Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 5, hôm nay (ngày 22/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, theo Văn phòng Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, quy định áp dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành đã phát sinh nghĩa vụ đóng song trùng BHXH. Theo đó, người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam, vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc. Điều này cũng tương tự đối với người lao động Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia sẽ giải quyết vấn đề này bằng việc thỏa thuận thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương về BHXH.

Ủng hộ ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: QH

“Để đảm bảo tuân thủ pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, tránh đóng song trùng BHXH, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ hai bên đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về BHXH giữa hai nước. Việc tiến tới ký kết Hiệp định là sự ghi nhận kết quả của quá trình đàm phán giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán Hiệp định về BHXH trong thời gian tới…”, ông Dung cho hay.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết ký Hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng BHXH 2 lần, tối ưu hóa quyền lợi về BHXH cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, cũng như người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam...

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng ủng hộ quan điểm Chính phủ Việt Nam ký các Hiệp định BHXH song phương nói chung và với Hàn Quốc nói riêng, nhằm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW. Việc ký kết này sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện một số luật mới ban hành. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ có giải trình cụ thể hơn về các nội dung như: thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí; cách tính hưởng chế độ hưu trí; việc áp dụng trực tiếp một phần Hiệp định; tác động của việc đóng hưởng đối với quỹ BHXH khi Hiệp định có hiệu lực…

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Báo cáo phối hợp thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Đối ngoại nhất trí kiến nghị UBTVQH đồng ý việc Chính phủ ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế...

Ủng hộ ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc ký kết Hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng BHXH 2 lần. Ảnh: QH

Nhìn nhận đây là Hiệp định toàn diện về BHXH song phương đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc ký kết Hiệp định này nhằm tránh tình trạng đóng BHXH 2 lần và bảo đảm tối ưu hóa quyền lợi về BHXH của người lao động làm việc tại hai quốc gia.

“Hiện số lượng lao động của Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam rất đông, ngày càng tăng lên trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Do đó, cần tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH, trao đổi bổ sung, đánh giá tác động kỹ hơn về mặt tài chính, từ đó thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định phục vụ cho hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian tới…”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Kết thúc nội dung thảo luận, 100% thành viên UBTVQH biểu quyết đồng ý về nguyên tắc ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, sau phiên họp, Ban cán sự Đảng Chính phủ cần có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành hữu quan hoàn thiện Kết luận của UBTVQH về nội dung này. Căn cứ kết luận, Chính phủ quyết định ký kết Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016./.