Xuất khẩu gạo đang đà thuận lợi
Xuất khẩu tăng cả lượng và giá trị
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,36 triệu tấn và 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng, nhưng tăng tới 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 491 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Lý giải nguyên nhân của kết quả đạt được nói trên, tại buổi họp báo quý I/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 03/04/2018, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ cấu xuất khẩu thay đổi, chất lượng gạo tăng lên. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thường IR 50404. Hiện nay, gạo xuất khẩu phần lớn là loại chất lượng cao, gạo ngon, chiếm đến 81% cơ cấu gạo xuất khẩu. Sau nhiều năm định hướng tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, việc nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam đã có hiệu quả. Trong 3-4 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao.
Bên cạnh đó, hết quý I/2018, sản lượng lúa cả nước ước đạt khoảng 11,18 triệu tấn, tăng 571.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 5,4%).
Mục tiêu xuất khẩu gạo đặt ra trong năm 2018 là 6,5 triệu tấn
Về những yếu tố khách quan, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, một trong những yếu tố xuất khẩu gạo của nước ta gia tăng về sản lượng cũng là do, Indonesia đã quay lại thị trường Việt Nam và nhập khẩu gạo ngay từ đâu năm nay, sau nhiều năm giảm mua.
Còn đối với Thái Lan, sau nhiều năm “gánh” lượng gạo tồn kho lớn và kéo dài đến năm 2017, thì trong năm 2018, quốc gia này cũng đã giải quyết hết được lượng gạo tồn kho, cho nên, đây cũng là cơ hội cho những nước sản xuất và xuất khẩu gạo khác năm 2018, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, trong thời gian tới, cơ hội xuất khẩu mặt hàng này còn lớn hơn khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo hồi đầu năm 2018, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại CPTPP cho biết, CPTPP sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động này. Theo đó, Hiệp định này sẽ giúp thu hút vốn FDI không nhỏ để đón đầu những ưu đãi và thuận lợi. Đây chính là động lực giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có lúa gạo.
Tại thị trường Australia, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết trên Báo điện tử Công Thương, SunRice - Tập đoàn lúa gạo lớn nhất của Australia dự kiến đầu tư từ 100-200 triệu USD vào vùng nguyên liệu, cũng như nghiên cứu và phát triển các giống gạo, cải tiến công nghệ, đầu tư vào xay xát, chế biến gạo, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ gạo. Việc đầu tư của SunRice sẽ giúp doanh nghiệp nước ta được tiếp cận được với cách làm nông nghiệp hiện đại, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao.
Hơn nữa, với hệ thống phân phối rộng khắp của SunRice trên toàn thế giới, cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu của gạo Việt Nam rất cao. Hiện nay, Tập đoàn SunRice đang nhập khẩu khoảng 50% gạo Japonica của Việt Nam để phân phối đi khắp thế giới.
Đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao
Mặc dù, việc xuất khẩu gạo chất lượng cao đang là một xu hướng tốt và đem lại lợi nhuận lớn cho người trồng lúa cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay giá bán các loại gạo này của Việt Nam vẫn ở mức khá khiêm tốn, như: OM 4900 có giá trung bình khoảng 500 USD/tấn; ST 21 giá 520 USD/tấn, còn gạo nếp dao động 440 đến 460 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo thơm Hom mali của Thái Lan đạt xấp xỉ 1.000 USD/tấn, gạo thơm của Campuchia khoảng 800 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo của Việt Nam tuy đã tăng, song vẫn thấp hơn nhiều so với giá gạo của các nước láng giềng nói trên.
Năm 2018, Việt Nam phấn đấu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo. Với đà xuất khẩu trong ba tháng đầu năm nay, có thể khẳng định, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam vẫn đang có nhiều thuận lợi.
Để đẩy mạnh cho mọi thành phần có thể xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã phối hợp chặt với Bộ Công Thương, tiến hành rà soát sửa đổi Nghị định 109 để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Bộ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Logo thương hiệu gạo quốc gia đã được phê duyệt và tới đây sẽ có cơ chế quản lý.
Như vậy, vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu gạo chất lượng cao của nước ta là làm sao nâng cao giá trị thương hiệu cũng như bảo đảm chất lượng đồng đều của các lô hàng để ngày càng nâng cao giá bán.
Ngoài yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc xuất khẩu gạo thơm giống thuần chủng, có xác nhận vì nếu trồng lúa thơm lẫn với lúa thường thì chất lượng gạo sẽ bị ảnh hưởng do hiện tượng thụ phấn chéo.
Hơn nữa, cần có các biện pháp hữu hiệu, cứng rắn để ngăn chặn triệt để tình trạng một số doanh nghiệp xuất khẩu dựa vào nhu cầu tăng cao của thị trường đã mua gạo thơm không bảo đảm chất lượng hoặc trà trộn thêm gạo không cùng loại để bán với giá cạnh tranh, gây tổn hại đến sản phẩm chất lượng thật.
Quan trọng hơn, cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng trên thế giới ngày càng biết và sử dụng nhiều hơn các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Từ đó, mở rộng thị trường phân khúc gạo này, tránh tình trạng phụ thuộc vào những thị trường quen thuộc, truyền thống như đã từng xảy ra với những mặt hàng gạo thường của nước ta./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/35669002-day-manh-xuat-khau-gao-chat-luong-cao.html
https://www.mard.gov.vn/Pages/thu-truong-ha-cong-tuan-giai-phap-on-dinh-va-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-la-quan-trong-nhat--.aspx
http://baocongthuong.com.vn/cptpp-them-co-hoi-cho-gao-viet.html
Bình luận