Vĩnh Phúc phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong các KCN
KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội
Từ khi hình thành KCN đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc (năm 1997) cho đến nay, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang phát huy cao vai trò chủ lực trong nền kinh tế Tỉnh nhà, trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp của Tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động; tăng thu nguồn lớn cho ngân sách địa phương, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc ngày một phát triển vững chắc.
KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc |
Thời gian gần đây, với sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trong các KCN, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang ngày một phát triển đồng bộ, hiện đại, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.
Như nhiều địa phương trong cả nước, thời gian qua, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua muôn vàn khó khăn do hệ lụy của dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Vượt lên những khó khăn này, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) cùng các nhà đầu tư trong các KCN của Tỉnh đã đặt quyết tâm cao, cố gắng nỗ lực không ngừng vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa tăng tốc thu hút đầu tư và giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh trong các KCN trên địa bàn. Qua đó giúp cho hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh
Doanh nghiệp FDI hoạt động trong KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Trong 11 tháng đầu năm 2022, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 23 dự án FDI mới và 31 lượt dự án FDI tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 298,08 triệu USD (cấp mới: 175,04 triệu USD; tăng vốn: 123,04 triệu USD), bằng 32% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 99% kế hoạch năm 2022; đồng thời thu hút 15 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.544,7 tỷ đồng, bằng 77% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 454% so với kế hoạch năm 2022.
Tính đến ngày 15/11/2022, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN Tỉnh là 446 dự án, bao gồm 97 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 26.558,18 tỷ đồng và 349 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.685,09 triệu USD.
Mặt khác, hoạt động sản xuất kinh doanh của các KCN trên địa bàn Tỉnh cũng ghi nhận những kết quả tích cực, số lượng các doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh qua các tháng tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm 2022, các KCN của Tỉnh có thêm 41 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng tháng 10 và tháng 11/2022, các KCN của Tỉnh lần lượt có thêm 2 và 3 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lũy kế đến ngày 15/11/2022, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc có 388 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (319 dự án FDI và 69 dự án DDI), chiếm 87% tổng số dự án đầu tư.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN của Tỉnh từ đầu năm đến nay đã đạt được các kết quả khả quan. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp hoàn thành xây dựng dự án và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối lớn, nên các chỉ tiêu về doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước của các dự án trong KCN tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Một số kết quả cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2022:
Các doanh nghiệp FDI: Doanh thu ước đạt 6.712,61 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu đạt 5.061,14 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách nhà nước đạt 3.823,0283 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp DDI: Doanh thu ước đạt 9.142,27 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu đạt 1.333,34 tỷ đồng, đạt 4.186% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách nhà nước 293,47 tỷ đồng, đạt 214% so với cùng kỳ năm 2021.
Tạo nhiều việc làm cho người lao động
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH DAIWA Plastics Thăng Long, KCN Thăng Long, tỉnh Vĩnh Phúc |
Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN ngày càng ổn định và phát triển đã mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động, đồng thời góp phần ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc thu hút được lực lượng lao động dồi dào, đặc biệt là lao động có tay nghề chuyên môn cao lại càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất và tạo đà tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác quản lý lao động trong các KCN, đặc biệt các KCN đang thu hút nhiều lao động nước ngoài, nên hoạt động quản lý về vấn đề này tương đối khó khăn, phức tạp, cần phải theo dõi chặt chẽ, thường xuyên. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động. Quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp chăm lo đến đời sống, việc làm cho người lao động; thực hiện đúng các chế độ, chính sách, quyền lợi cho người lao động. Quan tâm đề xuất với lãnh đạo UBND Tỉnh đầu tư xây dựng các dự án nhà ở và các thiết chế văn hoá cho công nhân lao động trong các KCN. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động…
Với môi trường làm việc hấp dẫn, tính đến tháng 9/2022, các doanh nghiệp FDI đã thu hút và tạo việc làm cho 116.122 lao động (trong đó lao động là người Vĩnh Phúc có 76.199 người, chiếm 66% tổng số lao động), tăng 12.975 người so với thời điểm ngày 15/12/2021. Các doanh nghiệp DDI thu hút và tạo việc làm cho 9.103 lao động (trong đó lao động là người Vĩnh Phúc có 5.303 người, chiếm 58% tổng số lao động), tăng 799 người so với thời điểm ngày 15/12/2021.
Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN sử dụng 125.225 lao động trong nước và 1.862 lao động nước ngoài.
Số lao động trong nước chia theo từng KCN như sau: KCN Khai Quang: 47.507 người; KCN Bình Xuyên: 15.923 người; KCN Bình Xuyên II: 10.749 người; KCN Bá Thiện: 18.788 người; KCN Bá Thiện II: 26.749 người; KCN Tam Dương II Khu A: 1.248 người; KCN Thăng Long Vĩnh Phúc: 2.243 người; KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa 1.973 người.
Tính đến hết tháng 9/2022, tình hình sử dụng lao động trong các lĩnh vực sản xuất tại các KCN Tỉnh như sau:
Lĩnh vực công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy: Thu hút và giải quyết việc làm cho 2.181 người, tăng 244 người so với thời điểm 15/12/2021.
Lĩnh vực công nghiệp phụ tùng ô tô, xe máy: Thu hút và giải quyết việc làm cho 9.544 người, tăng 1.066 người so với thời điểm ngày 15/12/2021.
Lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử: Thu hút và giải quyết việc làm cho 75.259 người, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI trong KCN, tăng 8.409 người so với thời điểm ngày 15/12/2021.
Lĩnh vực dệt may: Thu hút và giải quyết việc làm cho 18.628 người, tăng 2.082 người so với thời điểm ngày 15/12/2021.
Lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp trong KCN thuộc Tập đoàn Prime Group: Thu hút và giải quyết việc làm cho 1.067 người trong và ngoài Tỉnh, tăng 119 người so với thời điểm 15/12/2021.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các KCN
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp FDI trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc |
Với việc triển khai đầu tư các KCN mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trong các KCN của Tỉnh, cùng với các dự án mới đã và đang được cấp phép và bắt đầu triển khai đầu tư, các dự án đang sắp sửa hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, chắc chắn trong thời gian tới nhu cầu về sử dụng lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng lên đáng kể.
Để giải quyết bài toán về nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp KCN trong thời gian sắp tới, được biết hiện nay, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong các KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Mặt khác, Ban Quản lý tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp để đáp ứng kịp thời nhu cầu về đào tạo nghề, cũng như nhu cầu về tuyển dụng lao động đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp, qua đó góp phần quan trọng tạo nhiều việc làm cho người lao động và phát triển nguồn lao động chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để giúp các doanh nghiệp trong các KCN chủ động xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh tốt nhất và hiệu quả nhất./.
Bình luận