Việt Nam nằm trong top 30 thế giới về nghiên cứu AI
Sáng ngày 20/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Thung lũng Silicon tổ chức hội thảo “Tương lai của Trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2023”.
Tại hội thảo, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC cho biết, sau gần một năm thành lập, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Thung lũng Silicon đã có những đóng góp tích cực vào việc kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, tạo tiền đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam - Hoa Kỳ thông qua việc kết nối các công ty và tài năng công nghệ hàng đầu của hai nước. Nhiều chuyên gia công nghệ từ Thung lũng Silicon đã về Việt Nam khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học và tham gia, kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của NIC như: Công ty Genetica, Earable, GotIt...
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC phát biểu tại hội thảo |
Đặc biệt, Việt Nam đã có những bước tiếp cận đầu tiên và phù hợp thực tiễn trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ AI, lấy trọng tâm là ứng dụng công nghệ, phục vụ trực tiếp vào các nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng. Theo báo cáo của Thundermark Capital, Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng ấn tượng với vị trí 26 và tổng điểm nghiên cứu là 5. Thành tích này đưa Việt Nam trở thành một trong 2 đại diện của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore, góp mặt trong top 30 thế giới về nghiên cứu AI.
Với sứ mệnh là cơ quan của Chính phủ trong việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, NIC luôn tiên phong trong việc hỗ trợ các hoạt động trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các chính sách để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có khả năng tiếp nhận những giải pháp tiên tiến trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo giải quyết những bài toán phát triển cho doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Ngoài ra, NIC còn đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn thế giới, ví dụ như với mạng lưới tại Thung lũng Silicon để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung, AI nói riêng, đồng hành với các doanh nghiệp và trí thức Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ họ trong việc phát triển sự nghiệp, mở rộng kinh doanh tại quê hương, chuyển giao công nghệ…”, ông Hoài nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ sự kiện, các phiên thảo luận về “Tương lai của Trí tuệ nhân tạo tạo sinh” và “An ninh mạng và Việc làm tương lai” là những vấn đề không chỉ được nhiều chính phủ đặc biệt quan tâm, mà còn gây nhiều tranh cãi trong giới phát triển công nghệ và các nhà hoạch định chính sách. Công nghệ trí tuệ nhân tạo được phát triển và ứng dụng nhanh chóng đã tạo ra những hoài nghi về việc kiểm soát thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm trong một số ngành nghề và còn nhiều tác động khác nữa mà chúng ta chưa lường hết được.
Vậy các công ty công nghệ Việt Nam sẽ có những lựa chọn gì, Chính phủ cần có chiến lược gì để Việt Nam có được nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia phát triển và ứng dụng công nghệ AI nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế và sự dịch chuyển lao động do AI tạo ra? Những thắc mắc này đã được các diễn giả - những người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ và sáng lập các công ty công nghệ có trụ sở tại Silicon Valley và Việt Nam giải đáp trong các phiên tọa đàm và phần hỏi đáp./.
Bình luận