metaverse là một "thế giới kỹ thuật số bao trùm" tồn tại trong một vũ trụ song song với vũ trụ mà chúng ta biết là thế giới vật chất của con người. Nó giống như internet chúng ta biết và yêu thích, nhưng ở dạng 3D. Đó là một vũ trụ số mà cộng đồng có thể tham gia dưới dạng hình đại diện được cá nhân hóa và sau đó tương tác với hình đại diện của người khác. Từ năm ngoái, khi Facebook đổi tên công ty thành Meta, câu chuyện vũ trụ số này lại trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết.

Thực ra, Metaverse không phải là cái gì hoàn toàn mới. Những ứng dụng của thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, mà hệ quả là thực tế ảo mở rộng (extended reality - XR) đã và đang mang đến những trải nghiệm đầu tiên về một thế giới hoàn toàn ảo.

Về mặt thực hành báo chí, đã có một số tòa soạn báo thử nghiệm phỏng vấn nhân vật, với cách họ gọi là “đi vào trong” metaverse. Thời báo Tài chính (Financial Times) tiên phong trong cuộc phỏng vấn Nick Clegg, giám đốc của Meta, và sau đó, giới báo chí ở một số quốc gia khác (như: Hàn Quốc, Trung Quốc) cũng có thử nghiệm tượng tự mà họ đều cho thấy là “một nơi tuyệt vời” để tiến hành phỏng vấn. Năm ngoái, báo South China Morning Post cũng thử nghiệm việc mã hóa các bài báo quan trọng, hình ảnh và các dữ liệu khác dưới dạng token không thể thay thể (NFT, non-fungible tokens), ứng dụng công nghệ blockchain, có thể trao đổi, mua bán, sưu tập mà không sợ bị giả mạo.

Chưa có những nghiên cứu cụ thể về báo chí số và Metaverse, vì thực tế vũ trụ số này vẫn chưa định hình. Nhưng trải nghiệm của báo chí với metaverse có thể tương tự và phát triển lên từ báo chí nhúng (immersive journalism) như đã nói ở trên. Trước đây cũng đã có nghiên cứu về báo chí với thế giới thứ hai (the second life) - ý nói là thế giới được hình thành từ mạng máy tính (Bonnie Brennen và Erika Dela Cerna, 2010).

Việc các công ty công nghệ lớn đang “tiến vào” Metaverse là một thực tế, và một cảnh huốn hoàn toàn mới sẽ mở ra, với những triển vọng và hệ lụy khó lường. Theo giới quan sát, đó sẽ là một cuộc chuyển đổi lớn từ cách tương tác, tổ chức cộng đồng, cách thông tin, kinh doanh, giải trí, thực hành văn hóa…, và kể cả các nghiên cứu học thuật cũng sẽ phải thay đổi theo, do đối tượng và không gian đã khác.

Liệu con người và những giá trị nhân văn thực có vượt qua được lần chuyển đổi này không, hay sẽ nhường quyền cho thế giới ảo? Câu chuyện lại quay trở về với những vấn đề mà nhà xã hội học, nhà tư tưởng người Pháp Jean Baurdrillard đã đặt ra, khi ông bàn về các khái niệm mô phỏng và sự mô phỏng (simulacra và simulation) - những cách thức mà con người càng phát triển, thì càng có xu hướng gán sự trải nghiệm hiện thực và thay thế chính bản thân hiện thực bằng những ký hiệu và biểu tượng mô phỏng.

Ông cũng bày tỏ sự bi quan khi bàn về bộ phim Ma trận (The Matrix) - khi bộ phim vẽ ra viễn cảnh con người bị lệ thuộc vào một thế giới do AI tạo ra và bị khống chế trong đó. Theo giới quan sát gần đây thì tương lai không xa, Metaverse sẽ trở nên phổ biến. Cũng có những lạc quan, tò mò về sự mới mẻ mà nó mang lại, và cũng có những ý kiến lo ngại, nghi ngờ. Và liệu bộ phim Ma trận có phải là một dự báo về Metaverse hay không - một vũ trụ toàn ảo song hành với vũ trụ ta đang trải nghiệm? Hy vọng rằng, con người sẽ không phải trải qua một cuộc đấu tranh để “giải phóng” khỏi công nghệ, mà vẫn có thể làm chủ được nó trong tương lai./.

Tài liệu tham khảo

1. Tâm An (2022). Web3, Metaverse: Cơ hội mới cho ngành sản xuất tin tức?, truy cập từ https://ictvietnam.vn/web3-metaverse-co-hoi-moi-cho-nganh-san-xuat-tin-tuc-20220218220924458.htm

2. Brennen, Bonnie and Cerna, Erika dela (2010). Journalism in Second Life, Journalism Studies, 11(4)

3. Franklin, Bob and Canter, Lily (2019). Digital Journalism Studies - The Key Concept, Routledge, London

4. Newman, Nic (2022). Journalism, Media, and Technology Trends and Prediction 2022, Reuters & Oxford

5. Nielsen, Rasmus Kleis and Selva Meera (2019). More Important, But Less Robust? Five Things Everybody Needs to Know about the Future of Journalism, Reuters & Oxford

6. Toff, Benjamin and Rasmus Kleis Nielsen (2018). ‘I Just Google It’: Folk Theories of Distributed Discovery, Journal of Communication, 68(3), 636-657

TS. Đỗ Anh Đức

Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17, tháng 6/2022)