Việt Nam cần một cách tiếp cận mới về khoa học dự báo
Mới là những gì chúng ta chưa biết vào hôm nay. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ như vậy tại một cuộc hội thảo về đổi mới, sáng tạo đầu năm 2021. Vậy làm thế nào để chủ động thích ứng và hành động thông minh với một tương lai đầy biến động? Chuyên gia UNDP cho rằng, Việt Nam cần phát triển ngành quản trị tiên liệu.
Định danh quản trị tiên liệu
UNDP chọn Trường Đại học Kinh tế quốc dân làm nơi “gieo mầm” cho tư duy về quản trị tiên liệu. Đây là Trường đào tạo kinh tế hàng đầu tại Việt Nam, có 65 năm tuổi, với hơn 45.000 sinh viên đang theo học. Đặc biệt, Trường Đại học Kinh tế quốc dân có khoa Kế hoạch và Phát triển, là một trong những khoa có lịch sử ra đời ngay từ những ngày đầu thành lập Trường, mang sứ mệnh trang bị kiến thức về khoa học dự báo, hoạch định và quản lý phát triển cho các sinh viên, học viên.
Theo GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, quản trị tiên liệu là một hướng đi mới, Trường muốn dần đưa vào giảng dạy
GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Nhà trường cho biết, khoa học dự báo có vai trò quan trọng trong công tác hoạch định phát triển kinh tế xã hội. Tại Việt Nam, nền tảng lý thuyết về khoa học dự báo có sự thay đổi theo thời gian. Đến nay, trước bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra rất nhanh và có nhiều yếu tố mới, đòi hỏi ngành khoa học dự báo phải có cái nhìn bao quát và rộng lớn hơn những gì đang có. Quản trị tiên liệu, theo GS. TS Trần Thị Vân Hoa, là một hướng đi mới mà Nhà trường mong muốn có sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như UNDP để thấu hiểu và từng bước đưa môn học/ngành học này thành một nội dung cốt lõi trong chương trình đào tạo của Khoa và Nhà trường, nhằm cung cấp cho xã hội một đội ngũ chuyên gia quản trị chiến lược.
Vậy quản trị tiên liệu khác gì khoa học dự báo truyền thống? PGS. TS Lê Huy Đức, Khoa Kế hoạch và Phát triển cho rằng, dự báo là một tiến trình dựa trên dữ liệu quá khứ, nhận thức các quy luật đã và sẽ hình thành để đưa ra kịch bản cho tương lai. Dự báo chỉ là một cấu phần của quản trị tiên liệu. Quản trị tiên liệu lấy dự báo làm gốc, nhưng mở góc nhìn để tích hợp các yếu tố mới, bất thường có thể xuất hiện và hình thành các kịch bản có thể xảy ra, tầm nhìn, mục tiêu tương lai, để từ đó xây dựng các nhân tố cần thiết, các hành động đối ứng để đi đến kết quả mong muốn. Trong quan hệ so sánh với dự báo, quản trị tiên liệu có nội dung rộng hơn, nó là một công cụ quản lý, còn dự báo thì không. Dự báo chỉ giả thiết về tương lai, còn quản trị tiên liệu vận dụng kết quả dự báo để hoạch định tương lai.
PGS. TS Lê Huy Đức cho biết, dự báo chỉ giả thiết về tương lai, còn quản trị tiên liệu vận dụng kết quả dự báo để hoạch định tương lai
Nói cách khác, dự báo dựa trên quy luật khách quan để xác định trạng thái tương lai, làm căn cứ để ra quyết định quản lý, còn quản trị tiên liệu là một quá trình hợp tác, có sự tham gia giữa các thành phần từ Chính phủ, các tổ chức, người dân. Quá trình hợp tác này nhằm giải quyết 3 vấn đề lớn: khám phá và hình dung về tương lai; thiết lập định hướng, phát triển các kịch bản chiến lược và thử nghiệm, đổi mới để đạt mục tiêu mong muốn. Ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu và nắm vững khoa học quản trị tiên liệu là rất cần thiết, vì trước hết nó làm thay đổi tư duy quản lý từ phương thức "quản lý phản ứng" là chủ yếu sang phương thức kết hợp hiệu quả giữa "quản lý phản ứng" và " quản lý dự báo". Sau nữa và quan trọng hơn, đó là trang bị cho các nhà quản lý công cụ để hoạch định chính sách và ra quyết định quản lý trên cơ sở tính đến một cách đầy đủ những thay đổi trong tương lai trong điều kiện môi trường ngày càng bất định.
Liên kết chính là chìa khóa
Là một trong những người đầu tiên được tiếp nhận tri thức về quản trị tiên liệu từ UNDP, TS. Ngô Quốc Dũng chia sẻ, quản trị tiên liệu ưu việt ở chỗ cho phép tổng hợp trí tuệ và hiểu biết tổng tập thể để nhận định và đối ứng với các rủi ro chiến lược và tận dụng các cơ hội mới để đáp ứng các mục tiêu phát triển.
Quản trị tiên liệu là một nỗ lực hợp tác, phụ thuộc vào quan hệ đối tác, hệ thống quản lý tri thức và truyền thông. Theo đó, liên kết chính là chìa khóa thúc đẩy sự gặp nhau giữa công tác dự báo với sự thay đổi của các giả định và khả năng thích nghi những gì tương lai sẽ đến.
Quản trị tiên liệu ưu việt ở chỗ cho phép tổng hợp trí tuệ và hiểu biết tổng tập thể để nhận định và đối ứng với các rủi ro - TS. Ngô Quốc Dũng
Tương lai có thể là nhiều viễn cảnh khác nhau, nên TS. Ngô Quốc Dũng cho biết, quản trị tiên liệu thúc đẩy tìm kiếm tương lai ở 3 định dạng: tương lai kỳ vọng (là trạng thái mà nếu mọi thứ hiện tại vẫn tiếp diễn); tương lai thay thế (tập hợp các kịch bản hợp lý nếu điều gì đó ít kỳ vọng lại xảy ra); tương lai ưu tiên (trạng thái tương lai được kỳ vọng hoặc mong muốn nó xảy ra).
Quốc tế đã phát triển quản trị tiên liệu từ 40 năm…
Nhân loại đang ở một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển khi cuộc cách mạng 4.0 mang đến những tiện ích vượt trội mà vài ba thế kỷ trước, con người khó tưởng tượng ra. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, siêu virus hay nguy cơ mất an ninh mạng… Thực tế này đòi hỏi cách làm kế hoạch của một quốc gia, một tổ chức, hay một con người cần phải thay đổi. Không thể làm truyền thống theo các bước từ A-Z một cách cứng nhắc như quá khứ, bởi có quá nhiều yếu tố mới, đòi hỏi dự báo phải bao hàm sự uyển chuyển và tính thích nghi cao hơn.
Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Đổi mới, sáng tạo UNDP cho biết, ở phương Tây, ngành quản trị tiên liệu có mặt khoảng 40 năm nay, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần có một phương pháp hiện đại hơn khoa học thống kê, để giải quyết bài toán tương lai khi các yếu tố mới liên tục xuất hiện, có thể làm thay đổi nhanh chóng hiện trạng cuộc sống. Chính phủ nhiều quốc gia sử dụng quản trị tiên liệu vào định hướng chiến lược, chính sách phát triển. Chẳng hạn, tại Phần Lan, ngành tương lai học có vai trò hỗ trợ việc định hình các chiến lược ngành nghề cho đất nước. Tại Singapore, họ phát triển phòng tư vấn cho Thủ tướng về các xu hướng trong tương lai, giúp nhà lãnh đạo mở rộng tầm nhìn và chọn lựa con đường phát triển. ASEAN có liên minh tiên lượng ASEAN gồm các nhà khoa học trẻ, cùng nghiên cứu và tiên lượng những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai…
Bà Ida Uusikyla, Cán bộ Đổi mới, sáng tạo UNDP chia sẻ, UNDP mong muốn Việt Nam ứng dụng được quản trị tiên liệu trong các hoạt động dự báo kinh tế. Trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã hành động tốt và nhanh chóng trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và giữ nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng để bước vững trong tương lai, Việt Nam cần một cách tiếp cận mới về khoa học dự báo và tiên liệu, bên cạnh cách tiếp cận về kế hoạch hóa truyền thống như nhiều năm qua.
Chuyên gia UNDP cho rằng, Việt Nam cần một cách tiếp cận mới về khoa học dự báo
Chia sẻ góc nhìn của UNDP, GS. TS Ngô Thắng Lợi, Khoa Kế hoạch và Phát triển, cho rằng, công tác hoạch định phát triển ở Việt Nam đang từng bước chuyển từ lập kế hoạch dựa trên nguồn lực sẵn có sang lập kế hoạch chiến lược. Có nghĩa là hình dung trước về tương lai, rồi từ đó đưa ra các kịch bản khác nhau để định dạng các hành động phải làm trong hiện tại. Quản trị tiên liệu hoàn toàn phù hợp với xu hướng đổi mới này và hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng, lựa chọn và lập kế hoạch hành động tương tứng với các kịch bản phát triển đã lựa chọn.
Con đường khả thi đưa quản trị tiên liệu vào Việt Nam
Tại Việt Nam, phân tích từ ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, quản trị tiên liệu đã được thực thi khi đất nước ta phải đối diện với dịch SARS (năm 2003) và nay là đại dịch Covid-19. Chính việc dự liệu các kịch bản có thể xảy ra và giải pháp đối ứng đã giúp Việt Nam trở nên an toàn và chủ động hơn trong phòng, chống đại dịch. Đây là bài học thực tiễn quý giá cho ngành quản trị tiên liệu, kỳ vọng được định hình sớm tại Việt Nam.
Theo ông Thịnh, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần một cách tư duy mới về khoa học dự báo và công tác xây dựng kế hoạch, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân có phương pháp phát hiện sớm các rủi ro, nhận diện xu thế, các cơ hội tương lai trong một môi trường kinh tế mở, hội nhập và biến đổi nhanh chóng. Ông Thịnh ủng hộ ngành quản trị tiên liệu và cho rằng, đây là chuyên ngành phù hợp với công tác làm kế hoạch thời hiện đại. Đặc biệt, quản trị tiên liệu tận dụng được thế mạnh của công nghệ, bigdata, trí tuệ tập thể, để cải thiện tính chính xác của những dự báo, đồng thời cho phép thử nghiệm, vừa làm, vừa hoàn chỉnh.
Xuất phát từ quan sát thực tế và thấy rằng, quản trị tiên liệu đã thành công trong một số trường hợp tại Việt Nam, ông Thịnh gợi ý, chương trình đào tạo mà UNDP và Trường Đại học Kinh tế quốc dân xây dựng nên kết hợp chia sẻ tri thức quốc tế và câu chuyện thực tiễn ở Việt Nam. Cùng với đó, do đây là môn khoa học mới với Việt Nam, nên việc đào tạo nên chọn thực thi trong một số lĩnh vực hẹp trước. “Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thúc đẩy nỗ lực đổi mới, sáng tạo thành văn hóa, thành hành động của các địa phương, doanh nghiệp. Nếu quản trị tiên liệu mang những tri thức mới, góp sức thúc đẩy nỗ lực đổi mới sáng tạo tại một số chủ thể, thì từ đó sẽ dễ lan tỏa ra đến nhiều người”, ông Thịnh gợi mở.
Phó giám đốc NIC chia sẻ, thực tế, quản trị tiên liệu đã được thực thi khi đất nước ta phải đối diện với dịch SARS (năm 2003) và nay là đại dịch Covid-19
Tọa đàm khoa học về quản trị liên liệu do UNDP phối hợp với Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 4/5/2021 vừa qua nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu đến từ bộ ngành trung ương như Trung tâm Dự báo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số địa phương (tỉnh Bắc Ninh). Đa số ý kiến cho rằng, quản trị tiên liệu không chỉ là lập kế hoạch, mà còn là quản trị quá trình triển khai kế hoạch. Yếu tố quản trị cũng là yếu tố còn hạn chế và phải được tăng cường củng cố hơn nữa trong thời gian tới.
Việt Nam đang bước vào năm đầu tiên của kỷ nguyên phát triển mới, 2021-2030 với khát vọng phát triển Đất nước lên tầm cao mới. Nhiều chỉ tiêu kinh tế lớn đã được đặt ra như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP… Mục tiêu rất cụ thể, nhưng con đường đi đến mục tiêu luôn có nhiều yếu tố mới chưa lường trước được và vì thế, các chuyên gia, nhà khoa học đồng quan điểm rằng, đưa quản trị tiên liệu vào công tác lập và giám sát thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ở các cấp, các ngành có thể giúp nền kinh tế đi đến tương lai chủ động và vững vàng hơn./.
Bình luận