Xây dựng Luật Đơn vị HCKTĐB: Đột phá cả về thể chế kinh tế và hành chính
Cần một mô hình mới đặc biệt hấp dẫn đầu tư
Qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, đến nay, cả nước đã có 17 khu kinh tế (KKT) ven biển, 26 KKT cửa khẩu, 3 khu công nghệ cao (KCNC) và 325 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Các KKT, KCN, KCX đã thu hút được khoảng 153,7 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (chiếm gần 52,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) và 1.644 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước đăng ký, giải ngân đạt tương ứng là 91,8 tỷ USD và 690,8 nghìn tỷ đồng; đóng góp khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 51% giá trị xuất khẩu của cả nước; thu hút hơn 3 triệu lao động. Mô hình KCN, KCX, KKT… trở thành những trọng điểm thu hút đầu tư, đã và đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng, tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, có thể thấy, những mô hình này hiện không còn mới; cơ chế, chính sách ưu đãi chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư và kém tính linh hoạt do bị khống chế bởi khung pháp luật chuyên ngành; thẩm quyền của bộ máy quản lý chưa thống nhất và bị phân tán cho các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau trên cùng một lĩnh vực... Trong khi đó, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; việc khai thác các tiềm năng tĩnh của đất nước, như: tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ... đã dần tới hạn; môi trường đầu tư đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh mạnh mẽ...
Phú Quốc sẽ phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tập trung vào dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hiện đại
Nhìn ra quốc tế từ năm 1942, nhiều quốc gia đã phát triển thành công các mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp - công nghệ cao thông minh”... với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi vượt trội. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển và hiện vẫn tiếp tục được các quốc gia hoàn thiện, phát triển với quy mô lớn hơn và có mức độ tự do, ưu đãi và cạnh tranh cao hơn trên nhiều lĩnh vực nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, điển hình, như: Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE), Khu kinh tế tự do Incheon, Thành phố quốc tế tự do Jeju (Hàn Quốc)...
Xu thế chung trên thế giới hiện nay là chủ động tạo dựng “sân chơi mới”, chủ động kiến tạo phát triển thông qua thường xuyên cập nhật mô hình phát triển mới với thể chế, chính sách vượt trội, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Để bắt kịp xu thế đó, Việt Nam cũng cần phải chủ động xây dựng, kiến tạo một mô hình đặc khu kinh tế mới với những thể chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và tạo động lực mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.
Việc xây dựng và phát triển mô hình đặc khu kinh tế, đơn vị HCKTĐB cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đã được xác định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII, Văn kiện Đại hội X, XI và XII của Đảng, Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua, Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2016-2020 được Quốc hội phê duyệt.
Tạo khung khổ pháp lý với cơ chế, chính sách vượt trội và đủ sức cạnh tranh
Tại phiên họp ngày 17/03/2017, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận: đồng ý cho thành lập 3 đơn vị HCKTĐB: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước. Cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt do Luật Đơn vị HCKTĐB quy định.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì cùng các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang xây dựng dự án Luật Đơn vị HCKTĐB để tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đặc khu nói trên. Yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị HCKTĐB của Việt Nam là tạo được “sân chơi mới” hấp dẫn, minh bạch, thông thoáng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược toàn cầu, đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trên thế giới; tạo một cực tăng trưởng mới, có tác động lan tỏa tích cực với khu vực xung quanh, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế; bên cạnh đó, thể chế về kinh tế và hành chính của đặc khu phù hợp với thể chế chính trị, Hiến pháp của Việt Nam.
Bám sát và cụ thể hóa đầy đủ tinh thần, nội dung các quy định của Hiến pháp, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Luật Đơn vị HCKTĐB được xây dựng theo hướng mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách mới, đảm bảo vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế, đột phá cả về thể chế kinh tế và hành chính. Những cơ chế, chính sách này có thể vượt quy định của các Luật hiện nay, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB phải có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo chuẩn mực quốc tế.
Với rất nhiều quy định mới mang tính đột phá, điểm tiên quyết trong xây dựng Luật Đơn vị HCKTĐB là phải đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường
Nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế
Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn nghiên cứu kinh nghiệm phát triển các đặc khu kinh tế (bao gồm: các đặc khu kinh tế, khu tự do, khu thương mại tự do, đặc khu hành chính và các mô hình tương tự) của một số quốc gia và vùng lãnh thổ được quốc tế đánh giá là phát triển thành công các mô hình này, như: Singapore, UAE, Trung Quốc, Hàn Quốc, Quần đảo BVI và Cayman); một số nước ASEAN cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và gần đây mới phát triển mô hình, như: Malaysia, Thái Lan, Myanmar và một số nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản đang tập trung phát triển mô hình mới để đón đầu cuộc Cách mạnh Công nghiệp lần thứ 4.
Qua nghiên cứu có thể thấy, thành công của các đặc khu kinh tế tại một số nước nêu trên là do đã gắn kết các điều kiện địa lý - chính trị thuận lợi với các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt và thể chế hành chính vượt trội. Cụ thể là: có luật điều chỉnh riêng cho đặc khu kinh tế; các đặc khu đều được xây dựng tại những nơi có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược, điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; đặc khu có chiến lược phát triển phù hợp, có mục tiêu phát triển rõ ràng và hướng tới những ngành, nghề ưu tiên phát triển, có lợi thế so sánh vượt trội; môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh trạnh quốc tế; Chính phủ hỗ trợ ban đầu cho các đặc khu để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực dưới hình thức liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và tư nhân; bộ máy quản lý hành chính của đặc khu tinh gọn và hiệu quả...
Theo nghiên cứu quốc tế của FIAS (2008), Pakistan, một số đặc khu kinh tế của Ấn Độ, một số quốc gia ở châu Phi (Senegal, Namibia, Liberia, Bờ Biển Ngà, Công Gô, Nam Phi), Ukraine, Moldova là các quốc gia không phát triển thành công mô hình đặc khu kinh tế.
Một số quy định mới mang tính chất "mới, đột phá" trong Dự thảo Luật
(1) Đơn vị HCKTĐB sẽ chỉ có một Quy hoạch tổng thể, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đảm bảo việc xây dựng và phát triển đơn vị HCKTĐB phù hợp với định hướng, mục tiêu, lợi thế so sánh của từng khu, hạn chế tối đa sự phát triển tự phát; đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ giữa hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực với nhau. Theo đó, Dự thảo Luật quy định về nội dung, nguyên tắc, quy trình lập, điều chỉnh, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch đơn vị HCKTĐB theo hướng tích hợp các quy hoạch liên quan. Đặc biệt, điểm “mới” và “mở” của Dự thảo Luật là cho phép thuê tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài xây dựng quy hoạch đơn vị HCKTĐB để đảm bảo chất lượng và tầm nhìn dài hạn của quy hoạch.
(2) Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có sự phân biệt đối xử khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB. Dự thảo Luật quy định nhà đầu tư được lựa chọn pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế để điều chỉnh hợp đồng dân sự, thương mại, kinh doanh có yếu tố nước ngoài; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác tại tòa án nước ngoài, loại trừ một số tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của tòa án Việt Nam.
Dự thảo Luật Đơn vị HCKTĐB đã được Chính phủ cho ý kiến. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội, Luật này sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội hóa XIV. |
(3) Danh mục các ngành, nghề đầu kinh doanh có điều kiện kiện đối với nhà đầu tư tại đơn vị HCKTĐB được rút gọn xuống còn 108 (so với 243 ngành, nghề theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014), chỉ giữ lại một số ngành thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư năm 2014. Gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh .
(4) Thủ tục đầu tư kinh doanh đơn giản, nhanh gọn, giải quyết tại trung tâm hành chính công, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài được bình đẳng như nhà đầu tư trong nước trong thực hiện quyền tự chủ lựa chọn các hình thức đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế. Các thủ tục có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường, xuất - nhập khẩu, hải quan, lao động,… cũng được giải quyết tại trung tâm hành chính công do chính quyền đơn vị HCKTĐB quy định theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, qua hệ thống mạng trực tuyến và do chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB ban hành; không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh như Luật Đầu tư năm 2014; không thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài.
(5) Quy định các chính sách huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các đơn vị HCKTĐB, như: cho phép nhà đầu tư được đề xuất hình thức đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo thông lệ quốc tế, các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư của nhà đầu tư (xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, khu tái định cư và công trình khác ngoài hàng rào dự án), mà chưa bố trí được vốn, thì nhà đầu tư được phép ứng trước vốn để thực hiện; ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng, xã hội và môi trường thiết yếu và quan trọng; xác định ngân sách đơn vị HCKTĐB là một cấp ngân sách.
(6) Các chính sách ưu đãi đầu tư (thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, xuất nhập khẩu, đất đai, sử dụng đất…) quy định tại Dự thảo Luật hấp dẫn, linh hoạt không cào bằng, mà tập trung cho thu hút các dự án thuộc các ngành, nghề ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng và lợi thế so sánh của từng đơn vị HCKTĐB.
(7) Bên cạnh đó, để có sự cạnh tranh với những đặc khu kinh tế trên thế giới, cơ quan soạn thảo Luật đã đề xuất nâng thời hạn sử dụng đất so với quy định hiện hành (tối đa là 99 năm đối với một số ngành, nghề ưu tiên phát triển và được Thủ tướng chính phủ cho phép); cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam; cho phép người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng thông qua nhận chuyển nhượng trực tiếp từ tổ chức, cá nhân trong nước và từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
(8) Có các chính sách thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch như cho phép bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan; thực hiện miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày; cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đơn vị HCKTĐB.
(9) Các chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động Việt Nam; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân; gắn kết chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và người lao động với chính sách tiền lương tự chủ, khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; được ký hợp đồng làm việc với chuyên gia trong nước và nước ngoài; thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết lao động dôi dư theo quy định của chính quyền đơn vị HCKTĐB.
Ngoài cơ chế, chính sách chung áp dụng chung, các Đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù riêng để phát triển các ngành, nghề ưu tiên, phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng đặc khu.
Xét trên 9 nhóm tiêu chí (chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh), thì nội dung quy định tại dự thảo Luật hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, KKT tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar.
Về tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB
Để bảo đảm tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội, cạnh tranh quốc tế, cơ quan soạn thảo đề xuất xác định chính quyền địa phương tại các đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là cấp chính quyền địa phương. Theo đó không tổ chức HĐND và UBND tại ba đơn vị HCKTĐB.
- Cấp Trung ương và cấp tỉnh: Trưởng Đơn vị HCKTĐB thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn do Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh giao theo quy định tại khoản 3 Điều 112 của Hiến pháp.
- Cấp huyện: Trưởng Đơn vị HCKTĐB thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc tỉnh tại đơn vị HCKTĐB.
- Cấp xã: Trưởng Đơn vị HCKTĐB chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND phường của thành phố thuộc tỉnh. Để giúp Trưởng Đơn vị HCKTĐB thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn này, Trưởng Khu hành chính được phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND phường theo các quy định của pháp luật hiện hành và một số nhiệm vụ, quyền hạn khác trên địa bàn khu hành chính.
Dự thảo Luật quy định cơ chế giám sát Trưởng đơn vị HCKTĐB thông qua kiểm tra, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh; quy định cơ chế báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ giao và về toàn bộ hoạt động của đơn vị HCKTĐB; quy định cơ chế giám sát của Nhân dân thông qua việc Trưởng Đơn vị HCKTĐB thông báo kết quả hoạt động; tổ chức tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư, kiến nghị của công dân và tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân.
Như vậy, quy định về các mối quan hệ nêu trên sẽ bảo đảm giám sát, kiểm tra của cơ quan dân cử, Nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên đối với Trưởng Đơn vị HCKTĐB và các cơ quan nhà nước khác ở đơn vị HCKTĐB.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước khác như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thi thành án dân sự, cơ quan quân đội, công an, tài chính, bảo hiểm, chi nhánh ngân hàng nhà nước theo hương tinh gọn với thẩm quyền hiệu lực, hiệu quả để thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực của mình./.
Bình luận