VCCI kiến nghị bỏ quy định về phù hiệu, biển hiệu
Theo VCCI, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô là hoạt động có thể tác động đến các lợi ích công công nhất định và vì vậy cần phải được quản lý để hạn chế các tác động bất lợi có thể xảy ra với các lợi ích xã hội liên quan.
Tuy nhiên, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng là hoạt động phục vụ một nhu cầu quan trọng – nhu cầu di chuyển của một bộ phận lớn dân cư, do đó cạnh tranh và phát triển trong ngành này đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm lợi ích của bộ phận dân cư là khách hàng sử dụng dịch vụ này.
VCCI chỉ ra một số những bất cập trong dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải bằng ô tô
Ngoài ra, VCCI cũng lưu ý rằng, hiện Nhà nước đang duy trì cùng lúc nhiều cơ chế kiểm soát đối với hoạt động này (ví dụ kiểm soát sự an toàn của phương tiện thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng và quy trình kiểm định; kiểm soát năng lực của người lái xe thông qua quy trình thi cấp bằng lái xe…). Do đó, việc kiểm soát hoạt động này thông qua các điều kiện kinh doanh cần được thiết kế để giảm thiếu các tác động bất lợi tới các lợi ích công cộng liên quan mà không trùng lặp với các biện pháp kiểm soát đã có, đồng thời bảo đảm không can thiệp bất hợp lý vào cạnh tranh và phát triển trên thị trường này.
Bên cạnh đó, VCCI cũng chỉ ra 4 điểm bất cập lớn trong dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể là: một số quy định chưa đảm bảo tinh thần về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trước hết là các quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 7 Dự thảo, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải đáp ứng các yêu cầu, như: Không được gom khách, không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe; sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ trở lên không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại một địa điểm cố định; trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau; đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê xe cả chuyến, đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng…
VCCI đã rất nhiều lần có ý kiến đối với những quy định trên, vì các quy định này không nhằm bảo vệ bất kỳ lợi ích công công nào, mà chỉ nhằm phân biệt một cách khiên cưỡng về hình thức giữa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với hình thức vận tải theo tuyến cố định, vốn là quy định bất cập, cần được xem xét sửa đổi trong lần sửa đổi Luật giao thông đường bộ tới đây. Các quy định này cũng can thiệp bất hợp lý vào quyền tự do hợp đồng của các chủ thể và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, dự thảo có một số quy định tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong khi mục tiêu quản lý nhà nước chưa rõ ràng và khó có khả năng đạt được, như yêu cầu “Thông báo phần mềm tính tiền tới Sở Giao thông Vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đối với xe taxi tính tiền thông qua phần mềm”.
Và như yêu cầu “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép bằng văn bản hoặc qua thư điện tử”.
VCCI cũng cho rằng, trong dự thảo, chính sách đối với hình thức kinh doanh mới còn nhiều bất cập.
“Trong lĩnh vực vận tải đang có nhiều ý kiến trái chiều về hình thức kinh doanh của Grab và các hình thức tương tự.. Dự thảo đã có những nỗ lực nhất định để có thể quản lý được hoạt động này (dưới hình thức ”hợp đồng vận tải điện tử”). Thế nhưng, ngoài một số quy định bổ sung liên quan trực tiếp tới hợp đồng vận tải điện tử (các khoản 1-3), chưa có cơ chế nào mới hay riêng biệt nào được dự kiến cho Grab”, VCCI cho biết.
Đáng lưu ý, VCCI cũng chỉ ra những quy định có tính chất phân biệt đối xử giữa các đối tượng có hoàn cảnh/tính chất giống nhau. Ví dụ, quy định “Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử”. Quy định này đồng nghĩa với việc, hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh vận tải không được phép kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng, dự thảo quy định mỗi xe ô tô của doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải gắn phù hiệu và biển hiệu tương ứng với hình thức kinh doanh vận tải của doanh nghiệp. Theo đúng quy định này, thì mặc dù Dự thảo không nêu rõ ra là doanh nghiệp không có phù hiệu, biển hiệu thì không được phép triển khai hoạt động kinh doanh vận tải, dù đã có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhưng việc quy định các xe ô tô kinh doanh vận tải phải được gắn biển hiệu, đồng nghĩa với việc biển hiệu, phù hiệu là yêu cầu bắt buộc, nếu doanh nghiệp kinh doanh vận tải muốn sử dụng ô tô để kinh doanh. Như vậy, đây cũng được xem là một loại giấy phép.
Quy định về loại giấy phép này được suy đoán là nhằm nhận diện các loại xe ô tô trong mỗi hình thức kinh doanh vận tải khi lưu thông trên đường và giúp cơ quan quản lý giám sát được việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai nhiều năm qua với quy định này, có thể thấy đây là cơ chế có nhiều bất cập, chồng chéo và không hợp lý.
Theo cơ chế quản lý hiện tại, có rất nhiều quy định giúp nhận diện và đánh giá doanh nghiệp kinh doanh vận tải có chấp hành đúng quy định pháp luật hay không. Quan trọng hơn cả là cơ chế buộc các xe ô tô của doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình và đây được xem là công cụ giám sát, quản lý hiệu quả.
VCCI cho hay theo phản ánh của doanh nghiệp, mặc dù quy định thời hạn hiệu lực của phù hiệu gắn với thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng do phù hiệu thường xuyên bị mờ, nên doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hành chính nhiều lần để đổi, cấp lại phù hiệu, tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Từ các lý do nêu trên, VCCI đề nghị xem xét bỏ quy định về phù hiệu, biển hiệu./.
Bình luận